Hiện nay, tại Việt Nam chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào đồ uống có đường, sản phẩm này chỉ chịu ảnh hưởng của thuế giá trị gia tăng 10%. Do vậy, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra bốn phương án áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường để bảo vệ sức khoẻ cho các thế hệ tương lai.
TÁC ĐỘNG TỪ 4 PHƯƠNG ÁN ÁP THUẾ VỚI ĐỒ UỐNG CÓ ĐƯỜNG
Cụ thể, phương án 1, áp thuế 3.500 đồng/lít đồ uống có đường. Theo đó, giá sẽ tăng từ 14% (nước quả) tới 23% (trà và cà phê uống sẵn).
Khi có thuế, tiêu thụ sản phẩm này sẽ giảm khoảng 864 triệu lít, số thuế thu được sẽ khoảng 12.090 tỷ đồng. Phương án này làm giảm số lượng lớn đồ uống có đường, tạo động cơ giảm tiêu dùng hoặc đồ uống có đường chứa trong bao bì nhỏ hơn.
Nếu năm 2012 chỉ có khoảng 15 quốc gia đánh thuế đối với đồ uống có đường, đến nay đã có ít nhất 67 quốc gia/vùng lãnh thổ đánh thuế đối với đồ uống có đường, trong đó 56 quốc gia áp thuế tiêu thụ đặc biệt; 9 quốc gia áp thuế nhập khẩu; 2 quốc gia áp thuế hàng hóa và dịch vụ. Trong đó có những quốc gia phát triển và đang phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga… Trong khu vực ASEAN đã có 7/10 quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.
Phương án 2, áp thuế 35 đồng mỗi gam đường trong 100 ml. Khi đó, giá sẽ tăng từ 10% (nước quả và nước thể thao) tới 25% (nước uống tăng lực).
Sức tiêu thụ sẽ giảm khoảng 880 triệu lít; tăng thu ngân sách lên tới 12.400 tỷ đồng. Phương án thứ hai nhằm tác động trực tiếp làm giảm hàm lượng đường trong đồ uống, từ đó, tạo động cơ giảm tiêu dùng hoặc thay thế đồ uống có hàm lượng đường cao bằng đồ uống có hàm lượng đường thấp hoặc không chứa hàm lượng đường.
Phương án 3, áp thuế 40% giá xuất xưởng. Khi đó giá bán lẻ sẽ tăng khoảng 20%; tiêu thụ sẽ giảm 863 triệu lít; thuế thu được là 12.400 tỷ đồng.
Phương án 4, áp thuế 10% giá xuất xưởng. Theo đó, giá tiêu thụ sẽ tăng khoảng 5%; tiêu thụ sẽ giảm 216 triệu lít; thuế thu được khoảng 3.690 tỷ đồng.
Hai phương án này nhằm tác động tới việc tiêu dùng đồ uống có đường nói chung nhưng hướng nhiều hơn tới các loại đồ uống có giá cao hơn.
Ngoài các phương án trên, WHO khuyến nghị Việt Nam có thể xem xét áp dụng thuế đồ uống có đường ở mức 20% giá bán lẻ để giảm nguy cơ sức khỏe cho các thế hệ tương lai.
“Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm đồ uống có đường là một trong những biện pháp hiệu quả để giảm mức tiêu thụ nước ngọt có đường, góp phần dự phòng và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm”, WHO nhìn nhận.
NGÀNH ĐỒ UỐNG DẦN HỒI PHỤC, CÓ THỂ XEM XÉT ĐÁNH THUẾ
Vấn đề là thời điểm và mức độ, cách đánh thuế với sản phẩm này sao cho phù hợp. Trong tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi do Bộ Tài chính vừa gửi Chính phủ, một trong những nội dung đáng chú ý đó là đề xuất mở rộng cơ sở tính thuế thông qua việc bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng như: đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn…
Đây không phải lần đầu Bộ Tài chính muốn áp thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng này. Trước đó, đề xuất này cũng được đưa ra với mức thuế suất cụ thể là 10% nhưng vấp phải sự phản đối của nhiều bộ, ngành.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, trên thế giới, các quốc gia phát triển và có tỷ lệ béo phì cao đều đang dần thực hiện việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.
Nếu năm 2012 chỉ có khoảng 15 quốc gia đánh thuế đối với đồ uống có đường, đến nay đã có ít nhất 67 quốc gia/vùng lãnh thổ đánh thuế đối với đồ uống có đường, trong đó 56 quốc gia áp thuế tiêu thụ đặc biệt; 9 quốc gia áp thuế nhập khẩu; 2 quốc gia áp thuế hàng hóa và dịch vụ. Trong đó có những quốc gia phát triển và đang phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga… Trong khu vực ASEAN đã có 7/10 quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.
Vì vậy, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường với Việt Nam trở thành vấn đề cấp bách.
“Việc xem xét, chỉnh sửa và đề nghị Quốc hội phê duyệt Luật thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường có thể thực hiện ngay trong năm 2023 để góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân”, ông Thịnh nhìn nhận.
Theo lý giải của vị chuyên gia này, ngành đồ uống đã cho thấy những dấu hiệu phục hồi trong năm 2022 nhờ những hỗ trợ về mặt vĩ mô của Chính phủ, nỗ lực của mỗi doanh nghiệp.
Thống kê cho thấy trong nhiều năm qua sản lượng sản xuất và tiêu thụ đồ uống có đường tăng mạnh. Năm 2018 tăng 5,15% so với 2017. Năm 2019 tăng 4,9% so với 2018; năm 2020 tăng 4,5% so với 2019; năm 2021 tăng 4,2%. Năm 2022, Việt Nam tiêu thụ hơn 10 tỷ lít với mức tăng hơn 5% so với 2021.
Cùng với đó, xuất khẩu nước giải khát cũng tăng mạnh. Kim ngạch xuất khẩu nước giải khát có gas năm 2022 đạt khoảng 44 nghìn USD, tăng khoảng 42% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu nước ngọt không gas đạt khoảng 167 nghìn USD, tăng khoảng 42% so với cùng kỳ năm 2021.
“Nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, sản lượng có thể suy giảm trong một vài năm đầu tiên nhưng sau đó sẽ phục hồi và có thể tiếp tục tăng.
Hơn nữa, về bản chất thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế đánh vào người tiêu dùng nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng, doanh nghiệp chỉ là người nộp hộ thuế cho người tiêu dùng nên ngoài mức suy giảm trong một thời gian ngắn về sản lượng thì các doanh nghiệp trong ngành ít chịu các tác động khác”, ông Thịnh đánh giá.
Cũng theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, nếu áp dụng theo phương án 4 thì thậm chí mức suy giảm sản lượng sản xuất và tiêu thụ chỉ bằng phân nửa mức tăng trưởng bình quân hàng năm.
Như vậy, “nếu Việt Nam áp mức thuế suất 10% như Campuchia sẽ có tác động không quá lớn đến sản xuất và tiêu thụ đồ uống có đường. Vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ uống có đường phải chuẩn bị sẵn sàng các phương án để thích ứng với các chính sách mới trong lĩnh vực này”, ông Thịnh nhìn nhận.
Cùng với đó, người tiêu dùng cần điều chỉnh thói quen, nâng cao nhận thức về tiêu dùng đồ uống có đường, khi đó mới giảm thiểu sự tổn thất kinh tế do tăng cân và béo phì và việc phát sinh các bệnh có liên quan, giảm gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong, đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh, hài hòa, bền vững của các thế hệ tương lai của đất nước.
“Ba biện pháp cơ bản sẽ là chính sách bắt buộc công bố nhãn dinh dưỡng, nhãn cảnh báo sức khỏe… trên bao bì sản phẩm đồ uống có đường; chính sách kiểm soát quảng cáo các sản phẩm đồ uống có đường; chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường”, ông Thịnh đề xuất.
MỐI NGUY TIỀM ẨN TỪ ĐỒ UỐNG CÓ ĐƯỜNG
Để nhìn nhận rõ ràng hơn về mối nguy từ đồ uống có đường, theo các chuyên gia của WHO, tại Việt Nam mức tiêu thụ đồ uống có đường tính theo đầu người tại Việt Nam tăng nhanh. Tiêu thụ nước giải khát (loại đồ uống có đường phổ biến nhất) bình quân đầu người của Việt Nam năm 2013 là 35,31 lít/người, năm 2016 tăng lên 46,59 lít, năm 2020 tăng lên tới 52,09 lít và năm 2021 tăng lên tới 55,78 lít/người/năm.
Cùng với đó, người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày/người, cao gần gấp 2 lần so với mức khuyến cáo dưới 25g/ngày của WHO và gần bằng mức giới hạn tối đa 50g/ngày.
Các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng Quốc gia phân tích đồ uống có đường chứa các loại đường bổ sung như đường sucrose (đường đôi) hoặc đường đơn fructose. Đáng nói, một lon nước ngọt thông thường 330ml sẽ chứa khoảng 35g đường, tương đương cung cấp khoảng 140 kcal năng lượng, trong khi cung cấp rất ít giá trị dinh dưỡng khác.
Đặc biệt, việc tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nhanh mức calo trong khẩu phần vì đánh lừa cảm giác ngon khi ăn các thực phẩm khác; tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nguy cơ thừa cân và béo phì ở cả người lớn và trẻ em…
Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc mới nhất (2017-2020) do Bộ Y tế công bố năm 2021 cho thấy, tỷ lệ thừa cân và béo phì tại Việt Nam tăng hơn gấp đôi trong vòng 10 năm qua, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020 và trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Cũng theo Bộ Y tế, có bằng chứng gần đây cho thấy mối liên quan giữa tiêu thụ đồ uống có đường với bệnh không lây nhiễm, gây ra tổn thất kinh tế, gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong.
Đáng quan ngại, đồ uống có đường là một trong những nguyên nhân chính gây thừa cân, béo phì với cả trẻ em và người lớn. Sử dụng nhiều đồ uống có đường có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe vì cùng với việc gây ra tăng cân và béo phì còn làm tăng các bệnh kháng insulin, bệnh đái tháo đường tuýp 2, bệnh tim mạch, bệnh thận, bệnh gan, sâu răng, bệnh gout, ung thư tuyến tụy và gan…
Chính vì vậy, WHO khuyến nghị các quốc gia cần có các chính sách nhằm kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường trên thế giới như: chính sách bắt buộc công bố nhãn dinh dưỡng, nhãn cảnh báo sức khỏe… trên bao bì sản phẩm đồ uống có đường.
Đồng thời, cần có chính sách kiểm soát quảng cáo các sản phẩm đồ uống có đường đặc biệt là đối với trẻ em; chính sách can thiệp dinh dưỡng trong trường học; đánh thuế đối với đồ uống có đường…
Vì vậy, WHO cho rằng đánh thuế đồ uống có đường được ủng hộ trên toàn cầu như một biện pháp hữu hiệu và khả thi để giảm mua đồ uống có đường và góp phần giảm gánh nặng thừa cân, béo phì và giảm các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống.