Ngày 29/8, tại Hà Nội, Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức toạ đàm “Một số thực hành tốt trong công khai ngân sách địa phương và hàm ý chính sách”, nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu thực địa tại hai tỉnh Điện Biên và Bà Rịa-Vũng Tàu về mức độ công khai ngân sách nhà nước và sự tham gia của người dân vào chu trình ngân sách.
VÌ SAO BÀ RỊA – VŨNG TÀU ĐỨNG NHẤT BẢNG?
Theo ghi nhận, năm 2022, lần đầu tiên Bà Rịa-Vũng Tàu thu ngân sách chạm mốc 110.000 tỷ đồng, vượt 53,4% dự toán và tăng 25,2% so với cùng kỳ và là một trong số ít các địa phương có số thu cao trong “câu lạc bộ thu ngân sách 100.000 tỷ đồng”. Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong 17 địa phương tự chủ ngân sách và điều tiết tới 48% ngân sách về trung ương.
Trong khi đó, tại tỉnh Điện Biên, năm 2022 thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 1.463 tỷ đồng, vượt 46,1% dự toán trung ương giao. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, chủ yếu người dân tộc thiểu số, địa hình hiểm trở, cùng nhiều yếu tố khác cản trở việc phát triển kinh tế, Điện Biên được giữ lại 100% ngân sách thu được và nhận trợ cấp lớn từ ngân sách nhà nước.
Lý giải việc lựa chọn dường như “khập khiễng” về tình hình thu ngân sách nhà nước cũng như mức độ phát triển kinh tế của hai địa phương, để đo đếm mức độ công khai ngân sách nhà nước, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết Bà Rịa-Vũng Tàu và Điện Biên là hai trong số nhiều tỉnh có điểm số công khai ngân sách tỉnh (POBI) tăng liên tục nhiều năm và thăng hạng nhanh chóng, thậm chí, sau khi tiến hành hiệu chỉnh, điểm số của Bà Rịa-Vũng Tàu còn tròn trịa 100 điểm, đứng đầu toàn quốc.
Tại toạ đàm, Thạc sỹ Phạm Văn Long, đại diện nhóm nghiên cứu của BTAP chỉ rõ nhiều nhân tố khiến Bà Rịa-Vũng Tàu đứng đầu bảng xếp hạng mà trước hết là quyết tâm từ phía lãnh đạo, tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đó là, người đứng đầu nêu rõ chủ trương, chỉ đạo cụ thể nhằm thúc đẩy công khai, minh bạch ngân sách trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu phấn đấu các chỉ số PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh), PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), POBI, PAR Index (chỉ số cải cách hành chính), ICT Index (thước đo mức độ phát triện về công nghệ thông tin và truyền thông) lọt top 10 tỉnh, thành cao nhất cả nước.
Tiếp đó, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng ban hành chỉ thị yêu cầu các sở, ngành tăng cường công khai các tài liệu về ngân sách đủ chi tiết để doanh nghiệp sử dụng cho hoạt động kinh doanh, các tài liệu về ngân sách được công bố ngay sau khi cơ quan, cá nhân có thẩm quyền phê duyệt; sở kế hoạch và đầu tư, sở tài chính; uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên cập nhật và công bố các thông tin về hoạt động thu, chi, sử dụng ngân sách, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, của địa phương…
Khảo sát ở cấp huyện, nhóm nghiên cứu nhận thấy tại huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), lãnh đạo ủy ban nêu rõ quan điểm ngân sách nhà nước là phải công khai và công khai càng nhiều càng tốt. Ngoài ra, việc công khai ngân sách cũng là tiêu chí đánh giá, xếp hạng các địa phương theo bộ tiêu chí của tỉnh.
Đáng chú ý, xuống dưới cấp xã, phường, thị trấn, tại địa bàn thị trấn Long Hải, mô hình “Ngày thứ bảy lắng nghe dân nói” được triển khai từ năm 2022 nhằm trực tiếp gặp gỡ, đối thoại và giải đáp các thắc mắc của người dân. Theo lẽ thường, ngày này đáng ra cán bộ uỷ ban nhân dân xã được nghỉ ngơi nhưng thay vào đó, lại trực tiếp xuống địa bàn để gặp gỡ, lắng nghe ý kiến và giải đáp thắc mắc của người dân.
Mô hình này đã và đang được nhân rộng trên toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Người khởi xướng là Chủ tịch UBND thị trấn Long Hải Nguyễn Thành Vân là người địa phương. Tuy nhiên, nhiều lăn tăn về việc khó có thể duy trì mô hình này do lãnh đạo là người địa phương, rất gần gũi với dân nhưng sau một thời gian công tác phải luân chuyển.
Bên cạnh đó, khi xuống cấp thôn, bản, tổ dân phố, nhóm nghiên cứu của BTAP nhận thấy nhiều hạn chế trong công khai ngân sách do không xác minh được bằng chứng về việc các tài liệu ngân sách xã được công khai cho người dân. Hay trụ sở các khu phố/khu dân cư không có các bảng tin hoặc nếu có thì không có bất kỳ thông tin nào được niêm yết công khai…
CÔNG KHAI NGÂN SÁCH MỚI DỪNG Ở CẤP TỈNH
Báo cáo của Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) nêu rõ kết quả của nghiên cứu tại hai tỉnh cho thấy việc cải thiện cũng như các thực hành tốt về việc công khai ngân sách mới chỉ dừng lại ở cấp tỉnh, chủ yếu do sức ép cạnh tranh về các chỉ số.
Sự khác biệt về việc thực hành công khai ngân sách giữa hai tỉnh được thể hiện rõ ràng hơn ở cấp huyện, cấp xã và trên địa bàn các thôn/bản/tổ dân phố/khu dân cư.
Trước kết quả khảo sát tại hai địa phương, nhóm nghiên cứu của BTAP đặt ra một giả thuyết tỉnh nào phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương thì việc thực hành công khai tại các cấp cơ sở càng hạn chế và nhu cầu minh bạch thông tin của người dân càng thấp. Tuy nhiên, giả thiết này cần kiểm chứng và nhân rộng mô hình khảo sát.
Tại Điện Biên, nơi phần lớn ngân sách các cấp đều phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương, việc thực hành công khai tại các cấp cơ sở chưa thực sự nghiêm túc.
Theo ông Phạm Văn Long, các bằng chứng tại thực địa cho thấy việc công khai tài liệu mang tính chất đối phó, phục vụ cho mục đích khảo sát của nhóm nghiên cứu chứ chưa xuất phát từ mục đích cung cấp thông tin cho người dân.
“Tuyệt đối không nhân rộng hay áp dụng các mô hình hay thực hành tốt một cách máy móc, theo kiểu ép buộc bằng mệnh lệnh hành chính nhằm làm đẹp các chỉ số để đáp ứng theo yêu cầu của cấp trên”, Thạc sỹ Phạm Văn Long, đại diện nhóm nghiên cứu của BTAP nêu rõ.
Bà Rịa-Vũng Tàu, nơi mà người dân đóng góp tương đối nhiều vào ngân sách, việc thực hiện công khai ngân sách cấp huyện, xã cơ bản đáp ứng được yêu cầu và nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân, mặc dù vẫn còn một vài hạn chế.
Dù việc triển khai và nhân rộng các mô hình, thực hành tốt về công khai ngân sách cũng như tăng cường sự tham gia của người dân vào công tác chính quyền là cần thiết; tuy nhiên, theo đại diện BTAP, việc làm này cần xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân và điều kiện, đặc thù của từng địa phương.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng các địa phương cần có quyết tâm lãnh đạo cao để đưa ra sự cạnh tranh giữa các huyện, xã phía dưới nhưng quan trọng là minh bạch ngân sách không phải là chiếc “vỏ bọc” để chạy đua chỉ số, thứ hạng mà cần quản trị thực chất, công khai, minh bạch.
PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, chuyên gia tài chính công, Học viện Tài chính đưa ra góc nhìn khác, bởi quy định của pháp luật liên quan đến công khai ngân sách, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân vào công tác quản lý nhà nước nói chung và chu trình ngân sách nói riêng tương đối đầy đủ. Đến một lúc nào đó, việc công khai, minh bạch sẽ đến ngưỡng, việc tuân thủ quy định được chấp hành, lãnh đạo các tỉnh sát sao, quan tâm hơn về điều này.
Tuy nhiên, “trách nhiệm giải trình đòi hỏi cố gắng nhiều hơn, giải thích rõ ràng cho người dân hiểu về nghĩa vụ, trách nhiệm trong quản lý ngân sách, điều này sẽ tốt hơn về dài hạn và giúp cải cách hành chính tốt hơn”, ông Cường lưu ý. Sự thúc đẩy của nhiều tổ chức thời gian qua ảnh hưởng tích cực về sự công khai, minh bạch ngân sách, có lẽ đến lúc cần tiến cao hơn về trách nhiệm giải trình.
THÚC ĐẨY VĂN HOÁ MINH BẠCH
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy các quy định của pháp luật liên quan đến công khai ngân sách, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân vào công tác quản lý nhà nước nói chung và chu trình ngân sách nói riêng tương đối đầy đủ nhưng vẫn còn những khoảng trống giữa văn bản pháp luật và quá trình triển khai thực tế.
Ngoài ra, hiện nay chưa có quy định bắt buộc về trách nhiệm của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về việc bắt buộc công khai thông tin ngân sách xã, bao gồm cả thông tin về các quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước trên trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của cấp xã.
“Một vấn đề quan trọng nữa đó là vẫn chưa có chế tài xử lý vấn đề không công khai, chậm công khai các tài liệu ngân sách theo quy định của pháp luật Việt Nam. Điều này dẫn tới việc cán bộ, công chức xem nhẹ tầm quan trọng của việc công khai các tài liệu ngân sách theo quy định bắt buộc”, BTAP nhấn mạnh.
Kết quả nghiên cứu này là một phần của nghiên cứu thực chứng “Chính sách và thực tiễn về mức độ công khai ngân sách nhà nước và sự tham gia của người dân vào chu trình ngân sách” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) và Trung tâm Phát triển và Hội Nhập (CDI) thực hiện với sự chủ trì của Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) và hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam. Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) và Đại sứ quán Ai-len tại đồng tài trợ cho sáng kiến này thông qua UNDP tại Việt Nam.
Nghiên cứu nhằm mục tiêu tăng cường sự tham gia của người dân và tính minh bạch trong lập, phê duyệt, thực hiện, giám sát và quyết toán ngân sách nhà nước tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy nhằm quản trị một cách toàn diện và lấy người dân làm trung tâm. Các kết quả của nghiên cứu này sẽ được sử dụng nhằm đóng góp ý kiến sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước 2015.
Theo kết quả khảo sát PAPI thường niên từ 2016 đến 2022, chỉ 30-42% người dân xác nhận số liệu về ngân sách và chi tiêu được công khai tại cấp xã. Trong số đó, chỉ có 25-32% đọc số liệu, và 69-86% số người đọc số liệu nói rằng họ tin tưởng các thông tin đó.
Chỉ số Công khai ngân sách tỉnh POBI 2021 cũng chỉ ra sự tham gia của công dân trong quy trình ngân sách nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế.