Giá vàng thế giới tăng dữ dội trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, tiệm cận ngưỡng tâm lý then chốt 1.800 USD/oz, khi thị trường tài chính tiếp tục chứng kiến sự bán tháo các tài sản rủi ro như cổ phiếu vì nỗi lo về cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ. Giá vàng miếng trong nước sáng nay (18/3) nhảy lên mốc 67,5 triệu đồng/lượng.
Lúc đóng cửa phiên giao dịch tại thị trường Mỹ, giá vàng giao ngay tăng 69,8 USD/oz, tương đương tăng 3,64%, chốt ở 1.990,3 USD/oz – theo dữ liệu từ trang Kitco. Mức giá này tương đương 56,9 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.
So với sáng hôm qua, giá vàng thế giới quy đổi hiện tăng 1,7 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng miếng trong nước sáng nay chỉ tăng 300.000-350.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 66,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,5 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng tương ứng 150.000 đồng/lượng và 350.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 55,1 triệu đồng/lượng và 56,15 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng so với sáng qua.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,6 triệu đồng/lượng và 67,5 triệu đồng/lượng, tăng tương ứng 100.000 đồng/lượng và 300.000 đồng/lượng.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn khoảng 10,6 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 12 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua. Trong vòng khoảng nửa tháng trở lại đây, chênh lệch giữa giá vàng miếng với giá vàng thế giới quy đổi đã rút ngắn khoảng 3 triệu đồng/lượng.
Tuần này, giá vàng miếng tăng 700.000 đồng/lượng, tương đương tăng hơn 1%. Trong khi đó, giá vàng thế giới tăng 5,8%.
Cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng Mỹ là nhân tố khiến giới đầu tư bán tháo các tài sản rủi ro trong tuần này và chuyển vốn mạnh sang các tài sản an toàn như vàng và trái phiếu kho bạc Mỹ. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng này cũng khiến giới đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chỉ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, thay vì 0,5 điểm phần trăm, sau đó có thể tạm dừng chu kỳ thắt chặt, thậm chí sớm chuyển sang cắt giảm lãi suất.
Tất cả những yếu tố này đều tạo ra môi trường thuận lợi cho giá vàng – loại tài sản không mang lãi suất và giữ vai trò “hầm trú ẩn” mỗi khi có bất ổn.
Với phiên tăng ngày thứ Sáu, giá vàng thế giới đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2022. Đây cũng là tuần tăng mạnh nhất của giá vàng kể từ tháng 3/2020.
“Giá vàng tăng mạnh vì lo ngại rằng sẽ có thêm tin xấu phát đi từ hệ thống ngân hàng trong hai ngày cuối tuần, cộng thêm hy vọng Fed có thể dừng tăng lãi suất ngay trong tuần tới”, nhà giao dịch kim loại quý độc lập Tai Wong ở New York nói với hãng tin CNBC.
Việc ba ngân hàng Mỹ liên tiếp sụp đổ trong tuần trước đã cho thấy mức độ dễ tổn thương của các ngân hàng trong môi trường lãi suất tăng cao. Những bất ổn ở ngân hàng Thuỵ Sỹ Credit Suisse cũng khiến mức độ biến động của thị trường tăng thêm.
“Vàng sẽ toả sáng trong sự bất ổn vì nhà đầu tư giữ quan điểm thận trong”, nhà phân tích Lukman Otunuga nhận định.
Đồng USD tụt giá trong phiên ngày thứ Sáu càng làm gia tăng sức hấp dẫn của vàng – loại tài sản định giá bằng đồng bạc xanh. Chỉ số Dollar Index chốt tuần ở mức dưới 103,8 điểm, giảm hơn 0,5% so với phiên trước. Cả tuần, chỉ số giảm gần 0,7%.
Theo trang Kitco News, giới phân tích cho rằng với bất ổn tiếp diễn trong hệ thống ngân hàng, vàng rất có thể sẽ thử chinh phục mốc 2.000 USD/oz vào tuần tới trước khi chứng kiến một số hoạt động chốt lời lớn.
“Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu vàng thử mốc 2.000 USD/oz. Fed đang bị kẹt giữa hai nhiệm vụ trái ngược là cứu các ngân hàng và chống lạm phát. Fed khó có thể tăng lãi suất cao hơn mà không gây thêm căng thẳng cho hệ thống ngân hàng”, chuyên gia Everett Millman của Gainesville Coins nhận định.