Các số liệu thống kê công bố ngày 15/6 tiếp tục cho thấy sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc, qua đó làm gia tăng kỳ vọng Bắc Kinh sẽ nhanh chóng đẩy mạnh các biện pháp kích cầu để vực dậy sự phục hồi tăng trưởng đang ngày càng đuối. Trong một động thái đã được dự báo từ trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (BPOC) có đợt giảm lãi suất thứ hai chỉ trong vòng 1 tuần.
Sau khi Trung Quốc bất ngờ dỡ bỏ các biện pháp chống dịch Covid-19 hà khắc vào cuối năm ngoái, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã “bừng tỉnh” trong quý 1 năm nay. Tuy nhiên, sang quý 2, sự phục hồi đã mất đà nhanh. Báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc phản ánh rõ điều này.
Trong tháng 5, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 5,6% ghi nhận trong tháng 4 và không đạt dự báo tăng 3,6% mà các nhà phân tích đưa ra trước đó trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters. Dữ liệu này cho thấy các doanh nghiệp sản xuất của Trung Quốc tiếp tục chật vật với sự suy yếu của nhu cầu ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Doanh thu bán lẻ, một thước đo quan trọng về niềm tin của người tiêu dùng, tăng 12,7%, không đạt mức dự báo tăng 13,6% và giảm tốc so với mức tăng 18,4% ghi nhận trong tháng 4.
Giới phân tích cảnh báo rằng các số liệu của tháng 5, nhất là bán lẻ, có thể bị bóp méo nhiều vì cơ sở so sánh là mức của năm 2022 rất thấp, do ở thời điểm đó, nhiều thành phố của Trung Quốc đang phải phong toả chống Covid. Điều này có nghĩa là mức tăng trưởng thực tế có thể yếu hơn nhiều.
Gần đây, các số liệu kinh tế Trung Quốc, từ các cuộc khảo sát nhà máy cho tới thương mại, tăng trưởng tín dụng và doanh số bất động sản đều cho thấy dấu hiệu của một nền kinh tế đang ngày càng yếu đi. Điều này củng cố khả năng Chính phủ Trung Quốc triển khai thêm các biện pháp kích cầu để đưa nền kinh tế chống chọi với một loạt nguy cơ gồm rủi ro giảm phát, nợ chồng chất của các chính quyền địa phương, tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục ở lao động trẻ và nhu cầu toàn cầu suy yếu.
PBOC ngày 15/6 cắt giảm lãi suất đối với chương trình cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn 1 năm, đánh dấu lần đầu tiên giảm lãi suất này trong vòng 10 tháng. Động thái này có thể mở đường cho việc giảm lãi suất cơ bản (LPR) vào ngày thứ Ba tuần tới.
Trước đó, vào hôm 13/6, PBOC cho biết đã giảm lãi suất mua lại đảo ngược (repo) kỳ hạn 7 ngày 0,1 điểm phần trăm, còn 1,9%. Đây là lần đầu tiên PBOC giảm lãi suất này kể từ tháng 8/2022.
Thị trường đang đặt cược khả năng Bắc Kinh có thêm các biện pháp kích cầu khác, bao gồm chính sách tăng cường hỗ trợ cho thị trường bất động sản đang chìm trong khủng hoảng. Ngành địa ốc vốn dĩ là một trong những đầu tàu tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc.
Tuần trước, Thống đốc PBOC Dịch Cương cam kết rằng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các điều chỉnh chính sách phản chu kỳ nhằm vực dậy nền kinh tế.
Trong 5 tháng đầu năm, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 4 tháng đầu năm, mức giảm là 6,2%.
Trong một báo cáo ra tuần này, ngân hàng Mỹ Goldman Sachs dự báo ngành bất động sản Trung Quốc sẽ còn “suy yếu kéo dài” trong nhiều năm, đặt ra một rào cản lớn đối với tăng trưởng kinh tế.
Đầu tư tài sản cố định 5 tháng đầu năm tăng 4%, so với dự báo tăng 4,4% và mức tăng 4,7% đạt được trong 4 tháng đầu năm.
Thị trường lao động-việc làm của Trung Quốc vẫn còn yếu trong trạng thái mong manh của toàn cộ nền kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc trong tháng 5 duy trì ở mức 5,2%. Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi 16-24 tăng lên 20,8%, mức cao kỷ lục mới.
Dù tăng trưởng sụt tốc, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh vẫn còn ngần ngại với việc tung ra các biện pháp kích thích kinh tế mạnh tay hơn. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu tiếp tục tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát, đặt ra nguy cơ các dòng vốn chảy mạnh khỏi Trung Quốc.
Gần đây, các ngân hàng thương mại lớn nhất của Trung Quốc đã giảm lãi suất tiết kiệm, nhằm giải toả áp lực tỷ suất lợi nhuận, đồng thời như một biện pháp để kích thích tiêu dùng.