Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư Quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thay thế Thông tư 13/2018/TT-NHNN.
TĂNG TẦN SUẤT KIỂM TRA SỨC CHỊU ĐỰNG THANH KHOẢN LÊN 4 LẦN MỖI NĂM
Điều 28 Dự thảo quy định về kiểm tra sức chịu đựng đã được sửa đổi và bổ sung nhằm hoàn thiện khuôn khổ quản lý rủi ro trong các ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế và khuyến nghị của chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB).
Một trong những điểm nổi bật của Dự thảo là việc mở rộng phạm vi rủi ro trọng yếu bắt buộc phải kiểm tra, bao gồm rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động, rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng thay vì chỉ tập trung vào rủi ro thanh khoản và rủi ro về vốn như quy định hiện hành.
Dự thảo cho phép ngân hàng linh hoạt lựa chọn phương pháp kiểm tra sức chịu đựng, bao gồm phân tích độ nhạy, phân tích kịch bản và kiểm tra ngược, thay vì chỉ sử dụng phương pháp phân tích kịch bản như quy định hiện hành.
Ngoài ra, Dự thảo cũng bổ sung yêu cầu thiết lập tối thiểu hai cấp độ nghiêm trọng (trung bình và nghiêm trọng) cho mỗi phương pháp kiểm tra, nhằm nâng cao tính thực tiễn và khả năng ứng phó với các kịch bản bất lợi.
Tần suất kiểm tra sức chịu đựng đối với rủi ro thanh khoản được điều chỉnh từ định kỳ 6 tháng/lần xuống hàng quý, phản ánh đúng đặc điểm biến động cao và rủi ro phát sinh đột ngột của loại rủi ro này. Trong khi đó, các rủi ro trọng yếu khác được kiểm tra 6 tháng/lần, kiểm tra sức chịu đựng về vốn vẫn được duy trì định kỳ hàng năm để giảm áp lực tuân thủ.
Điều 31 Dự thảo quy định về việc đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro tín dụng.
Theo đó, việc theo dõi và kiểm soát rủi ro tín dụng không chỉ dừng lại ở việc giám sát từng khoản cấp tín dụng mà còn bao gồm toàn bộ danh mục tín dụng. Những nguồn bổ sung của rủi ro tín dụng cần phải thực hiện phân tích bao gồm:
- Tập trung tín dụng theo sản phẩm tín dụng,
- Tập trung tín dụng theo khách hàng (một khách hàng hoặc nhóm khách hàng có liên quan);
- Tập trung tín dụng theo ngành, lĩnh vực kinh tế;
- Tập trung tín dụng theo khu vực địa lý;
- Tập trung tài sản thế chấp và bảo lãnh.
Theo quy định tại Dự thảo, kết quả kiểm tra sức chịu đựng phải được báo cáo đầy đủ tới Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ủy ban quản lý rủi ro, Ban điều hành và Hội đồng rủi ro của ngân hàng. Các cấp này có trách nhiệm xem xét, đánh giá và kịp thời đưa ra các biện pháp quản lý, bao gồm cả kế hoạch hành động khắc phục nhằm giảm thiểu rủi ro hoặc xử lý các tình huống căng thẳng có thể phát sinh. Việc này đảm bảo kết quả kiểm tra không chỉ mang tính hình thức mà thực sự trở thành công cụ hỗ trợ ra quyết định trong quản trị rủi ro.
PHẢI XÂY DỰNG TỐI THIỂU 3 KỊCH BẢN ỨNG PHÓ VỚI CĂNG THẲNG THANH KHOẢN
Theo Điều 51 Dự thảo, các ngân hàng phải xây dựng phương pháp luận tính toán tác động của các giả định liên quan đến thanh khoản để đánh giá khả năng thực hiện nghĩa vụ, cam kết và tuân thủ các hạn mức rủi ro thanh khoản trong điều kiện căng thẳng. Các giả định và phương pháp này cần được rà soát định kỳ và tự đánh giá mức độ phù hợp.
Dự thảo yêu cầu áp dụng tối thiểu ba kịch bản kiểm tra sức chịu đựng.
Một, kịch bản căng thẳng đặc thù của ngân hàng, phản ánh tình huống khủng hoảng xảy ra riêng lẻ tại một ngân hàng do các vấn đề nội tại như chất lượng tài sản suy giảm, thâm hụt thanh khoản, bị tấn công thông tin hoặc mất uy tín.
Hai, kịch bản căng thẳng toàn hệ thống, mô phỏng một cuộc khủng hoảng tài chính rộng khắp do cú sốc kinh tế vĩ mô hoặc bất ổn địa chính trị.
Ba, kịch bản hỗn hợp, kết hợp cả yếu tố đặc thù và hệ thống.
Các kịch bản này phải phân tích đầy đủ các yếu tố rủi ro liên quan đến tài sản có, nợ phải trả và cam kết ngoại bảng, bao gồm: rủi ro chuyển đổi tiền tệ, nhu cầu mua lại nợ, cấu trúc huy động vốn dễ tổn thương, tỷ lệ rút trước hạn, mức độ tập trung huy động vốn, khả năng mất nguồn vốn từ khách hàng lớn và sự suy giảm giá trị tài sản có.
Bên cạnh đó, ngân hàng cần xây dựng kế hoạch dự phòng thanh khoản bao gồm quy trình nhận diện khủng hoảng, các biện pháp ứng phó ưu tiên, nguồn vốn dự phòng cụ thể và cơ chế ra quyết định, chia sẻ thông tin và báo cáo kịp thời.
Trong khi đó, Điều 66 Dự thảo quy định việc kiểm tra sức chịu đựng đối với vốn, yêu cầu ngân hàng xây dựng các kịch bản có diễn biến bất lợi phù hợp với mô hình kinh doanh và hồ sơ rủi ro.
Các kịch bản phải bao gồm tối thiểu các giả định liên quan đến lãi suất, tỷ giá, giá vàng và chất lượng tín dụng, nhằm đánh giá tác động đến tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định.
Cụ thể, giả định về lãi suất phải được phân tích trên cả ba khía cạnh: rủi ro tín dụng (khả năng trả nợ của khách hàng bị ảnh hưởng), rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động.
Tương tự, biến động tỷ giá và giá vàng cũng cần được đánh giá về ảnh hưởng đến tài sản có trọng số rủi ro và rủi ro thị trường. Đối với chất lượng tín dụng, ngân hàng phải tính toán tác động của các yếu tố bất lợi đến rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro tập trung.
Theo Ngân hàng Nhà nước, các quy định được bổ sung nói trên nhằm tăng cường năng lực của hệ thống ngân hàng trong việc nhận diện, đo lường và kiểm soát tác động của các yếu tố rủi ro đến an toàn vốn và thanh khoản, qua đó tăng cường năng lực chống chịu với biến động thị trường và đảm bảo sự ổn định hệ thống tài chính.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/dieu-chinh-tan-suat-kiem-tra-suc-chiu-dung-thanh-khoan-cac-ngan-hang-tu-6-thang-con-3-thang-lan.htm