Báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 8 tháng, ước thực hiện 9 tháng kế hoạch năm 2023 cho thấy ước thanh toán đến hết tháng 9/2023 là 363.310,6 tỷ đồng, đạt 47,75% kế hoạch, đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm số kéo dài và địa phương giao tăng). Trong đó, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội giải ngân đạt 49.740,216 tỷ đồng, đạt 38,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Như vậy, tốc độ giải ngân 9 tháng tăng cao hơn cùng kỳ năm 2022 khi chỉ đạt 42,16% kế hoạch và đạt 46,70% kế hoạch Thủ tướng giao. So sánh với cùng kỳ về con số tuyệt đối, giải ngân trong 9 tháng năm nay cao hơn 110.000 tỷ đồng và đạt kỷ lục khi chưa có năm nào vượt mức 50% sau 9 tháng.
GIAO ĐẤT CHẬM CHẠP, NHIỀU DỰ ÁN “TẮC” GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG
Thông tin từ Bộ Tài chính cũng cho thấy có 12/52 bộ, cơ quan trung ương và 30/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên 50%. Đáng chú ý, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ngân hàng Phát triển (100%), Ngân hàng Nhà nước (69,65%), Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (68,06%), Đồng Tháp (79,36%), Long An (74,98%), Tiền Giang (77,84%).
Cũng theo Bộ Tài chính, các dự án quan trọng quốc gia có tỷ lệ giải ngân cao hơn trung bình cả nước.
Cụ thể, đến hết ngày 31/8/2023, tổng số vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải gồm: cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020; cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025; cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1; cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1; dự án Vành đai 4 TP. Hà Nội; dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh; dự án đường Hồ Chí Minh; dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành, đạt 48.297,55 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 55,3% trên tổng kế hoạch năm 2023 được giao (87.317 tỷ đồng). Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 41.857,66 tỷ đồng, đạt 53,9% và vốn ngân sách đại phương là 6.997,98 tỷ đồng, đạt 72,9%.
Tuy nhiên, “vẫn còn 29 bộ và 3 địa phương giải ngân được dưới 30% kế hoạch vốn, trong đó có 17 bộ, cơ quang trung ương chỉ giải ngân dưới 10%”, Bộ Tài chính nêu rõ.
Theo ghi nhận, Uỷ ban dân tộc, Kiểm toán Nhà nước và Tổng công ty thuốc lá vẫn chưa giải ngân đồng vốn nào dù đã đi qua phần lớn chặng đường. Bên cạnh đó, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Thanh tra Chính phủ… cũng “đội sổ” về giải ngân.
Cũng theo đánh giá của Bộ Tài chính, theo tổng hợp, tuy chỉ có 3 địa phương tỷ lệ giải ngân dưới 30% song có 57 địa phương còn tồn tại nhiều dự án giải ngân dưới 10% và 109 dự án tại 41 địa phương vẫn chưa thực hiện giải ngân.
“Nguyên nhân chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện, đặc biệt là các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng do đặc thù của từng dự án. Vì vậy cần phải có sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương”, Bộ Tài chính nhìn nhận.
Bộ Tài chính cho biết, mặc dù tỷ lệ giải ngân cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng trên cơ sở cuộc họp Tổ công tác trong thời gian vừa qua (Tổ công tác số 3 do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm tổ trưởng; Tổ công tác số 2 do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm tổ trưởng) và tổng hợp theo báo cáo 8 tháng của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, việc giải ngân vốn đầu tư công còn tồn tại một số vướng mắc.
Cụ thể, trong việc giao đất, chuyển đổi đất rừng tại một số dự án còn phức tạp, mất nhiều thời gian, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư như tại Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Quảng Bình.
Bên cạnh đó là vướng mắc khi thực hiện các quy định mới về an toàn phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường tại Bộ Y tế, tỉnh Thừa Thiên Huế, một số dự án mang tính chất chuyên ngành phải trình duyệt nhiều bước.
Ngoài ra, các dự án thủy lợi, đê điều có tính đặc thù, công tác thi công có tính thời vụ, thời gian thi công ngắn, vừa thi công, vừa phải đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp, việc khoan đê, cắt đê không thực hiện được trong mùa mưa bão; khan hiếm nguồn nguyên vật liệu, biến động giá nguyên vật liệu.
Cũng theo Bộ Tài chính, các bộ, ngành và địa phương có nhu cầu điều chỉnh vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển triển kinh tế với các nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 nhưng chưa thực hiện được do phải chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Một số địa phương chưa tổ chức đấu giá đất nên chưa có số thu để giải ngân. Việc đấu giá đất cũng còn gặp nhiều vướng mắc và hạn chế, dẫn tới chậm giải ngân cho dự án hay vướng mắc khi thực hiện giải phóng mặt bằng do thiếu quỹ đất thực hiện dự án.
Đáng nói, việc đẩy giá trúng đấu giá lên quá cao so với giá trị thị trường rồi sau đó bỏ cọc diễn ra “nhức nhối” thời gian qua cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các dự án.
VÀO CUỘC QUYẾT LIỆT, SỚM BÀN GIAO MẶT BẰNG CHO DỰ ÁN
Từ tình hình trên, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành và địa phương đánh giá kiểm điểm trách nhiệm cụ thể trong việc phải cắt giảm kế hoạch, rút kinh nghiệm trong việc xây dựng kế hoạch 2024 đảm bảo sát với khả năng thực hiện.
Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét phương án cắt giảm kế hoạch năm 2023 tương ứng kế hoạch đã bố trí cho các dự án đến hết 31/10/2023 có tỷ lệ giải ngân bằng 0% và cắt giảm kế hoạch đến hết 31/10/2023 chưa thực hiện phân bổ.
Riêng đối với các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội được giải ngân trong thời gian 2 năm (2022-2023), tuy nhiên, sau khi hoàn thiện các thủ tục đầu tư như: rà soát danh mục, đăng ký, phân bổ vốn đầu tư, thực tế dự án chỉ được giải ngân trong khoảng một năm.
Các dự án công nghệ thông tin thuộc chương trình có yêu cầu phức tạp về kỹ thuật, về công nghệ, cần phải xin hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn trước khi phê duyệt dự án.
Vì vậy, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ưu tiên cho phép dài thời gian thực hiện và giải ngân của các dự án công nghệ thông tin nhằm mục tiêu chuyển đổi số.
Về kế hoạch kéo dài các năm trước chuyển sang năm 2023 là 54.725 tỷ đồng, dự kiến đến hết tháng 9 tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này khoảng 44,31%, thấp hơn tỷ lệ giải ngân nguồn vốn trong kế hoạch năm.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương làm rõ lý do, trách nhiệm trong việc đề xuất việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm sau nhưng khả năng giải ngân chậm làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Tài chính yêu cầu tiếp tục tập trung chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc để triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về giải ngân vốn theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tại các nghị quyết, chỉ thị, công điện về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, sớm có quyết định điều chỉnh kế hoạch (nếu có nhu cầu) theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của chương trình phục hồi với các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Các tổ công tác quyết liệt trong kiểm tra, đôn đốc, kiểm điểm tiến độ theo tuần để kịp thời tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án.
Trước tình hình việc đấu giá đất còn gặp nhiều vướng mắc và hạn chế, dẫn tới chậm giải ngân cho dự án, vướng mắc khi thực hiện giải phóng mặt bằng do thiếu quỹ đất thực hiện dự án, nhóm nghiên cứu từ Đại học Kinh tế Quốc dân vừa đề xuất một số giải pháp.
Cụ thể, thứ nhất, về vấn đề đấu thầu quyền sử dụng đất công, Chính phủ cần quy định chặt chẽ các tiêu chuẩn và điều kiện đối với năng lực thực hiện dự án của người tham gia đấu giá, bao gồm năng lực tài chính, khả năng thực hiện, uy tín, kinh nghiệm, kế hoạch/phương án khi trúng đấu giá.
Ngoài ra, cần quy định thêm chế tài xử lý nghiêm đối với hành vi người trúng đấu giá nâng giá cao bất thường, sau đó không thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, dẫn đến hủy kết quả đấu giá.
Thứ hai, về vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, theo nhóm nghiên cứu, cần có sự điều chỉnh bảng giá đất tỉnh theo từng năm.
Theo quy định Luật Đất đai 2013 hiện hành, bảng giá đất được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 05 năm một lần và công bố công khai vào ngày 1/1 của năm đầu kỳ.
Thay vì điều chỉnh chậm trễ như trên, nên điều chỉnh bảng giá đất theo từng năm hoặc điều chỉnh hệ số để việc xác định bảng giá đất được theo sát giá trị thị trường.
“Khoảng thời gian là 5 năm mới thực hiện điều chỉnh là một khoảng cách quá dài và không phản ánh đúng quy luật cung cầu của thị trường. Mặt khác, cần quy định cụ thể về áp dụng phương pháp định giá đất trong quá trình xác định giá đất cụ thể, thống nhất kết quả tư vấn xác định giá đất cụ thể từ tổ chức tư vấn độc lập”, nhóm nghiên cứu từ Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định.