Giới chuyên gia cho rằng với triển vọng lãi suất cao hơn lâu hơn ở Mỹ, vàng đối mặt khả năng tiếp tục bị bán tháo.
Lúc gần 10h trưa theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.844,4 USD/oz, giảm 5 USD/oz, tương đương giảm gần 0,3%, so với đóng cửa phiên ngày thứ Sáu tại thị trường Mỹ. Mức giá này tương đương khoảng 54,35 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.
So với cuối tuần, giá vàng thế giới quy đổi hiện giảm 150.000 đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng miếng trong nước gần như đi ngang.
Cùng thời điểm trên, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 68,17 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,83 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối tuần, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 30.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 10.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Rồng Thăng Long có giá 56,22 triệu đồng/lượng và 57,12 triệu đồng/lượng, tăng 260.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá so với cuối tuần.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 68,25 triệu đồng/lượng và 68,95 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ đang cao hơn 14,5-14,6 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 14,4 triệu đồng/lượng vào cuối tuần. Giá vàng nhẫn đang chênh khoảng 2,8 triệu đồng/lượng so với giá quốc tế, từ mức chênh 2,4 triệu đồng/lượng vào cuối tuần.
Gần đây, giá vàng thế giới giảm mạnh do xu hướng tăng của tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ vì nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải giữ lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian lâu hơn để chống lạm phát.
Tuần trước, giá vàng thế giới giảm 4%, không duy trì được mốc chủ chốt 1.900 USD/oz. Tuy nhiên, giá vàng trong nước giảm chậm hơn nhiều so với giá quốc tế, với mức giảm chỉ khoảng 0,4% trong tuần vừa rồi, tiếp tục giữ gần mốc 69 triệu đồng/lượng.
Bởi vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC bán lẻ và giá vàng thế giới quy đổi đang có chiều hướng tăng lên ngưỡng 15 triệu đồng/lượng, từ chỗ chỉ hơn 12 triệu đồng/lượng trong phần lớn thời gian của tháng 9.
Tuần này sẽ có nhiều báo cáo kinh tế Mỹ quan trọng được công bố – những dữ liệu được cho là sẽ tác động trực tiếp đến triển vọng lãi suất của Fed, trong đó có khả năng Fed tăng lãi suất thêm một lần trong thời gian còn lại của năm nay. Trong đó, dữ liệu thu hút sự quan tâm đặc biệt của thị trường là báo cáo việc làm tháng 9, dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu.
Nếu số liệu việc làm tốt hơn dự báo, cho thấy thị trường lao động tiếp tục thắt chặt, điều đó sẽ củng cố khả năng lãi suất cao hơn lâu hơn, từ đó đặt ra áp lực lớn hơn đối với giá vàng. Ngược lại, nếu thị trường việc làm xấu đi, giá vàng sẽ có cơ hội để hồi phục.
Trao đổi với trang Kitco News, nhà phân tích cấp cao Alex Kuptsikevich của công ty FxPro, nói rằng ông đang theo dõi mốc 1.800 USD/oz của giá vàng, vì áp lực bán ở thời điểm hiện tại có thể đẩy giá vàng về ngưỡng hỗ trợ quan trọng tiếp theo này. Vị chuyên gia chỉ ra sức ép kỹ thuật đối với giá vàng đang lớn vì đường trung bình động 50 ngày của giá vàng đã cắt xuống dưới đường trung bình động 200 ngày, tạo ra hình thái “giao cắt tử thần”.
“Lịch sử cho thấy đây khó có thể là chặng cuối cùng của đợt giảm giá trên thị trường vàng. Hình thái ‘giao cắt tử thần’ hiện tại rất giống với hồi tháng 7/2022. Khi đó, giá vàng đã giảm 7%. Thậm chí, hồi tháng 2/2021, ‘giao cắt tử thần’ đã khiến giá vàng mất 9%. Tương tự, vào tháng 8 cùng năm, giá vàng đã giảm gần 7% khi xuất hiện giao cắt này”, vị chuyên gia nói.
Đồng USD trên thị trường quốc tế khởi động tuần mới trong trạng thái tăng nhẹ, với chỉ số Dollar Index dao động quanh ngưỡng 106,25 điểm. Tuần trước, có thời điểm chỉ số này đạt 106,8 điểm, cao nhất 10 tháng.
Trong nước, Vietcombank báo giá USD ở mức 24.090 đồng (mua vào) và 24.460 đồng (bán ra), không thay đổi so với mức chốt của tuần trước.