“Chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn mà là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển thịnh vượng và bền vững. Trong hành trình này, tài chính và công nghệ đóng vai trò then chốt. Tài chính xanh sẽ định hướng dòng vốn vào các dự án bền vững. Công nghệ xanh, công nghệ số góp phần tối ưu hóa tài nguyên, giảm phát thải và gia tăng hiệu quả kinh tế. Sự kết hợp giữa tài chính và công nghệ sẽ mở ra những đột phá trong chuyển đổi xanh”, ông Trần Long, Phó tổng giám đốc BIDV, chia sẻ tại Hội thảo “Hành trình chuyển đổi xanh và các giải pháp tài chính – công nghệ” ngày 21/4/2025.
Ông Long nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi xanh không chỉ là yêu cầu của thị trường mà cũng là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trong dài hạn.
“Phải có vốn xanh, hỗ trợ xanh từ các tổ chức tín dụng”, bà Nguyễn Thị Thu Thảo, phụ trách điều phối ban ESG, Tập đoàn Gemadept, khẳng định.
Tiếp cận tín dụng xanh cũng là nút thắt mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo bà Thảo, để tiếp cận được tín dụng xanh thì doanh nghiệp phải xác định được các chỉ tiêu (KPI) cụ thể cho quá trình chuyển đổi xanh.
Đại diện Gemadept chia sẻ kinh nghiệm: “Ngay từ đầu, hai bên phải ngồi lại với nhau để xác định, dựa trên điều kiện và kế hoạch của doanh nghiệp, những KPI nào là thực thi và khả thi nhất. Các bên thống nhất về những KPI đó, và doanh nghiệp nỗ lực để đạt được. Khi đó, doanh nghiệp sẽ tiếp cận được những khoản hỗ trợ vốn vay xanh”.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp vẫn ngần ngại chuyển đổi xanh do chi phí quá lớn trong khi các khoản vay xanh hiện cũng chưa có nhiều ưu đãi nổi bật.
Từ những gì mà Gemadept đã trải qua, bà Thảo khuyên doanh nghiệp nên nhìn vào lợi ích xa hơn: “Bên cạnh giá trị tài chính, danh tiếng và thương hiệu doanh nghiệp được củng cố nhờ chuyển đổi xanh. Đó là những giá trị không thể đong đếm được bằng tiền”.
“Còn khoảng trống lớn trong quan điểm và nhận thức về quá trình chuyển đổi xanh. Nhiều người vẫn xem đây là “trách nhiệm của ai đó” hoặc chỉ đơn thuần là “chi phí” thay vì nhìn nhận nó như một “cơ hội” mang lại lợi ích lâu dài”.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV.
Theo TS. Cấn Văn Lực, nếu coi chuyển đổi xanh là chi phí thì không bao giờ thành công, mà phải coi đó là khoản đầu tư.
Bên cạnh việc khung pháp lý như danh mục xanh quốc gia chậm ban hành ảnh hưởng đến tiến độ chuyển đổi xanh, ông Lực cho rằng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính, tín dụng, hay các ưu đãi về thuế, phí, hỗ trợ hệ sinh thái cho các hoạt động xanh chưa thực sự đủ mạnh và đồng bộ cũng là lực cản cho quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế.
Riêng với tín dụng xanh, TS. Cấn Văn Lực cho rằng rất khó để có lãi suất ưu đãi bởi vì chuyển đổi xanh là khoản đầu tư dài hạn, chi phí đầu vào lớn và rủi ro cũng lớn. Do đó, lãi suất cho vay ít nhất phải ở mức trung bình trở lên, không thể quá thấp được. Đây cũng là lý do, theo ông Lực rất cần bàn tay của Nhà nước.
“Chúng tôi đã liên tục đề xuất về việc thành lập Quỹ chuyển đổi xanh của Việt Nam. Nhìn ra quốc tế, Hàn Quốc có một quỹ như vậy, hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp. Nhật Bản cũng có một quỹ tương tự. Vậy thì tại sao Việt Nam chúng ta lại chưa có?”, vị chuyên gia kiến nghị.
TS. Cấn Văn Lực gợi mở Quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh quốc gia do Nhà nước rót vốn, tập trung vào các lĩnh vực kinh tế là thế mạnh của Việt Nam, tạo động lực cho tăng trưởng, sau này sẽ là nơi tiếp nhận tài trợ từ các cam kết quốc tế, các tổ chức tài chính toàn cầu.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/de-xuat-thanh-lap-quy-ho-tro-chuyen-doi-xanh.htm