Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10 tháng 11 năm 2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 24 tháng 4 năm 2023.
Theo quy định áp dụng từ 2021, ngân hàng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết sau 12 tháng từ khi trái phiếu này được bán và chỉ được mua lại chính loại tổ chức tín dụng đã bán trước đó.
Khi trái phiếu doanh nghiệp bị “nhảy” nhóm nợ cũng sẽ làm các khoản vay khác của doanh nghiệp đó tại các ngân hàng khác bị phân loại vào nhóm có chất lượng nợ thấp hơn, gia tăng tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn như hiện nay, thì cần thiết phải có các giải pháp, quy định kịp thời từ nhiều phía để hỗ trợ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các thị trường này, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Đồng thời, để phù hợp với chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, trong đó có mục tiêu tháo gỡ khó khăn về các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, quỹ đầu tư… khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường; trước mắt ngưng hiệu lực thi hành đối với quy định tại khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023 để gia tăng thanh khoản, góp phần hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trong thời gian kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023, tổ chức tín dụng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán khi đáp ứng một số điều kiện tại Thông tư số 03/2023/TT-NHNN.
Theo FiinRatings, đến cuối năm 2022, trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 2,2% tổng tài sản sinh lời của các ngân hàng, nhưng khi trái phiếu doanh nghiệp bị “nhảy” nhóm nợ cũng sẽ làm các khoản vay khác của doanh nghiệp đó tại các ngân hàng khác bị phân loại vào nhóm có chất lượng nợ thấp hơn, gia tăng tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống.
Theo thống kê của VnEconomy dựa trên báo cáo tài chính 2022, một số ngân hàng đang nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn hiện nay là Ngân hàng Quốc dân (mã chứng khoán NVB, 6,6% tổng tài sản); TPBank (6,6%); MBB (6,4%); VPBank (6,4%); Techcombank (5,9%)…
FiinRatings ước tính đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ có điểm rơi vào năm 2023 và 2024, tương đương 157,97 và 341,27 nghìn tỷ. Thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm và có dòng tiền yếu.
Trong báo cáo “Góc nhìn thị trường trái phiếu doanh nghiệp” mới được công bố, VIS Rating ước tính tỷ lệ nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp tính đến cuối tháng 3/2023 đã tăng lên gần 10%, cao hơn đáng kể so với mức 1,2% vào cuối tháng 9/2022. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp của ngành bất động sản là 17% và của nhóm ngành tiện ích là 31%.
Đáng chú ý, gần 95% trường hợp không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán là do các tổ chức phát hành trái phiếu không thực hiện thanh toán lãi trái phiếu khi tới hạn thanh toán. “Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang có dòng tiền mặt yếu, không cân đối được dòng tiền kinh doanh với các khoản trả nợ trái phiếu”, VIS Rating nhận định.
Đặc biệt, nhiều tổ chức phát hành không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán trái phiếu có khoản vay với các ngân hàng trong nước. VIS Rating ước tính tổng số nợ vay của các doanh nghiệp không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán là 41 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 1% tổng số nợ của hệ thống ngân hàng).