Giá vàng thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (4/6), khi đồng USD tăng giá nhẹ trước khi Mỹ công bố một báo cáo việc làm quan trọng trong tuần này – điểm dữ liệu có thể giúp định hình rõ nét hơn triển vọng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Sự bấp bênh trong triển vọng lãi suất đang là nguyên nhân khiến giá vàng giằng co không rõ xu hướng gần đây, sau khi giảm hơn 100 USD/oz kể từ mức kỷ lục thiết lập hồi tháng 5.
Lúc đóng cửa, giá vàng giao ngay tại thị trường New York giảm 25,2 USD/oz so với chốt phiên trước, tương đương giảm khoảng 1,1%, chốt ở mức 2.327,3 USD/oz – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Lúc gần 8h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 3,2 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, giao dịch ở mức 2.330,5 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này của vàng thế giới tương đương gần 71,5 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng so với ngày hôm qua.
Phiên giảm ngày thứ Ba xoá hết thành quả tăng của giá vàng trong phiên ngày thứ Hai. Điều này cho thấy tâm lý bấp bênh của nhà đầu tư trên thị trường kim loại quý trong bối cảnh triển vọng lãi suất thiếu rõ ràng.
Số liệu từ Bộ Lao động Mỹ ngày thứ Ba cho thấy số đầu việc cần tuyển dụng trong nền kinh tế – một chỉ báo quan trọng về nhu cầu lao động – trong tháng 4 giảm 296.000 vị trí so với tháng trước đó, xuống còn 8,059 triệu đầu việc. Mức giảm này lớn hơn dự báo và số vị trí cần tuyển dụng là thấp nhất trong vòng hơn 3 năm trở lại đây.
Sau báo cáo này, thị trường gia tăng đặt cược vào khả năng Fed giảm lãi suất 2 lần trong năm nay. Trên thị trường lãi suất tương lai, các nhà giao dịch đặt cược khả năng gần 62% cho rằng Fed có 2 đợt giảm lãi suất trong năm nay, tăng từ mức chỉ 36% vào tuần trước – theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME.
Vàng là tài sản không mang lãi suất nên bất kỳ sự dịch chuyển nào trong triển vọng lãi suất theo hướng lãi suất có thể giảm nhiều hơn đều có lợi cho giá vàng. Tuy nhiên, giá vàng không thể duy trì xu thế tăng của phiên trước do đồng USD hồi phục sau khi giảm xuống mức thấp nhất 3 tuần trong phiên trước.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đạt gần 104,2 điểm, tăng chỉ 0,1% từ mức 104,1 điểm của phiên trước – theo dữ liệu từ trang MarketWatch. Trong vòng 1 tháng trở lại đây, chỉ số này đã giảm hơn 1,3%.
Vàng được định giá bằng USD, nên đồng USD tăng giá thường gây áp lực mất giá lên vàng và ngược lại.
“Phiên này, giá vàng có lẽ phản ứng nhiều hơn với sự tăng giá của đồng USD”, chiến lược gia trưởng Bart Melek nhận định về phiên giảm ngày thứ Ba của giá vàng, nói thêm rằng nhiều nhà đầu tư vàng cũng chốt lời trong phiên này.
Báo cáo công bố ngày thứ Ba chưa phải là số liệu kinh tế Mỹ quan trọng nhất của tuần này. Tâm điểm chú ý của giới đầu tư ở Phố Wall trong tuầy này là báo cáo bảng lương phi nông nghiệp đến từ Bộ Lao động Mỹ vào ngày thứ Sáu. Mong muốn của nhà đầu tư là một thị trường lao động đủ yếu để Fed có thể bắt đầu giảm lãi suất, nhưng cũng không quá yếu tới mức có thể dẫn tới suy thoái kinh tế Mỹ. Bất kỳ một số liệu nào chệch khỏi điểm cân bằng này cũng sẽ dẫn tới biến động trong kỳ vọng lãi suất, từ đó dẫn tới biến động giá vàng.
Theo nhà phân tích cấp cao Jim Wyckoff của trang Kitco Metals, số liệu việc làm yếu hơn dự báo có thể đẩy giá vàng tăng mạnh. Ngược lại, số liệu việc làm tốt hơn kỳ vọng sẽ dẫn tới tâm lý rằng Fed sẽ giữ lãi suất cao hơn lâu hơn, gây áp lực mất giá lên vàng.
“Giá vàng nhiều khả năng sẽ di chuyển ngang trong thế giằng co, hoặc giằng co theo hướng nghiêng về giảm, trong những tuần tới, trừ phi xảy ra một sự kiện địa chính trị bất ngờ khiến nhu cầu phòng ngừa rủi ro tăng mạnh”, ông Wyckoff nói.
Hồi tháng 5, mối lo về rủi ro địa chính trị Trung Đông đã góp phần đẩy giá vàng lên đỉnh cao mọi thời đại ở vùng 2.450 USD/oz. Từ đỉnh giá đó, giá vàng đến hiện tại đã giảm hơn 100 USD/oz.
Theo nhận định của hãng tin Reuters, một nhân tố khó lường đối với giá vàng trong tháng 6 là nhận định của giới chức Fed về mức độ thắt chặt của chính sách tiền tệ hiện tại.
Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Fed hiện cho rằng lãi suất trung tính – mức lãi suất không gây hiệu ứng kích thích hay hạn chế tăng trưởng kinh tế – là 2,5%. Mức này thấp hơn nhiều so với lãi suất quỹ liên bang, tức lãi suất điều hành của Fed, đang ở khoảng 5,25-5,5%.
Nhưng gần đây, một số nhà phân tích nhận thấy rằng các phát biểu của giới chức Fed đã trở nên kém chắc chắn hơn trước về lãi suất trung tính. “Không chỉ những người ngoài Fed đang nói rằng chính sách tiền tệ hiện nay có thể chưa thắt chặt tới mức như họ nghĩ. Điều này đồng nghĩa rằng lãi suất trung tính thực ra phải cao hơn”, chiến lược gia Will Compernolle của công ty FHN Financial nhận định.
Nếu lãi suất trung tính là cao hơn, điều đó đồng nghĩa Fed sẽ phải giữ lãi suất cao hơn lâu hơn – một môi trường bất lợi cho giá vàng.
Cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của Fed sẽ diễn ra vào tuần tới, với một báo cáo được chờ đợi là dự báo cập nhật của Fed về nền kinh tế và lãi suất trong trung hạn và dài hạn. Bất kỳ sự điều chỉnh nào trong các dự báo này đều có thể dẫn tới biến động trên thị trường tài chính.
Trang Kitco News nhận định trong lúc Fed phải giữ thế cân bằng khó khăn giữa vừa chống lạm phát vừa ngăn nền kinh tế rơi vào suy thoái, tình trạng giằng co gần đây của giá vàng phản ánh sự bấp bênh gia tăng về triển vọng chính sách tiền tệ Mỹ và ảnh hưởng của chính sách này tới thị trường tài chính.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/gia-vang-lao-doc-du-dong-usd-chi-tang-nhe.htm