Năm vừa qua ghi nhận sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Nhà nước, các bộ, ngành, các địa phương được thể hiện bằng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%, nhằm kích cầu, tăng sức mua cho thị trường. Đồng thời, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, thực hiện hiệu quả hơn phong trào người Việt dùng hàng Việt. Chính vì vậy, thị trường bán lẻ sôi động hơn.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành 12/2023 ước đạt 565,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước; quý 4/2023 ước đạt 1.662,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với quý trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước (năm 2022 tăng 20%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,1% (năm 2022 tăng 15,8%).
THỊ TRƯỜNG SÔI ĐỘNG, ĐỐI THỦ NGOẠI ÁP ĐẢO
Dù vậy, trong nửa cuối năm, tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có xu hướng giảm đáng kể so với đầu năm (16,3%).
Riêng thị trường bán lẻ hàng hoá đạt 4.858,6 nghìn tỷ đồng, giữ đà tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, thị trường hàng hóa đa dạng, dồi dào và phong phú, giá cả có những thời kỳ biến động do tác động của giá xăng dầu bán lẻ trong nước, nhất là trong quý 3/2023.
Cung hàng hóa trong nước và hàng hóa nhập khẩu khá dồi dào nhưng sức mua trong nước chưa được khôi phục hoàn toàn, cơ cấu tiêu dùng có nhiều thay đổi theo xu hướng an toàn, tiêu dùng xanh và tiết kiệm. Chính vì vậy, sự sôi động của thị trường bán lẻ trong nước tuy đạt được một số kết quả nhất định song thực tế không có những đột biến như những năm trước.
Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng cần được khai thác. Chính vì vậy, các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong năm nay và những năm tiếp theo đều có những dự án phát triển chuỗi bán lẻ theo quy mô khác nhau từ mini shop đến các trung tâm thương mại và các đại siêu thị, lý thuyết chuỗi cũng được mở rộng ở thị trường Việt Nam.
“Sự thâm nhập rầm rộ của các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài và doanh nghiệp trong nước vào phân khúc đại siêu thị, trung tâm thương mại đã đem lại sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, giữa kênh bán lẻ truyền thống và kênh bán lẻ hiện đại”.
Các nhà bán lẻ không những phát triển trong nước mà còn thu mua hàng hóa, nhất là hàng nông sản thực phẩm để xuất khẩu và cung cấp hàng cho điểm bán ở các nước khác.
Có thể kể ra một số dự án đầu tư vào bán lẻ như sau: tháng 12/2023, Thaco đã ra mắt trung tâm thương mại Emart với diện tích 10.500 m2.
Tiếp sau đó, Đại Quang Minh, công ty con của Thaco được chấp thuận xây dựng trung tâm thương mại ở phía Tây Hồ Tây, sẽ đưa con số hệ thống Emart lên 10 điểm nhận diện vào năm 2025.
Vincom Retail đang sở hữu 5 trung tâm thương mại phân khúc mega mall, có quy mô lớn trên 10.000 m2 sàn, hướng tới đối tượng là các khách hàng trung lưu trở lên và thường đặt ở những khu đô thị, khu dân cư phức hợp với số lượng cư dân lớn; 7 trung tâm thương mại với phân khúc center nằm tại những khu vực đông dân. Vincom Retail còn sở hữu nhiều phân khúc quy mô nhỏ hơn.
Tuy nhiên, trong cuộc chiến phát triển đại siêu thị này, doanh nghiệp nước ngoài hiện đang chiếm lĩnh, doanh nghiệp Việt chiếm thiểu số, sự liên kết trong nước yếu ớt. Bởi doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài mạnh về vốn đầu tư, thương hiệu nhiều năm và kinh doanh ở nhiều quốc gia có thể bù trừ, hỗ trợ lẫn nhau nên dù 4-5 năm đầu kinh doanh chưa có lãi, họ vẫn đặt niềm tin và có tầm nhìn dài hạn vào thị trường Việt Nam đầy niềm năng.
Quý 3/2023, Lotte Mart khai trương trung tâm thương mại, khách sạn, căn hộ với diện tích 350 nghìn m2 tại Hồ Tây, đến nay, họ đã có 19 thành viên công ty hoạt động.
Với Aeon Mall đã có 6 siêu thị trên toàn quốc và dự kiến sẽ tiến tới đạt con số 20 trung tâm thương mại trong những năm tới.
Thái Lan với hệ thống Central Retail đang vận hành 340 cửa hàng bán lẻ trên 40 tỉnh, thành tại Việt Nam, trong đó có 38 đại siêu thị GO! và 39 siêu thị bán lẻ, ngoài ra còn 200 cửa hàng bán lẻ phi thực phẩm.
Xu hướng cạnh tranh tập trung chủ yếu ở giá cả, chất lượng hàng hóa, uy tín của thương hiệu và niềm tin của người tiêu dùng, cạnh tranh về năng lực công nghệ bán hàng đa kênh, cạnh tranh về tốc độ, thời gian giao hàng…
Kết quả của sự cạnh tranh này là một mặt thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp; đồng thời, đem lại quyền lợi chính đáng cho các nhà cung ứng hàng hóa, các nhà sản xuất và cả người tiêu dùng.
Thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2023 còn chứng kiến sự bùng nổ của các cuộc xúc tiến thương mại mở rộng thị phần bán hàng của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước.
Những cuộc hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm vùng miền, các sản phẩm OCOP đem lại sự sôi động hơn cho thị trường bán lẻ Việt Nam trong năm qua.
GIÁ CAO GẤP 2-3 LẦN DO QUA NHIỀU TRUNG GIAN
Tuy đạt được những kết quả như trên song nghiêm túc nhìn lại, năm vừa qua cũng còn có những vấn đề cần nghiên cứu nghiêm túc, đầy đủ hơn để khắc phục những vướng mắc tồn tại và cả những yếu kém để thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả hơn trong những năm tới.
Trước tiên, nhìn về góc độ bình diện toàn xã hội, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ thì chắc chắn phải nhắc đến đó là hiện tượng chênh lệch về giá cả giữa giá đầu ra của nhà sản xuất, người nông dân, các hợp tác xã nông nghiệp thì khá thấp, hay bị hòa vốn hoặc lỗ.
Nguyên nhân chính vẫn là hàng hóa qua nhiều khâu trung gian, lúc rộ thời vụ thu hoạch do không có kho dự trữ nên bị nhóm người cơ hội lợi dụng ép giá, ép cấp.
Trung gian và bán lẻ độc quyền hưởng lợi nhuận cao nhất, ở thị trường bán lẻ giá bán cho người tiêu dùng vẫn cao gấp 2-3 lần.
Vấn đề này xảy ra rất nhiều năm nay ở nhiều mặt hàng, nhiều địa phương. Điển hình như các mặt hàng trong năm bao gồm: gà, vịt các loại, thịt lợn, cam sành, thanh long, dưa hấu, bí xanh, bí đỏ…
Nguyên nhân chính vẫn là hàng hóa qua nhiều khâu trung gian, lúc rộ thời vụ thu hoạch do không có kho dự trữ nên bị nhóm người cơ hội lợi dụng ép giá, ép cấp.
Hơn nữa, mua bán trên thị trường chủ yếu là mua đứt, bán đoạn không thông qua sản giao dịch hàng hóa, rất ít chuỗi cung ứng ngắn được thiết lập.
Ranh giới giữa nhà buôn chân chính và gian thương vẫn rất mỏng manh, hiệu quả của công tác chống buôn lậu thương mại vẫn chưa được như mong muốn. Doanh nghiệp thật thà chân chính bị thua thiệt, gian thương có lợi to.
GIẢI PHÁP ỔN ĐỊNH GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA
Chuẩn bị bước sang năm kế hoạch 2024, muốn ổn định được thị trường giá cả thị trường nội địa, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cần phải tiến hành một số công việc như sau.
Trước hết, về sản xuất, cần xây dựng quy hoạch phát triển theo vùng một cách ổn định, sản xuất phải gắn với kho dự trữ và cơ sở chế biến sâu, nhằm tăng giá trị cho sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Để chống được ép cấp ép giá, tiêu thụ hàng hóa một cách chủ động theo chuỗi sản xuất phân phối của từng mặt hàng, nhất là nhóm hàng nông sản thực phẩm. Tôi cho rằng cấp thiết phải tổ chức lại hệ thống phân phối một cách khoa học, quan tâm hơn đến hạ tầng của kênh truyền thống.
Đặc biệt, củng cố, nâng cấp xây mới các chợ dân sinh hiện nay đang bị xuống cấp nhiều mặt dẫn tới kinh doanh sa sút, năng lực cạnh tranh kém so với kênh bán hàng hiện đại; đồng thời, thiết lập hệ thống chợ đầu mối vùng có chức năng bổ sung là các sàn giao dịch mua bán hàng hóa nông sản thực phẩm tại các địa phương có nguồn hàng sản xuất lớn.
Các doanh nghiệp ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, cần chủ động có các phương án trong nội bộ để đối phó với biến động trong năm tới, cả ở bên trong nội địa và các tác động ở bên ngoài của các khu vực và thế giới.
Nhà nước cần tiếp tục thực hiện các chính sách nhằm kích thích sức mua, chính sách phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng Việt ở thị trường nội địa.
Cùng với đó, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước trong khu vực và quốc tế, kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước theo định hướng phát triển thị trường nội địa của Việt Nam.
Tiếp tục công cuộc cải cách hành chính nhằm giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp, không để phát sinh những điều kiện kinh doanh không hợp lý gây khó khăn trở ngại cho sản xuất kinh doanh.
Cơ quan quản lý cần lưu ý điều hành giá cả các mặt hàng quan trọng là đầu vào của sản xuất kinh doanh và tiêu dùng gia đình như: điện, xăng dầu, than theo hướng từng bước vận hành theo cơ chế thị trường, tăng cạnh tranh bình đẳng giảm điều hành theo kiểu hành chính, nhiều đầu mối quản lý, kiểm soát chặt chẽ giá bán cho sản xuất và tiêu dùng một cách công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của Việt Nam.
Cùng với đó, làm tốt công tác chống buôn lậu gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, trốn thuế để bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính, xử lý nghiêm, đủ sức răn đe với các tổ chức cá nhân vi phạm
Làm được những vấn đề trên, chắc chắn sẽ làm tiền đề trong việc thực hiện thành công mục tiêu lạm phát, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế đất nước nhanh và vững chắc trong năm 2024; đồng thời, sẵn sàng vượt qua những khó khăn trở ngại để hoàn thành các mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021-2025 và những giai đoạn tiếp theo.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/cuoc-dua-ram-ro-vao-phan-khuc-dai-sieu-thi-du-suc-mua-chua-hoi-phuc.htm