Sự phục hồi gây sửng sốt của đồng yên Nhật Bản trong mấy ngày trở lại đây đang khiến thị trường tài chính toàn cầu đảo lộn. Trong khi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng giá theo yên, một loạt tài sản khác bị bán tháo từ cổ phiếu Nhật Bản tới vàng và tiền ảo, do nhà đầu tư phải đánh giá lại các vị thế đặt cược sử dụng đòn bẩy tài chính – hãng tin Bloomberg cho hay.
Phiên giao dịch ngày 25/7, tỷ giá yên tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 tháng so với đồng USD, phản ánh thị trường đang có niềm tin ngày càng lớn rằng khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ có thể sẽ sớm thu hẹp.
Đồng yên mạnh lên – yếu tố có thể gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản – khiến chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán nước này – rơi vào trạng thái điều chỉnh kỹ thuật. Chốt phiên, chỉ số giảm gần 3,3%.
Trái lại, tỷ giá nhân dân tệ so với USD tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 tháng. Tại thị trường Thượng Hải, nhân dân tệ có lúc đạt mức 7,255 nhân dân tệ đổi 1 USD, cao nhất kể từ cuối tháng 6, cho dù Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa có động thái giảm lãi suất thứ hai chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần trở lại đây.
Với các giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade) sử dụng đồng yên Nhật làm đồng tiền cấp vốn bị đóng ồ ạt, những đồng tiền như đôla Australia hay đôla New Zealand cũng bị bán mạnh.
Vàng và bitcoin cũng “chịu trận” giữa những tín hiệu cho thấy các nhà giao dịch đang rút vốn khỏi những giao dịch được ưa chuộng trước đây để chuyển sang đặt cược vào sự hồi phục của đồng yên.
“Về bản chất, đây là một sự kiện giảm nợ (deleverage) lớn, với nguyên nhân là hoạt động mua vào đồng yên để cắt lỗ đối với các vị thế bán khống yên. Việc này dẫn tới một cuộc thanh lý trên diện rộng trên khắp các thị trường”, nhà phân tích cấp cao Kyle Rodda của công ty Capital.com nhận xét với Bloomberg.
Sức mạnh mới hình thành của đồng yên đang trở thành một nguồn gây biến động mới trên thị trường tài chính toàn cầu vốn đã có những xáo trộn trong những phiên giao dịch dịch gần đây – khi cơn sốt cổ phiếu công nghệ (AI), động lực tăng điểm chính của chứng khoán Mỹ năm nay, bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt. Nếu so với mức thấp nhất gần 4 thập kỷ thiết lập vào đầu tháng này, tỷ giá yên so với USD hiện tăng hon 6%.
Tuần tới, đà tăng của đồng yên sẽ đối mặt với một “bài kiểm tra” lớn, sau các số liệu kinh tế quan trọng của Mỹ và cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Có thời điểm trong phiên ngày 25/7 tại thị trường châu Á, yên tăng 0,5%, đạt 152,835 yên đổi 1 USD, cao nhất 2 tháng rưỡi.
Phía sau cú phục hồi mạnh mẽ này của yên là việc giới đầu tư ồ ạt rút khỏi các vị thế carry-trade, loại hình giao dịch mà họ thường vay đồng yên Nhật để đầu tư vào những đồng tiền có lãi suất cao hơn như USD, peso Mexico, đôla Australia hay đôla New Zealand. Kỳ vọng gia tăng rằng Fed sẽ hạ lãi suất từ tháng 9 năm nay, và BOJ có thể nâng lãi suất vào tuần tới, là một nguyên nhân nữa khiến yên hồi phục.
“Nhiều đồng tiền châu Á, nhất là tiền của các nền kinh tế Bắc Á như won Hàn Quốc và nhân dân tệ đang được hỗ trợ theo sự tăng giá của yên. Đà tăng của đồng yên có thể tiếp diễn trước khi diễn ra cuộc họp của BOJ vào tuần tới, trong bối cảnh các trạng thái carry-trade tiếp tục bị đóng lại”, chiến lược gia Yuting Shao của công ty State Street Global Markets nhận xét.
Thị trường hoán đổi lãi suất đang đặt cược khả năng 75% BOJ tăng lãi suất vào ngày thứ Tư tuần tới, từ mức đặt cược 44% vào đầu tuần này.
Không chỉ Nhật Bản, các thị trường chứng khoán chủ chốt ở khu vực châu Á đã “đỏ lửa” trong phiên ngày thứ Năm. Thị trường châu Âu cũng bán tháo khi vừa bước vào phiên giao dịch, với các chỉ số giảm từ 0,8-2,6% vào thời điểm gần 18h theo giờ Việt Nam.
“Sự rút lui khỏi vị thế bán khống đồng yên chắc chắn đang đóng góp vào tâm lý ngại rủi ro trên toàn cầu. Sự rút lui này chắc chắn sẽ tiếp diễn và các số liệu kinh tế, sự kiện kinh tế trong mấy ngày tới cho thấy rủi ro giảm giá sâu hơn đối với đồng USD”, một báo cáo của ngân hàng ING nhận định.
Thị trường đang chờ báo cáo tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2 dự kiến được Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày thứ Năm. Tiếp đó, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – sẽ được Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu.
Phản ánh tâm lý ngại rủi ro gia tăng, đồng tiền ảo lớn nhất thế giới bitcoin có lúc giảm gần 4% trong phiên ngày 25/7 tại thị trường châu Á. Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương giảm khoảng 2%. Vàng – dù là một tài sản an toàn nhưng cũng là một tài sản được mua nhiều bằng đòn bẩy tài chính – giảm khoảng 1%. Đồng nhân dân tệ có thời điểm tăng 0,8% so với USD.
“Mùa hè vốn là thời điểm mà thị trường tài chính toàn cầu dễ biến động, nhưng mức thanh khoản trên thị trường thường giảm xuống mức thấp. Nếu đồng yên tiếp tục tăng giá, sẽ còn nhiều tài sản bị bán tháo. Điều này sẽ dẫn tới mức độ biến động cao hơn”, nhà quản lý quỹ Calvin Yeoh của công ty Blue Edge Advisors phát biểu.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/da-phuc-hoi-cua-dong-yen-nhat-khien-thi-truong-tai-chinh-toan-cau-dao-lon.htm