Giá vàng thế giới giảm mạnh trong phiên ngày thứ Sáu, khi giới đầu tư tiếp tục lo ngại về tín hiệu cứng rắn về chính sách tiền tệ từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Giá vàng trong nước sáng nay (11/11) giảm ít hơn, khiến chênh lệch với giá quốc tế giãn rộng thêm.
Đóng cửa phiên giao dịch tại Mỹ, giá vàng giao ngay giảm 19,5 USD/oz, tương đương giảm 1%, chốt ở mức 1.939,7 USD/oz – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Mức giá này tương đương 57,2 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank. So với sáng qua, giá vàng thế giới quy đổi hiện giảm 800.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng miếng sáng nay giảm phổ biến 100.000 đồng/lượng, thậm chí có nơi không giảm, còn giá vàng nhẫn giảm khoảng 300.000 đồng/lượng.
Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 69,3 triệu đồng/lượng (mua vào) và 70,3 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm sáng qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 100.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 58,5 triệu đồng/lượng và 59,5 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 69,3 triệu đồng/lượng và 70,3 triệu đồng/lượng, đi ngang so với sáng hôm qua.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ đang cao hơn 13,1 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 12,4 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua. Giá vàng nhẫn đang cao hơn thế giới 2,3 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 1,8 triệu đồng/lượng vào sáng qua.
Tuần này, giá vàng thế giới giảm 2,8%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất trong vòng 6 tuần trở lại đây. Giá vàng miếng bán ra trong nước thậm chí không giảm mà còn tăng 100.000 đồng/lượng so với sáng thứ Bảy tuần trước, còn giá vàng nhẫn giảm 250.000 đồng/lượng.
Áp lực giảm đối với giá vàng thế giới đã gia tăng trong tuần này, khi giới đầu tư cho rằng với sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ, Fed có thể sẽ giữ lãi suất cao hơn lâu hơn – đồng nghĩa đẩy lùi thời điểm cắt giảm lãi suất trong năm 2024 và sẽ giảm với tốc độ chậm hơn kỳ vọng – để đưa lạm phát giảm về mục tiêu 2% một cách bền vững.
Trong khi đó, kỳ vọng Fed không tăng lãi suất thêm trong năm 2023 hầu như đã được phản ánh hết vào giá vàng, nên không còn tác dụng đẩy giá tăng. Ngoài ra, nhu cầu mua vàng để phòng ngừa rủi ro do chiến tranh Israel-Hamas cũng lắng xuống trong bối cảnh cuộc chiến có vẻ không lan rộng ra khu vực Trung Đông.
Đến nay, giá vàng đã giảm khoảng 70 USD/oz sau khi vượt 2.000 USD/oz hồi cuối tháng 10.
Hôm thứ Năm, Chủ tịch Fed Jerome Powell tiếp tục thể hiện lập trường cứng rắn về chính sách tiền tệ. Ông Powell nói rằng cuộc chiến chống lạm phát vẫn còn một chặng đường dài phải đi và Fed tiếp tục để ngỏ khả năng tăng thêm lãi suất nếu cần.
“Sự cứng rắn của ông Powell là lý do chính khiến vàng suy yếu tuần này. Ngoài ra, tâm lý ham thích của nhà đầu tư tăng lên cũng không có lợi cho giá vàng”, nhà phân tích Fawad Razaqzada của City Index nhận định.
Triển vọng lãi suất Fed cao hơn lâu hơn đưa lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD cùng tăng trong tuần này, tạo thêm sức ép giảm giá đối với vàng.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD chốt phiên ngày thứ Sáu với mức giảm 0,1%, còn 105,8 điểm, nhưng tăng 0,74% trong tuần này – theo dữ liệu từ trang MarketWatch. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chốt tuần ở mức gần 4,65% từ mức 4,5% vào đầu tuần.
“Giá vàng sẽ tiếp tục giằng co nghiêng về giảm trong ngắn hạn, trừ phi căng thẳng địa chính trị leo thang, xuất hiện những số liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ yếu đi, hay Fed phát tín hiệu mềm mong về lãi suất”, nhà phân tích Jim Wyckoff của Kitco Metals nhận định.
Báo giá USD tại Vietcombank chốt tuần ở mức 24.100 đồng (mua vào) và 24.470 đồng (bán ra), giảm 70 đồng so với mức giá của sáng ngày thứ Sáu và giảm 220 đồng trong cả tuần.