Cập nhật các báo cáo thị trường đến ngày 21/8 cho thấy, ở cuối tuần trước (18/8), lãi suất liên ngân hàng qua đêm giao dịch ở mức 0,15%/năm, tăng 8 điểm so với cuối tháng trước. Lãi suất các kỳ hạn khác cũng ở quanh mức 0,3%- 0,5%/năm, tăng 5-8 điểm cơ bản trong khi lãi suất kỳ hạn 1 tháng hiện là 1,2%, giảm 28 điểm cơ bản so với tháng trước.
Ngân hàng Nhà nước trì hoãn việc hút VND từ hệ thống về giúp cho thanh khoản dồi dào và giữ lãi suất liên ngân hàng ở mặt bằng thấp, hỗ trợ tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế.
Thị trường mở không phát sinh thêm giao dịch nào khác do lãi suất liên ngân hàng vẫn đang thấp hơn lãi suất OMO nên các ngân hàng thương mại có thể vay lẫn nhau trên thị trường mà chưa cần đến sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua một lượng lớn ngoại tệ để bổ sung dự trữ ngoại hối; đồng thời, gia hạn các giao dịch mua ngoại tệ của các tổ chức tín dụng.
Qua đó, Ngân hàng Nhà nước trì hoãn việc hút VND từ hệ thống về giúp cho thanh khoản dồi dào và bình ổn lãi suất liên ngân hàng ở mặt bằng thấp, hỗ trợ tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế.
Ngoài ra, gần 30 ngân hàng đồng loạt giảm tiếp lãi suất tiết kiệm trong nửa đầu tháng 8, đưa mức lãi suất cao nhất về vùng 7% một năm của kỳ hạn 12 tháng. So với cuối tháng trước, lãi suất giảm tập trung ở kỳ hạn từ 6 tháng trở lên với mức giảm bình quân 0,3-0,35%/ năm. Như vậy, so với giai đoạn cao điểm vào cuối năm ngoái, lãi suất tiết kiệm đã giảm tới 3- 4%, đặc biệt với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Tuy nhiên, tỷ giá VND/USD tăng nóng do chịu áp lực từ yếu tố quốc tế. Sau khi giữ ổn định trong 7 tháng đầu năm tỷ giá trong nước bật tăng trở lại kể từ đầu tháng 8.
Trong tuần từ 14/8 – 18/8, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng mạnh 4 phiên đầu tuần và chỉ giảm nhẹ 5 điểm phiên cuối tuần. Chốt ngày 18/8, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.946 VND/USD, tăng tới 109 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay phiên cuối tuần được niêm yết ở mức 25.093 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Cũng trong tuần trước, tỷ giá liên ngân hàng tăng mạnh 2 phiên đầu tuần rồi giảm trở lại 3 phiên cuối tuần. Chốt phiên 18/8, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.806 VND/USD, tăng 56 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh trong tuần qua tuy đã chững lại ở phiên cuối tuần. Chốt phiên 18/8, tỷ giá tự do tăng 185 đồng ở chiều mua vào và 195 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.950 VND/USD và 24.010 VND/USD.
Trước những diễn biến của tỷ giá VND/USD những ngày gần đây, nhiều đơn vị phân tích đưa ra dự báo VND sẽ mất giá +/-2% trong năm 2023.
Cụ thể, Công ty chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng trước áp lực từ việc lãi suất USD có thể duy trì ở mức cao đến cuối năm cho mục tiêu lạm phát của Fed kết hợp với chênh lệch lãi suất USD-VND lớn và nhu cầu USD mùa cuối năm, trong khi FDI và kiều hối ổn định kết hợp với thặng dư thương mại cao sẽ hỗ trợ cho Việt Nam Đồng, và kỳ vọng rằng VND sẽ mất giá dưới 2% so với USD và tỷ giá USD/VND sẽ ở mức dưới 24.100 trong năm 2023.
Công ty chứng khoán VNDirect nhận định tỷ giá có thể biến động mạnh hơn trong nửa sau năm 2023, tuy nhiên, tỷ giá USD/VND sẽ dao động không quá +/- 2,0% so với đầu năm 2023.
Trong khi đó nhóm phân tích Công ty chứng khoán MB (MBS) dự báo VND sẽ tiếp tục giảm giá so với USD và tỷ giá VND/USD có thể đạt lên mức 24.500 trong các tháng cuối năm (tăng 2.5% so với đầu năm) trước khi giảm nhẹ trở lại vào năm sau