Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh tại phiên thảo luận của Quốc hội về các báo cáo công tác của Toà án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 ngày 21/11.
NGƯỜI DÂN RẤT TRÔNG CHỜ VÀO VIỆC THU HỒI TÀI SẢN TIỀN CỦA CÁC ĐỐI TƯỢNG
Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà, đoàn Đồng Tháp, cho biết thời gian qua, có loại tội phạm giảm nhưng không nhiều, có nhiều loại lại tăng, nhất là tài sản bị thiệt hại tăng hơn 450%; án mạng tăng 12,65%, cướp tài sản tăng 44,40%…
Thậm chí, có loại tội phạm phát sinh mới như bắt cóc trẻ em ở nhà trẻ đòi tiền chuộc; tội phạm trong hoạt động đăng kiểm; đào tạo sát hạch lái xe; cấp phiếu lý lịch tư pháp. Còn xuất hiện băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức với nhiều đối tượng tham gia để in ấn, mua bán bằng cấp, giấy tờ giả ở nhiều địa phương; vụ tiếp viên hàng không vận chuyển 11kg ma tuý được giấu trong tuýp kem đánh răng… Đây là hiện tượng bất thường.
Đây là vụ nhận hối lộ bằng tiền mặt nhiều nhất từ trước đến nay, số lượng tiền bị chiếm dụng, có khả năng thất thoát cũng nhiều nhất. Vụ này có thể chỉ là bề nổi của tảng băng bị vỡ, còn những tảng băng khác chưa bị vỡ”. Người dân rất trông chờ vào việc thu hồi tài sản tiền của các đối tượng trong vụ án này.
Đại biểu Phạm Văn Hoà cũng nêu những vụ việc thể hiện sự phức tạp trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm như vụ án Vạn Thịnh Phát, khi các tội phạm thực hiện hành vi làm khống cả nghìn hồ sơ để vay, chiếm dụng trên 1 triệu tỷ đồng của Ngân hàng SCB; trong đó, có hàng trăm nghìn tỷ tiền gửi của người dân.
Thậm chí, trưởng đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước nhận hối lộ 5,2 triệu USD.
Đối với vụ án này, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mới đây bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đề nghị truy tố về 3 tội Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Đưa hối lộ.
Đại biểu Hoà cho rằng “đây là vụ nhận hối lộ bằng tiền mặt nhiều nhất từ trước đến nay, số lượng tiền bị chiếm dụng, có khả năng thất thoát cũng nhiều nhất. Vụ này có thể chỉ là bề nổi của tảng băng bị vỡ, còn những tảng băng khác chưa bị vỡ”. Người dân rất trông chờ vào việc thu hồi tài sản tiền của các đối tượng trong vụ án này. Cần tìm nguyên nhân để có biện pháp khắc phục, lấy lại lòng tin với người dân.
Cũng theo ông Hoà, dư luận cũng đang đặt vấn đề có hay không sự bắt tay giữa một số ngân hàng với các công ty bảo hiểm, giao cho nhân viên ngân hàng tư vấn khách hàng sai sự thật nhằm mục đích chuyển từ tiền gửi sang mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm đầu tư.
Hậu quả có cả nghìn người đã gửi đơn khiếu nại làm giảm lòng tin người dân vào hệ thống ngân hàng và hoạt động bảo hiểm.
Trong năm 2023, tội phạm tham nhũng, chức vụ tăng hơn 51% số vụ, số người tăng hơn 96%, trong đó tội nhận hối lộ tăng 346%. Điều này cho thấy công tác phòng chống tham nhũng rất quyết liệt, phát hiện đến đâu xử lý đến đó, không vùng cấm, không ngoại lệ.
Các vụ án tham nhũng lớn, đối tượng cầm đầu mặc dù được ngăn chặn kịp thời, nhưng vẫn còn “lọt lưới những con cá to” trốn khỏi đất nước chưa bắt giữ được, gây khó khăn cho công tác tố tụng, Ủy viên Ủy ban Pháp luật nêu.
Từ những vụ việc nêu trên, đại biểu mong muốn Chính phủ, các ngành chức năng có đánh giá thật kỹ, khách quan, cầu thị về những thực trạng trên, nhất là trong năm nay, số vụ việc, số người vi phạm tăng. Đặc biệt cần tìm nguyên nhân để có biện pháp khắc phục, lấy lại lòng tin với người dân, nhất là các vụ án nghiêm trọng.
TRĂN TRỞ VỀ THỰC TRẠNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC, THAM NHŨNG VẶT, NHŨNG NHIỄU DOANH NGHIỆP
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Bố Thị Xuân Linh, đoàn Bình Thuận, kiến nghị bổ sung một số giải pháp nâng cao công tác phòng, chống tham nhũng.
Thống nhất cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023, đại biểu Linh nhấn mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một việc làm rất cần thiết và tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược.
Trong năm 2023, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đứng đầu là Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được đẩy mạnh và có nhiều điểm đột phá đi vào chiều sâu với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt được nhiều cái kết quả rất quan trọng, rõ rệt được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, quốc tế ghi nhận.
Trong Báo cáo của Chính phủ cũng đã nêu khá là rõ về những tồn tại và khó khăn. Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri và tổng hợp ý kiến của cử tri và nhân dân cho thấy, cử tri còn băn khoăn, lo lắng và trăn trở về thực trạng tham nhũng, tiêu cực, vẫn còn tham nhũng vặt, nhũng nhiễu đối với các doanh nghiệp và người dân, thậm chí tham nhũng, tiêu cực xảy ra ngay ở một số người làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và trong một số cơ quan thanh tra, kiểm tra và điều tra xét xử.
Để thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong năm 2024 và những năm tiếp theo, đại biểu đề xuất bổ sung thêm một số giải pháp. Cụ thể là phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Thực tiễn đã chỉ ra rằng ở đâu người đứng đầu có trách nhiệm cao, gương mẫu, sâu sát trong công tác quản lý, cương quyết với những sai phạm thì ở đó công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện tốt hơn và ngược lại. Bởi vậy, phát huy vai trò của người đứng đầu đối với nhiệm vụ này là vấn đề cấp bách hiện nay.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chế tài bảo đảm cho việc giám sát, phản biện xã hội có hiệu lực trên thực tế và tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chế độ tiền lương hợp lý, nâng cao mức sống của người lao động.
Đặc biệt, đại biểu đoàn Bình Thuận cho rằng trong quá trình xử lý những người vi phạm, cần có sự phân loại đối tượng như: đối tượng chủ mưu, cầm đầu cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh. Còn đối với những người vi phạm do thực hiện theo sự chỉ đạo của người đứng đầu, của cấp trên cần phải được xem xét, có chính sách khoan hồng…