Giá vàng thế giới tăng lên mức cao nhất 10 ngày trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (12/8), do nhu cầu phòng ngừa rủi ro địa chính trị ở Trung Đông. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn giữ thận trọng nhất định trước khi Mỹ công bố loạt báo cáo lạm phát của tháng 7 – những điểm dữ liệu có thể ảnh hưởng tới quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian tới.
Lúc đóng cửa phiên New York, giá vàng giao ngay tăng 42,2 USD/oz, tương đương tăng 1,73%, chốt ở mức 2.473,9 USD/oz – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Lúc gần 7h sáng nay (13/8) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 0,6 USD/oz so với chốt phiên Mỹ, giao dịch ở mức 2.474,5 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương gần 75,4 triệu đồng/lượng, tăng 1,5 triệu đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Giá vàng đang ở vùng cao nhất kể từ hôm 2/8. Một phần động lực để giá vàng tăng mạnh phiên này là căng thẳng địa chính trị tiếp tục nóng lên ở Trung Đông, kích thích nhu cầu phòng ngừa rủi ro.
Bộ Quốc phòng Mỹ vào cuối tuần vừa rồi cho biết sẽ triển khai tàu ngầm được trang bị tên lửa hành trình tới Trung Đông, trong lúc khu vực này đang đứng trước khả năng xảy ra các cuộc tấn công của Iran và đồng minh của Tehran nhằm vào Israel. Trước đó, Iran và tổ chức phiến quân Hezbollah đã thề sẽ trả đũa vụ ám sát một thủ lĩnh cấp cao và một chỉ huy lực lượng thiệt mạng trong các cuộc tấn công do Israel đứng ra nhận trách nhiệm.
Ngoài ra, theo giới phân tích, các yếu tố kỹ thuật thuận lợi cũng hỗ trợ giá vàng trong phiên này.
“Những gì chúng ta chứng kiến ngày hôm nay trên thị trường kim loại quý là giá được hỗ trợ bởi sự thuận lợi trên biểu đồ, yếu tố thúc đẩy lực mua kỹ thuật nhất định”, nhà phân tích Jim Wyckoff của trang Kitco Metals nhận định. “Ngoài ra còn có nhu cầu phòng ngừa rủi ro do bất ổn địa chính trị gia tăng ở Trung Đông”.
Vào ngày thứ Tư, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7, một chỉ báo quan trọng về sức khỏe của nền kinh tế. Trước báo cáo CPI, thị trường sẽ đón nhận báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) – một thước đo lạm phát đáng chú ý khác – của tháng 7 vào ngày thứ Ba. Tiếp đó, báo cáo doanh thu bán lẻ sẽ được Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày thứ Năm.
Những số liệu này có thể chi phối các quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian còn lại của năm nay, từ đó tác động tới diễn biến giá vàng. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng khoảng 49% Fed sẽ hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9.
Phát biểu hôm thứ Bảy vừa rồi, Thống đốc Fed Michelle Bowman – một người thường thể hiện quan điểm chính sách tiền tệ cứng rắn – đã tỏ ra bớt cứng rắn hơn, nói rằng tiến trình giảm lạm phát đã đạt được một số bước tiến đáng hoan nghênh trong 2 tháng trở lại đây.
Ngoài vai trò “hầm trú ẩn”, vàng còn là một tài sản không mang lãi suất, nên môi trường lãi suất giảm thường có lợi cho giá vàng.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng khả năng suy thoái kinh tế Mỹ giảm xuống có thể sẽ khiến triển vọng tăng giá của vàng giảm bớt. Nếu suy thoái xảy ra, vàng sẽ được nhà đầu tư ưa chuộng hơn, và Fed cũng phải giảm lãi suất nhanh và mạnh hơn.
“Xét ở phương diện nào, vàng cũng đang là một giao dịch rất phổ biến. Nhà đầu tư cá nhân đang đồng tình lạc quan về vàng, nhưng các quỹ vĩ mô có thể đang thận trọng hơn với vàng vì nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ giảm xuống thấp”, một báo cáo của công ty TD Securities nhận định.
Theo ông Wyckoff, về mặt kỹ thuật, các nhà đầu cơ giá lên hợp đồng vàng giao tháng 12 đang chiếm ưu thế chắc chắn trong ngắn hạn. Mục tiêu của họ là đưa giá vàng đóng cửa trên ngưỡng cản 2.537,7 USD/oz. Trái lại, mục tiêu của các nhà đầu cơ giá xuống là đẩy giá vàng giao tháng 12 xuống dưới mức hỗ trợ 2.350 USD/oz.
Mức kháng cự đầu tiên sẽ là 2.500,3 USD/oz, tiếp đến là 2.516,6 USD/oz. Ngưỡng hỗ trợ đầu tiên là 2.462,7 USD/oz, tiếp đến là 2.450 USD/oz.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/gia-vang-tang-vut-len-dinh-10-ngay-do-nhu-cau-ham-tru-an.htm