Những nội dung trên đã được các chuyên gia thảo luận sâu tại Hội thảo “Góp ý xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi”.
Có 5 nội dung chính của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi.
Một là, mở rộng cơ sở thuế, đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt các hàng hóa dịch vụ như nước giải khát có đường, thức uống đại mạch, nước giải khát không cồn, sản phẩm thuốc lá mới, kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng…
Hai là, bổ sung quy định về căn cứ tính thuế và phương pháp tính thuế.
Ba là, quy định về biểu thuế, mức thuế tiêu thụ đặc biệt (bổ sung), trong đó có việc điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, rượu, bia.
Bốn là, mô tả cụ thể các mặt hàng chịu thuế trong biểu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Năm là, quy định nội dung của một số điều luật, đảm bảo sự thống nhất giữa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và các luật chuyên ngành có liên quan.
XÁC ĐỊNH LỘ TRÌNH PHÙ HỢP VỚI BỐI CẢNH KINH TẾ
Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, hiện nay Quốc hội và Chính phủ đang tìm mọi cách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua giảm, giãn/hoãn nhiều loại thuế/phí nên cần tính toán lộ trình phù hợp để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Ông Hải cũng nhấn mạnh, dự án luật mới đang ở khâu nghiên cứu.
Khi sửa một luật, cần có đánh giá tác động một cách thấu đáo, xác đáng. Đối với phương pháp đánh thuế, thì phải xem phương pháp đó đơn giản hay phức tạp.
Ông Lê Đại Hải cho rằng, luật này đã được Bộ Tư pháp thẩm định đề nghị sửa đổi, đang trong tiến trình Bộ Tài chính trình Chính phủ. Có được thông qua hay không, có được đưa vào chương trình pháp lệnh 2023 hay không là một bước dài. Về lộ trình, theo đề nghị Bộ Tài chính tháng 10 năm nay sẽ đưa ra Quốc hội để được ghi nhận là thông qua chính sách và đưa vào chương trình xây dựng pháp luật, dự kiến tháng 5/2024 sẽ thông qua. Tuy nhiên, ông Lê Đại Hải cho biết quan điểm của Bộ Tư pháp là không nên vội vàng.
Theo ông, trước đây, Bộ Tài chính có đề xuất làm một luật sửa 3 luật: bao gồm Luật Thuế Giá trị gia tăng, Tiêu thụ đặc biệt và Thuế Thu nhập doanh nghiệp. Thời điểm đó, Bộ Tư pháp đã thẩm định rằng các luật này đã sửa lại nhiều lần, do đó kiến nghị lần này không áp dụng một luật sửa 3 luật nữa. Lần này phải đánh giá tác động để sửa một cách toàn diện.
“Sau khi có kiến nghị này của Bộ Tư pháp, Phó Thủ tướng Chính phủ đã quyết định một luật không sửa nhiều luật mà sẽ sửa kỹ từng luật và Bộ Tài chính hiện đang làm theo hướng như vậy. Song chúng ta đều biết rằng, thậm chí có những luật thuế còn phải lấy ý kiến nhân dân, vì vậy không nên thông qua tại một kỳ họp, nếu có thì phải cho ý kiến lần đầu vào tháng 5/2024 và đến tháng 10/2024 mới thông qua, sớm nhất là tháng 7/2025 có hiệu lực để mọi tổ chức, cá nhân có thể chuẩn bị mọi điều kiện để thi hành”, ông Lê Đại Hải nói.
Góp ý cho Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nêu các nguyên tắc cần đảm bảo: “Về nguyên tắc, sửa đổi luật thuế là phải hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp và sửa đổi luật phải trúng. Thứ hai là đảm bảo công bằng đối với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thứ ba, phải xét đến tính khả thi”.
Liên quan đến phương pháp tính thuế, TS Cấn Văn Lực cho biết, Việt Nam thuộc nhóm 27% quốc gia trên thế giới chủ yếu áp dụng phương pháp tính thuế tương đối; còn lại 73% các quốc gia trên thế giới đang chuyển sang tính thuế tuyệt đối và hỗn hợp.
Theo ông Lực, nước giải khát có đường, thức uống đại mạch và nước uống giải khát không cồn đang dự kiến mức chịu thuế 10%. Các phân tích, đánh giá về nước giải khát có đường hiện chưa đầy đủ, do đó, cần nghiên cứu thêm. Mức thuế áp dụng với rượu, bia dự kiến tăng thêm cũng đang cao so với các nước có điều kiện tương đồng trong khu vực. Bây giờ chúng ta mong muốn tăng thuế, nhưng doanh nghiệp đang rất khó khăn.
ĐÁNH GIÁ KỸ LƯỠNG KHI ĐỔI CÁCH TÍNH THUẾ
Tại hội thảo, TS Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thuộc Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính đi sâu vào phân tích phương pháp tính thuế.
Theo ông Phụng, thuế tương đối, thuế tuyệt đối, hay thuế hỗn hợp (gồm cả thuế tuyệt đối và thuế phần trăm) là các phương pháp tính thuế đều có những ưu điểm cũng như các nhược điểm nhất định.
Ông Nguyễn Văn Phụng cho biết, việc cân nhắc lựa chọn áp dụng phương pháp tính thuế nào, thông thường sẽ tùy thuộc vào các yếu tố sau.
Thứ nhất, yêu cầu động viên thuế của nhà nước.
Thứ hai, đặc điểm của đối tượng chịu thuế (gồm hàng hóa/dịch vụ chịu thuế, chủ thể kinh doanh hàng hóa/dịch vụ chịu thuế …).
Thứ ba, mức độ tuân thủ/tự giác của người nộp thuế; khả năng và trình độ của cơ quan quản lý thuế; trình độ kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước theo chức năng (đối với cả cơ quan quản lý thuế, người nộp thuế, và các đối tác có liên quan).
Thứ tư, sự minh bạch, tính liêm khiết của thị trường, cơ hội và khả năng giám sát của người dân.…
Ông Phụng nhấn mạnh các cơ quan tham mưu sẽ có những nghiên cứu kỹ lưỡng về những điều kiện cần và đủ, phân tích rõ và đánh giá bài toán lợi ích và chi phí … trên cơ sở đó mà đề xuất áp dụng phương pháp tính thuế phù hợp nhất trong từng giai đoạn phát triển.
Theo ông Phụng, thuế tuyệt đối có ưu điểm là tạo sự rõ ràng, nhất quán, người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế biết chính xác số tiền thuế sẽ phải nộp là bao nhiêu tại thời điểm tính thuế. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của thuế tuyệt đối là không bắt kịp được sự biến động của giá cả khi có lạm phát hoặc giảm phát. Đối với môi trường kinh doanh, thuế tuyệt đối có thể tạo cơ hội cho việc phát sinh các hành vi lũng đoạn thị trường, tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” hoặc một số thương hiệu ngoại nhập có thể làm triệt tiêu một số mặt hàng hoặc ngành nghề truyền thống của địa phương nếu như công tác quản lý thị trường còn hạn chế.
“Điều gì sẽ xảy ra nếu như chúng ta quy định mặt hàng rượu sẽ áp dụng thuế tuyệt đối. Giả định mức thuế đối với 1 lít rượu (loại có độ cồn trên 350) là 100.000 đồng, không phân biệt xuất xứ, nhãn hiệu? Khi ta có 1 chai rượu mạnh loại có thương hiệu lớn mà người dân đang ngưỡng mộ, giá thị trường đang chấp nhận là 900.000 đồng; đặt bên cạnh để so sánh là 1 chai rượu có cùng độ cồn và cùng dung tích, nhưng là nhãn hiệu nhà sản xuất là một cơ sở sản xuất truyền thống (có tên tuổi vài chục năm) và mức giá thị trường đang là 100.000 đồng. Người tiêu dùng sẽ chấp nhận ra sao và mức đóng góp ngân sách liệu có công bằng nếu như chúng ta so sánh với phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm (giả định thuế suất là 65%)?”, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn phân tích.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Phụng, đóng góp cho ngân sách nhà nước của ngành công nghiệp đồ uống trong giai đoạn gần đây tương đối cao và ổn định (từ 50.000 tỷ đồng/năm đến 56.800 tỷ đồng/năm). Nếu thay đổi phương pháp tính thuế mà không đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, ảnh hưởng đến khả năng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bia phổ thông thương hiệu Việt (đang sản xuất tại các nhà máy bia địa phương trải khắp cả nước) sẽ gián tiếp ảnh hưởng rất lớn đến thu ngân sách nhà nước cũng như cân đối ngân sách của các địa phương. Khi thị phần sụt giảm do mặt bằng giá bị đẩy cao lên (bởi tác động của thuế), sản lượng sản xuất và tiêu thụ giảm, đóng góp ngân sách nhà nước qua đó cũng sẽ giảm theo là điều dễ được nhận biết.
Lựa chọn phương pháp tính thuế nào là lựa chọn của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước để đảm bảo trong xu thế hội nhập của thế giới phải tạo ra lợi thế của quốc gia mình. Trên quan điểm đó, ông Phụng cho rằng thời điểm này chưa phải là thời điểm thích hợp để áp dụng phương pháp hỗn hợp hay phương pháp tuyệt đối, kể cả trên phương diện thu ngân sách nhà nước và chi phí quản lý thuế.
Do đó, TS Nguyễn Văn Phụng đề xuất tiếp tục duy trì phương pháp tính Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia theo tỷ lệ phần trăm và cân nhắc điều chỉnh tăng thuế suất theo lộ trình phù hợp với nhịp của thị trường và sức khỏe của doanh nghiệp.
Nếu được chấp nhận, việc tăng thuế tỷ lệ phần trăm ở mức vừa phải và lộ trình như nêu trên có thể được xem là phương án có hiệu quả trong phân bổ nguồn lực sẽ giúp đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước, đồng thời vẫn điều tiết, định hướng tiêu dùng, giảm mức độ sử dụng đồ uống có cồn mà vẫn giúp các doanh nghiệp sản xuất bia rượu trong nước ổn định phát triển sản xuất kinh doanh.