Sáng ngày 17/5, với đa số đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 với 3 nội dung lớn.
Thứ nhất, bổ sung dự toán ngân sách trung ương năm 2025 để chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy;
Thứ hai, chuyển nguồn dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương năm 2024 chưa phân bổ sang năm 2025 để có nguồn thực hiện chính sách miễn học phí, thực hiện các nhiệm vụ phát sinh do sắp xếp tổ chức bộ máy;
Thứ ba, cân đối, bố trí đạt 3% tổng chi ngân sách nhà nước năm 2025 cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Thông báo số 03-TB/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
44.000 TỶ ĐỒNG TRẢ CHẾ ĐỘ CÁN BỘ CÔNG CHỨC NGHỈ VIỆC KHI SẮP XẾP
Theo đó, Nghị quyết của Quốc hội quyết nghị điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách trung ương năm 2025 để chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy quy định tại các Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025 của Chính phủ theo cơ chế thực hiện cải cách tiền lương.
Cụ thể, Nghị quyết cho phép sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương để điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2024 của ngân sách trung ương còn dư chuyển nguồn sang năm 2025 là 15.710 tỷ đồng để Chính phủ bổ sung dự toán chi cho bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện nhiệm vụ.
Bổ sung dự toán thu ngân sách trung ương năm 2025 là 28.290 tỷ đồng từ nguồn tích lũy cải cách tiền lương của ngân sách trung ương, đồng thời bổ sung tương ứng dự toán chi ngân sách trung ương năm 2025 để Chính phủ bổ sung dự toán chi cho bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện nhiệm vụ.
Trường hợp nhu cầu kinh phí phát sinh vượt mức ở các điểm trên, cho phép Chính phủ sử dụng nguồn tích lũy cải cách tiền lương của ngân sách trung ương để thực hiện.
6.623 TỶ ĐỂ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH MIỄN HỌC PHÍ
Nghị quyết của Quốc hội cũng cho phép chuyển nguồn 6.623 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương năm 2024 chưa phân bổ còn lại sang năm 2025 để thực hiện chính sách miễn học phí, thực hiện các nhiệm vụ phát sinh do sắp xếp tổ chức bộ máy theo phê duyệt của các cấp thẩm quyền (ngoài chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động).
Về bố trí chi ngân sách nhà nước năm 2025 cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, Thông báo số 01-TB/BCĐTW ngày 22/1/2025 và số 03-TB/BCĐTW ngày 6/3/2025 của Ban chỉ đạo Trung ương thông báo Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, trường hợp sau khi đã sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024 theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng chưa đảm bảo mức bố trí ít nhất 3% chi ngân sách nhà nước năm 2025 cho nhiệm vụ nêu trên, cho phép Chính phủ điều chỉnh, sắp xếp trong phạm vi các khoản dự toán chi ngân sách trung ương năm 2025 chưa phân bổ đầu năm để thực hiện.
Trước khi Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình (bổ sung) về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.
Theo tờ trình của Chính phủ, nhu cầu kinh phí dự kiến phát sinh thực hiện chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025) trong năm 2025 khoảng 59 nghìn tỷ đồng (nguồn Ngân sách địa phương khoảng 15 nghìn tỷ đồng; nguồn Ngân sách Trung ương khoảng 44 nghìn tỷ đồng, bao gồm khoảng 14,2 nghìn tỷ đồng bổ sung có mục tiêu cho các địa phương; nguồn thực hiện tương tự theo cơ chế nguồn thực hiện cải cách tiền lương).
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết nhu cầu kinh phí Ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện chính sách miễn học phí (trên cơ sở số liệu sơ bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau khi yêu cầu các địa phương đảm bảo nguồn thực hiện theo quy định) khoảng 10 nghìn tỷ đồng, riêng năm 2025 (4 tháng năm học 2025- 2026) khoảng 4,5 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, còn phát sinh nhu cầu kinh phí thực hiện di dời trụ sở mới, sửa chữa trụ sở, hệ thống hạ tầng thông tin,… cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương sau sáp nhập…
Theo tờ trình của Chính phủ, thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Thông báo số 03-TB/BCĐTW, Ngân sách Trung ương cần được cân đối, bổ sung khoảng 25 nghìn tỷ đồng để chi cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đảm bảo mức bố trí năm 2025 đủ 3% tổng chi Ngân sách nhà nước, Chính phủ dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí từ nguồn tăng thu Ngân sách Trung ương năm 2024 để thực hiện nhiệm vụ này.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/dieu-chinh-bo-sung-44-000-ty-dong-chi-tra-che-do-voi-cong-chuc-nguoi-lao-dong-khi-thuc-hien-sap-xep-bo-may.htm