Dự thảo Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 5, dự kiến kéo dài từ 22/5 đến 23/6.
Tại lần sửa đổi này, Dự thảo Luật đã bổ sung thêm 1 chương quy định về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, nhằm luật hoá Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu.
Việc bổ sung các quy định này nhận được sự ủng hộ của các ngân hàng, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đối với nội dung của các quy định cụ thể, vẫn còn những ý kiến khác nhau.
Một trong những vấn đề được quan tâm thảo luận nhiều nhất chính là thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu.
TĂNG QUYỀN TỰ CHỦ CHO CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI KHI THU GIỮ TÀI SẢN BẢO ĐẢM
Tại hội thảo “Vấn đề xử lý nợ xấu trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)” do tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, nhiều ý kiến chỉ ra những khó khăn của các ngân hàng khi thu giữ và chuyển nhượng tài sản bảo đảm.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, việc thu giữ tài sản bảo đảm là trách nhiệm của cả người vay và người cho vay. Tuy nhiên, hiện nay, người vay đang rất mạnh thế, còn người cho vay đang yếu thế bởi vì bên cho vay không có quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý.
Ông Hùng cho biết hiện chưa có quy định pháp luật để xử lý người vay cố tình không trả nợ. Do đó, trong thực tiễn, nhiều khách hàng, người vay có tiền, có tài sản bảo đảm cũng không trả nợ.
“Trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, kinh tế toàn cầu có biểu hiện suy thoái, ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Chất lượng tài sản suy giảm, vấn đề kiểm soát nợ xấu gặp nhiều khó khăn. Việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng”.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia đề xuất Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi tăng quyền cho ngân hàng thương mại khi thu giữ tài sản bảo đảm nhằm xử lý nợ xấu.
Cụ thể, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa đề xuất ngân hàng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm mà không cần có sự đồng thuận của chủ tài sản bảo đảm nhưng phải thông báo cho chủ tài sản biết..
“Luật nên có quy định rõ ràng, giao ngân hàng thương mại tự chủ trong thu giữ, phát mại tài sản bảo đảm. Khi phát mại tài sản bảo đảm cũng không cần có đồng thuận của chủ tài sản nhưng phải thông báo cho họ biết. Tuỳ từng trường hợp, phải có thoả thuận giữa ngân hàng thương mại và chủ tài sản. Cũng cần có thêm quy định thu hồi và xử lý tài sản bảo đảm trong bao lâu, không phải ngân hàng thương mại thu hồi rồi ngâm đấy đợi giá lên mới xử lý”, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, nhiều trường hợp bố mẹ ký tài sản bảo đảm nhưng con cái không ký nên khi thu giữ tài sản, luật sư bảo chia tài sản thành nhiều phần cho tất cả các thành viên trong gia đình thì ngân hàng thương mại chỉ có thể ra về. Hay chuyện chữ ký giả khi mà con bịa chữ ký cha mẹ ký hợp đồng đảm bảo, lúc ngân hàng tới đòi mới phát hiện ra, hợp đồng tín dụng vô hiệu, ngân hàng mất trắng khoản nợ. Do đó, Luật Các tổ chức tín dụng cần có quy định rõ ràng để xử lý những tình huống này.
Liên quan đến thời hạn thu hồi và xử lý tài sản bảo đảm, đại diện các ngân hàng thương mại lại có quan điểm trái ngược với Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa.
Nhiều ngân hàng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ ràng buộc thời hạn 3 năm phải xử lý tài sản được tổ chức tín dụng nắm giữ do xử lý nợ vay. Theo các ngân hàng, thực tế việc nhận tài sản bảo đảm để thay thế nghĩa vụ được bảo đảm hoặc nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án bản chất không phải là hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng. Việc đặt ra giới hạn về thời gian xử lý tài sản bảo đảm làm cho tổ chức tín dụng bị giới hạn quyền chủ động xử lý tài sản bảo đảm.
Các ngân hàng lấy ví dụ trong trường hợp thị trường bất động sản đang có chiều hướng đi xuống, nếu buộc phải xử lý tài sản bảo đảm tại thời điểm này thì giá trị thu được sẽ không cao, làm giảm hiệu quả thu hồi nợ.
Đi vào chi tiết, ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Khối Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Nam Á, kiến nghị điều chỉnh điều kiện thu giữ tài sản bảo đảm (tại điểm b khoản 2 Điều 189) theo hướng tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho bên nhận bảo đảm có quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Ông Phong lý giải: quyền xử lý tài sản bảo đảm bao hàm cả quyền thu giữ tài sản, việc thu giữ tài sản là một trong các bước để xử lý tài sản bảo đảm. Do đó không cần thiết phải thỏa thuận thêm quyền thu giữ tài sản trong hợp đồng bảo đảm.
Ông Hoàng Hải Vương, Giám đốc phụ trách Khu vực miền Bắc Eximbank, nêu một thực tế các hợp đồng bảo đảm ký trước thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 thì không có điều khoản về việc thu giữ tài sản bảo đảm. Do đó, Eximbank hiện vẫn thể chưa thể triển khai được việc thu giữ tài sản mặc dù việc bảo đảm tài sản vẫn được công chứng thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định.
Vì vậy, để thuận lợi cho các tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm, đại diện Exinbank kiến nghị sửa đổi bổ sung đối tượng nội dung điểm b, khoản 2, Điều 189 điều như sau: “Tài sản thu giữ được Bên bảo đảm thực hiện đầy đủ các thủ tục công chứng thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm cho Bên nhận bảo đảm theo quy định của pháp luật”.
Phản hồi tới chuyên gia và đại dện các ngân hàng, ông Phạm Thanh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh quyền thu giữ tài sản bảo đảm là hồn cốt của Nghị quyết 42, do vậy việc luật hóa chắc chắn cũng là hồn cốt của luật này. Tuy nhiên, đây không phải quyền vô điều kiện mà dựa trên cơ sở phải có thỏa thuận trước. Hiến pháp công nhận, thừa nhận bảo vệ quyền dân sự, việc thỏa thuận trước thể hiện nguyện vọng, ý chí trong giao dịch.
ĐỀ XUẤT CHO PHÉP TỔ CHỨC PHI NGÂN HÀNG THAM GIA XỬ LÝ TÀI SẢN BẢO ĐẢM
Ông Darryl Dong, Cán bộ Quốc gia Cao cấp, IFC Việt Nam, nhận định việc Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi chỉ cho phép các ngân hàng và VAMC có quyền thu giữ tài sản bảo đảm là không đúng nguyên tắc thị trường.
Theo chuyên gia IFC, việc không thể xử lý tài sản bảo đảm khi bên tham gia là tổ chức phi ngân hàng là một nút chặn.
Về lo ngại nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tài sản, ông Darryl Dong cho rằng: “Không sao cả, chúng ta có thể tạo cơ chế gián tiếp để thông qua đại lý xử lý tài sản bảo đảm trong nước, yêu cầu các nhà đầu tư phải làm việc với đại diện trong nước”.
Theo ông Darryl Dong, việc cho phép các tổ chức phi ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài thấy một con đường, ngã rẽ có mục đích dành cho họ. Tất cả các khoản nợ xấu đều có thể đặt lên bàn để xử lý.
Chuyên gia IFC chia sẻ, hiện nay, nhiều quốc gia trong khu vực đã mở cửa thị trường để xử lý nợ xấu. Ấn Độ có luật riêng biệt về xử lý nợ xấu, ngân hàng không nhất thiết phải qua quá trình phức tạp tố tụng. Philippines còn có khuyến khích bằng tiền trong 3 năm để hỗ trợ ngân hàng xử lý nợ xấu. Việt Nam có thể không cần công cụ đặc thù kiểu như vậy nhưng cần mở cửa thị trường.
Một số vấn đề nổi cộm khác được các chuyên gia đề cập là chuyển nhượng tài sản bảo đảm và xử lý khi bên bảo đảm tự ý bán/cầm cố tài sản bảo đảm khi chưa có sự chấp thuận, đồng ý của tổ chức tín dụng.
Liên quan tới chuyển nhượng tài sản bảo đảm. Sau khi thực hiện việc thu giữ, để có thể chuyển nhượng tài sản bảo đảm là bất động sản trong thực tế hiện nay các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong đó chủ yếu là văn phòng đăng ký đất đai không thực hiện đăng bộ, sang tên nếu bên bảo đảm không ký hợp đồng chuyển nhượng.
Vì vậy, chuyên gia kiến nghị bên cạnh việc ban hành Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi, cơ quan Nhà nước nên bổ sung nội dung văn phòng đăng ký đất đai được thực hiện thủ tục chuyển nhượng khi các tổ chức tín dụng (bên nhận bảo đảm) ký hợp đồng, giấy tờ, tài liệu chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản và trong hồ sơ chuyển nhượng phải bổ sung 1 bản chính hợp đồng bảo đảm đã được công chứng, chứng thực hợp lệ theo quy định của pháp luật.
Về việc xử lý khi bên bảo đảm tự ý bán/cầm cố tài sản bảo đảm khi không có sự chấp thuận, đồng ý của tổ chức tín dụng; các chuyên gia đánh giá Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa thực sự bảo đảm quyền lợi cho bên nhận thế chấp tài sản, chưa quy định rõ hậu quả pháp lý của giao dịch.
Để hạn chế tình trạng này, chuyên gia đề xuất nên bổ sung quy định về hậu quả pháp lý của việc bên thế chấp tự ý bán tài sản thế chấp mà không được sự đồng ý của bên nhận thế chấp để có cơ sở xử lý khi vi phạm xảy ra.