Ngày 3/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác điều hành giá 7 tháng đầu năm và những tháng còn lại của năm 2023.
Các ý kiến tại phiên họp đều thống nhất cho rằng trong những tháng đầu năm nguồn cung các hàng hóa thiết yếu được đảm bảo, giá cả cơ bản ổn định, diễn biến đúng với kịch bản điều hành giá cả Ban Chỉ đạo điều hành giá đã đề ra.
Nhờ đó, từ nay đến cuối năm, dư địa điều hành giá “dễ thở hơn”, đủ điều kiện để có thể xem xét lộ trình điều chỉnh các mặt hàng, dịch vụ Nhà nước quản lý theo lộ trình thị trường vào thời điểm thích hợp để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu; đồng thời, bảo đảm sự đồng thuận xã hội, giảm bớt áp lực sang các năm tiếp theo.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao những kết quả đã đạt được cũng như sự nỗ lực của các bộ ngành, địa phương trong việc triển khai các biện pháp điều hành giá thời gian qua.
Trong những tháng còn lại của năm 2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, bám sát các kịch bản đã đề ra, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây lạm phát trong nước; thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng nhà nước quản lý.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Tổ chức triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giá.
Đồng thời, “tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch, đầy đủ thông tin về giá và công tác điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để ổn định tâm lý người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát kỳ vọng”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Các địa phương chủ động thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật khi hàng hóa có biến động bất thường.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng nêu ý kiến cụ thể liên quan đến quản lý giá đối với một số mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, điện, nông sản, dịch vụ giáo dục và vật tư giáo dục, dịch vụ y tế, vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải…
Riêng đối với mặt hàng điện, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương đôn đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo phương án giá điện cập nhật hàng quý năm 2023 để thực hiện giá bán điện theo quy định.
Đồng thời, “sớm hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Quyết định 28/2014/QĐ-TTg quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện…”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo dự thảo quyết định được Bộ Công Thương đang lấy ý kiến, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt được rút xuống còn 5 bậc, so với 6 bậc như hiện hành (áp dụng từ năm 2014).
Cụ thể, bậc 1 (từ 0 – 100 kWh), có giá 1.728,33 đồng/kWh; bậc 2 (từ 101 – 200 kWh), có giá 2.037,99 đồng/kWh; bậc 3 (từ 201 – 400 kWh), có giá 2.612,11 đồng/kWh; bậc 4 (từ 401 – 700 kWh), có giá 3.110,99 đồng/kWh và bậc 5 (từ 701 kWh trở lên), có giá 3.456,66 đồng/kWh. Mức giá này chưa bao gồm thuế VAT.
Mức giá được đưa ra trên cơ sở giá bán lẻ điện bình quân 1.920,37 đồng một kWh, vừa được điều chỉnh hồi đầu tháng 5/2023.
Theo Bộ Công Thương, việc cải tiến này sẽ làm thay đổi căn bản cơ cấu biểu giá bán lẻ điện so với trước nên sẽ tác động trực tiếp tới các khách hàng. Trong đó, mức giá bán lẻ điện bình quân với nhóm sinh hoạt không thay đổi nhưng sẽ có nhóm khách hàng được giảm tiền điện và ngược lại.
Chẳng hạn, đối với các hộ có mức sử dụng điện từ 710 kWh trở xuống, chiếm 89% số hộ sẽ có tiền điện phải trả giảm đi. Tuy nhiên, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 711 kWh/tháng trở lên (chiếm 2% hộ tiêu thụ) phải trả tăng thêm.
Trước đó, vào năm 2020, Bộ Công Thương cũng đã đề xuất rút gọn từ 6 bậc xuống 5 bậc vào năm 2020, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ xin hoãn việc này.