Tại hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2023” do Viện Kinh tế – Tài chính, Học viện Tài chính tổ chức tại Hà Nội ngày 4/7, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính, nhấn mạnh lạm phát so với cùng kỳ đạt đỉnh vào tháng 1/2023, thậm chí còn giảm mạnh hơn dự báo, đặc biệt bắt đầu từ quý 2/2023.
VÌ SAO LẠM PHÁT ĐẠT ĐỈNH ĐẦU NĂM VÀ GIẢM MẠNH HƠN DỰ BÁO?
Phân tích nguyên nhân của sự suy giảm mạnh của lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2023, TS. Nguyễn Đức Độ nêu rõ ba nguyên nhân chủ yếu.
Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức thấp với tất cả các cấu thành của tổng cầu đều tăng trưởng chậm như đầu tư, tiêu dùng đi kèm sự sụt giảm của xuất khẩu.
Cũng theo ông Độ, tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp thậm chí còn cao hơn công nghiệp, xây dựng. Sản xuất công nghiệp là chủ lực, đóng vai trò chính và từng là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế thì bây giờ tăng trưởng rất thấp.
Bên cạnh đó, tiêu dùng tăng rất chậm đặc biệt sau giai đoạn Covid-19. Xuất khẩu cũng là một động lực nhưng tăng trưởng âm trên 10%, một phần do năm ngoái tăng trưởng khá cao. Việc suy giảm kim ngạch xuất khẩu, khan hiếm đơn hàng xuất khẩu, đặc biệt trong một số lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như: dệt may, da giày, điện tử… khiến hàng loạt doanh nghiệp lao đao, chật vật vượt khó.
Thứ hai, tăng trưởng cung tiền thấp. Theo ghi nhận, tổng phương tiện thanh toán tính đến ngày 20/6 mới chỉ tăng 2,53% so với cuối năm 2022, thấp hơn cả thời kỳ xảy ra dịch bệnh Covid-19.
Nguyên nhân chính khiến cung tiền tăng chậm, một mặt, là do tổng cầu yếu khiến nhu cầu tín dụng thấp, mặt khác, do các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay khi lo ngại nợ xấu gia tăng. Những nguyên nhân này khiến số nhân tiền tệ hay tốc độ quay vòng tiền tệ bị suy giảm mạnh.
Nguyên nhân thứ ba khiến lạm phát giảm mạnh là do lãi suất thực ở mức quá cao.
Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay bình quân đến giữa tháng 6/2023 là 8,9%. Với lạm phát so với cùng kỳ hiện nay đang ở mức 2%, mức lãi suất cho vay thực là 6,9%, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP cũng như mức lãi suất thực trung bình của giai đoạn 2013-2021 là 5,9% và 4,6%. Đây là mức lãi suất cản trở phục hồi kinh tế và tăng trưởng, đồng thời làm tăng nợ xấu”, ông Độ nhìn nhận.
Thêm vào đó, thị trường xăng dầu đạt đỉnh vào năm trước và trong xu hướng giảm. Dù tương lai chưa dự báo được nhưng trước mắt là nguy cơ suy thoái toàn cầu, đặc biệt tại Mỹ, châu Âu. Thời điểm suy thoái có thể gây tranh cãi nhưng có thể tính toán sẽ rơi vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Chính lo ngại về nguy cơ suy thoái “phủ bóng” lên thị trường dầu mỏ thế giới.
“Nguy cơ suy thoái toàn cầu như “thanh đao” treo lơ lửng trên đầu, khiến giới đầu cơ hàng hoá không dám đầu cơ đẩy giá. Đây là những yếu tố sẽ kiểm soát giá dầu trong thời gian tới, dù chiến tranh Nga – Ukraine diễn biến phức tạp, khó đoán”, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính ví von.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng nhìn nhận lạm phát trong nửa đầu năm có xu hướng giảm do rất nhiều lý do tác động, trong đó tác động lớn từ giảm lãi suất. Đồng thời, diễn biến thị trường giá cả trong nước có chiều hướng thuận lợi. Hiện nay, Bộ Tài chính với vai trò thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ ngay từ đầu năm nhận diện, thấy rõ những thách thức đặt ra cho công tác quản lý, điều hành giá và kiểm soát lạm phát.
Từ đó, Bộ Tài chính báo cáo Ban Chỉ đạo xây dựng những kịch bản, đưa ra định hướng và giải pháp cụ thể cho công tác quản lý điều hành giá, bởi đây là công tác mang tính chất thường xuyên, liên tục.
MỤC TIÊU KIỂM SOÁT LẠM PHÁT 4,5% NẰM TRONG TẦM TAY
Nhìn nhận về diễn biến thị trường giá cả và những yếu tố sẽ kìm cương lạm phát nửa cuối năm, theo TS. Nguyễn Đức Độ, các nguy cơ xảy ra các cú sốc về cung như giá dầu, tỷ giá giống năm 2022 cũng không cao, thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát.
Về giá dầu, với nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang gia tăng, có thể xảy ra vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024, giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng giảm như đã diễn ra trong vòng 1 năm qua, hoặc ít nhất sẽ không tăng mạnh.
Còn tỷ giá USD/VND trong 6 tháng đầu năm 2023 cũng khá ổn định nhờ Việt Nam xuất siêu 12,25 tỷ USD. Với việc đồng USD cũng đang trong xu hướng giảm giá, khả năng tỷ giá USD/VND sẽ được Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định trong biên độ +/- 1-2%.
“Trong vòng 1 năm qua, CPI chỉ tăng trung bình 0,17%/tháng. Với giả định tốc độ này tiếp tục được duy trì trong 6 tháng cuối năm, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2023 được dự báo sẽ ở mức 1,7% và lạm phát trung bình cả năm 2023 sẽ ở mức 2,5%”, ông Độ dự báo.
Như vậy, theo vị chuyên gia này, tất cả các yếu tố tác động đến lạm phát thời gian qua rất thuận lợi, thuận lợi theo nghĩa đều kiềm chế lạm phát như tổng cầu yếu, cung tiền tăng chậm, lãi suất cao, tỷ giá ổn định, giá dầu khó tăng mạnh, sẽ tiếp tục là các nhân tố kiềm chế lạm phát 6 tháng cuối năm, thậm chí là các nhân tố trọng yếu kiểm soát lạm phát năm tới.
Với bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế hiện nay không mấy khả quan, cùng với sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước trong việc hoạch định chính sách tiền tệ thời gian qua, lạm phát trong năm 2023 nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm và mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% năm nay chắc chắn sẽ được hoàn thành.