Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá.
SỬ DỤNG QUỸ BÌNH ỔN GIÁ SAI QUY ĐỊNH BỊ PHẠT NẶNG NHẤT
Theo Bộ Tài chính, thực tế triển khai Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn và Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP, quy định ghép ba mảng lĩnh vực chính sách về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, phí, lệ phí, hóa đơn phát sinh khó khăn nhất định trong việc tra cứu áp dụng.
Mặt khác, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá cần phải sửa đổi, hoàn thiện theo hệ thống Luật Giá cho phù hợp, trong đó một số hành vi cần điều chỉnh mức phạt còn thấp để đảm bảo tính răn đe.
Ngoài ra, Luật Giá số 16/2023/QH15 quy định đã có quy định giao Chính phủ quy định chi tiết về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, việc đăng tải thông tin vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá trên phương tiện thông tin đại chúng. Quy định này được bổ sung mới nhằm củng cố tăng cường công tác kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giá.
Do đó, Bộ Tài chính cho rằng việc xây dựng nghị định là cần thiết phù hợp với thực tế phát sinh trong lĩnh vực giá và thẩm định giá.
Dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 30 điều. Điểm rõ các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính cho biết về đăng tải thông tin vi phạm hành chính về giá, thẩm định giá trên phương tiện thông tin đại chúng, quy định này được bổ sung để quy định chi tiết khoản 3 Điều 72 Luật giá 2023.
Theo Bộ Tài chính, trên thực tế việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá có liên quan tới rất nhiều đối tượng trong xã hội, mỗi một hành vi vi phạm hành chính đều ảnh hướng lớn quyền lợi của đối tượng bị xâm phạm. Do đó, việc công bố các hành vi vi phạm, đối tượng vi phạm lên phương tiện thông tin đại chúng nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm và cảnh báo đến các đối tượng trong xã hội là vô cùng cần thiết.
Bên cạnh đó, về việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các nhóm hành vi vi phạm các quy định về quản lý điều tiết giá và thẩm định giá gồm 20 nhóm hành vi.
Đáng chú ý, tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất nhóm các hành vi có điều chỉnh tăng mức phạt tiền so với quy định hiện hành.
Bộ Tài chính cho rằng hành vi sử dụng Quỹ bình ổn giá không đúng quy định của pháp luật được xác định là hành vi có mức xử phạt cao nhất do tính chất nghiêm trọng và mức độ thiệt hại gây thiệt hại của việc thực hiện hành vi gây nên.
Qua rà soát, Bộ Tài chính nhận thấy, đối với một số hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá nếu không áp dụng mức phạt cao hơn hoặc mức phạt tối đa không đảm bảo được tính răn đe, chưa tương xứng với hậu quả thiệt hại gây ra.
Điều này dẫn đến tính trạng tuy không phổ biến nhưng với những lợi ích có được, các tổ chức, cá nhân sẵn sàng chịu phạt, vì vậy, đồng bộ với việc điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với hành vi này là các quy định về khắc phục hậu quả và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung.
Thời gian qua, tình trạng có doanh nghiệp lợi dụng sơ hở pháp luật, chiếm dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu gây nhiều quan ngại. Bởi quỹ này là tiền người dân đóng góp khi mua mỗi lít xăng dầu. Thế nhưng, không ít doanh nghiệp chỉ trích lập một phần, số tiền còn lại chiếm đoạt để chi tiêu trái phép không có khả năng hoàn trả, hoặc bị ngân hàng cấn nợ, có thể kể đến như: Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil, Công ty cổ phần Xăng dầu Thái Sơn B.Q.P và Công ty cổ phần Đông Dương Hòa Phú…
Theo đó, phạt tiền từ 120 – 150 triệu đồng đối với hành vi sử dụng Quỹ bình ổn giá không đúng quy định của pháp luật. Phạt tiền từ 50 – 70 triệu đồng đối với hành vi không công khai về Quỹ bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau 05 ngày hoặc báo cáo sai lệch về Quỹ bình ổn giá.
Biện pháp khắc phục hậu quả cũng được quy định chi tiết đối với từng hành vi, đảm bảo tính răn đe và ngăn chặn việc phi phạm tái phạm.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng tăng nặng xử phạt với nhóm hành vi vi phạm quy định về mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp gồm hành vi không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt động thẩm định giá đồng thời trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp không đúng mức trích lập theo quy định.
Hành vi này tăng mức phạt từ cảnh cáo hoặc phạt tiền 500.000 đồng đến 1 triệu đồng lên mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng, tức gấp hàng chục lần so với quy định hiện hành.
Hành vi không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt động thẩm định giá đồng thời không trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp theo quy định, tăng mức phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng lên mức từ 15 – 20 triệu đồng. Việc tăng mức tiền phạt nhằm bảo đảm tính răn đe và ngăn ngừa hành vi vi phạm.
BỔ SUNG HÌNH PHẠT KHI LOAN TIN GÂY BẤT ỔN THỊ TRƯỜNG, VI PHẠM VỀ THẨM ĐỊNH GIÁ
Cũng tại dự thảo nghị định, một điểm đáng chú ý là Bộ Tài chính đề xuất nhóm hành vi bổ sung mới. Đó là nhóm hành vi vi phạm khác trong quản lý, điều tiết giá. Theo đó, hành vi loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường bị phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng.
Hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi bị phạt tiền 50 – 80 triệu đồng…
Đáng lưu ý, hàng loạt nhóm hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực thẩm định giá cũng được Bộ Tài chính đề xuất bổ sung.
Theo đó, phạt tiền từ 5 – 10 triệu đối với hành vi không thực hiện cập nhật chứng thư thẩm định giá vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá theo quy định của pháp luật thẩm định giá.
Dự thảo nghị định nêu rõ phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng đối với hành vi ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá không đúng với lĩnh vực chuyên môn, thông báo của cơ quan nhà nước về lĩnh vực được phép hành nghề; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá khi không đáp ứng các điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá theo quy định… Hình thức xử phạt bổ sung là tước có thời hạn từ 30 – 50 ngày thẻ thẩm định viên về giá hoặc đình chỉ có thời hạn từ 30 – 50 ngày hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực.
Phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng đối với hành vi lập hoặc phát hành khống chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá, các tài liệu liên quan đến hoạt động thẩm định giá theo quy định của Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam hoặc hành vi phát hành chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá trong trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá đang bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; đi kèm hình phạt bổ sung…
Cũng trong dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung, hoàn thiện một số quy định khác về công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân tự định giá, hành vi lập phương án giá hàng hóa, dịch vụ sai lệch về các yếu tố hình thành giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc lập phương án giá không đúng với mức giá phổ biến trên thị trường, hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá, kê khai giá…