Thưa ông, chưa bao giờ báo chí viết về kinh tế lại nở rộ như hiện nay, ông nhìn nhận như thế nào về chất và lượng?
Đúng là hiện nay, báo chí viết về kinh tế đang nở rộ hơn bao giờ hết. Theo tôi, đây là sự phát triển cần thiết bởi tầm vóc nền kinh tế nước ta đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ trong những năm gần đây và Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới.
Tôi cho rằng báo chí đã làm tốt việc phản ánh trung thực, sống động bức tranh kinh tế của đất nước; nhạy bén chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập, góp phần hoàn thiện khung hành lang pháp lý, các chính sách điều hành kinh tế của quốc gia. Bên cạnh đó, báo chí cũng trở thành một trong những kênh thông tin hữu ích của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh hơn, hiệu quả hơn với các chính sách về quản lý kinh tế. Đồng thời, đưa sản phẩm, dịch vụ đến gần với người tiêu dùng và quan trọng hơn là góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp vươn tầm thế giới.
Tuy nhiên, vấn đề về khối lượng và chất lượng thông tin lại chưa song hành với nhau. Các thông tin kinh tế luôn chiếm vị trí quan trọng với khối lượng lớn nhưng không phải tất cả đều có chất lượng tốt. Một số bài báo chỉ đưa ra thông tin “nông” mà không có sự phân tích sâu sắc về tình hình kinh tế, làm giảm giá trị thông tin và không cung cấp đủ dữ kiện, dữ liệu cho độc giả. Đặc biệt, có tình trạng nhiều tờ báo đưa thông tin giống nhau, dẫn lại nguồn tin mà không kiểm tra tính đúng đắn của thông tin đó, dẫn đến việc lan truyền thông tin không chính xác. Những thông tin chưa được kiểm chứng, thiếu tính khách quan, có thể gây thiệt hại đến lợi ích nhà sản xuất, người tiêu dùng, thậm chí lợi ích đất nước.
Vậy theo đánh giá của ông, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đang đứng ở đâu trong làng báo kinh tế Việt Nam? Điểm gì ở Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy thu hút ông nhất?
Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy là một trong những cơ quan báo chí kinh tế hàng đầu tại Việt Nam, phản ánh chân thực, khách quan hầu hết các lĩnh vực kinh tế như: chính sách kinh tế, đầu tư, tài chính – ngân hàng, kinh tế số, thị trường, doanh nghiệp doanh nhân, bất động sản,… giúp độc giả có góc nhìn tổng quan và đa chiều về tình hình kinh tế của đất nước.
Với vai trò tổ chức thị trường, tôi và ban lãnh đạo MXV luôn theo dõi tin tức chính trị, kinh tế – xã hội, tình hình thị trường, đặc biệt là những bài phân tích chuyên sâu về thị trường trong và ngoài nước. Với tôi, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy là một trong những nguồn thông tin kinh tế rất đáng tin cậy, cung cấp các thông tin và dịch vụ có giá trị cho độc giả và doanh nhân. Tôi cực kỳ tâm đắc với các bài phân tích “chất” của Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy. Những chuyên đề, bài viết trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đều mang hàm lượng chuyên môn cao và tính chuyên sâu về các vấn đề kinh tế.
Tôi cũng được biết thời gian qua Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có rất nhiều đổi mới, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, đưa các ứng dụng công nghệ vào quản lý tổ chức và hỗ trợ phát triển sản phẩm báo chí, cung cấp các tiện ích như các công cụ phân tích, bản tin hàng ngày và các nền tảng tương tác để độc giả có thể theo dõi và thảo luận về các vấn đề kinh tế. Điều này cho thấy, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã nhanh nhạy tiếp cận và đưa vào ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất không kém gì các công ty công nghệ.
Thị trường tài chính Việt Nam nói chung và thị trường giao dịch hàng hóa nói riêng còn rất non trẻ. Trong quá trình đó, ông nhận thấy báo chí, truyền thông có vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường?
Các cơ quan báo chí đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp những tin tức, bài viết với các góc nhìn đa chiều, những lập luận, phân tích sâu sắc, góp phần xây dựng thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam công khai và minh bạch. Chúng tôi rất vui mừng và đánh giá cao sự hỗ trợ, đóng góp của các cơ quan báo chí và sự tận tâm, đồng hành của các nhà báo, phóng viên cho sự phát triển của thị trường trong suốt thời gian qua.
Thị trường giao dịch hàng hóa luôn vận hành 24 giờ mỗi ngày, liên thông với thế giới nên các thông tin cũng vậy. Báo chí giúp tạo ra một môi trường thông tin minh bạch và chính xác, giúp nhà đầu tư và các bên tham gia thị trường có cái nhìn toàn diện và đáng tin cậy về tình hình thị trường.
Báo chí là cầu nối giúp những thông tin, chính sách từ cơ quan quản lý đến được với nhà đầu tư một cách đầy đủ, khách quan, trung thực. Đồng thời, báo chí theo dõi, phản ánh các xu hướng và biến động trong thị trường tài chính và hàng hóa. Đây là cơ sở quan trọng giúp các nhà đầu tư đưa ra các quyết định giao dịch hợp lý dựa trên nguồn thông tin đúng đắn và kịp thời.
Đối với các cơ quan quản lý, việc ghi nhận phản hồi từ thị trường thông qua nhiều kênh, trong đó, báo chí là một kênh thông tin có tính phản biện rất quan trọng. Thông tin đăng tải trên báo chí đã góp phần giúp các cơ quan quản lý ra các quyết định điều chỉnh chính sách kịp thời, nhất là trong quá trình nghiên cứu, chỉnh sửa và ban hành các chính sách quản lý mới. Thực tế cho thấy, khá nhiều văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa đã được chỉnh sửa, ban hành mới dựa trên sự tiếp thu các thông tin phản hồi của thị trường.
Theo ông, báo chí kinh tế cần cải thiện gì để phát triển bền vững và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của độc giả?
Là độc giả thường xuyên của các báo kinh tế, tôi mong muốn đọc những tin tức mới nhất và được cập nhật đầy đủ về các sự kiện, xu hướng và dự đoán của các lĩnh vực kinh tế trong nước và quốc tế. Tôi luôn quan tâm đến các bài phân tích sâu về những sự kiện và chính sách kinh tế, với nhiều quan điểm khác nhau, bao gồm cả quan điểm chính trị, kinh doanh và xã hội, để có cái nhìn toàn diện về nền kinh tế, đồng thời, tham gia vào các thảo luận và trao đổi ý kiến về các vấn đề kinh tế đang diễn ra.
Theo tôi, để có thể giữ vững vị thế và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của độc giả, báo chí kinh tế nói chung cần cải thiện hơn nữa.
Thứ nhất, báo chí cần đảm bảo chất lượng thông tin bằng cách kiểm tra và xác minh các nguồn tin trước khi đăng tải, đồng thời giữ tính khách quan và công bằng trong việc đưa tin, tránh việc phát ngôn một chiều hoặc thiên vị một ý kiến hay lợi ích cụ thể.
Thứ hai, thay vì chỉ đưa tin hàng loạt một cách thiếu chiều sâu, báo chí cần có cái nhìn đa chiều, khả năng phân tích và cung cấp thông tin phản ánh được nhiều chiều sâu về vấn đề kinh tế.
Thứ ba, báo chí cần đáp ứng nhu cầu đa dạng của độc giả bằng cách cung cấp nhiều loại nội dung khác nhau, từ bài phân tích, bài viết ý kiến, đến bài phỏng vấn và video, sử dụng công nghệ để cung cấp nội dung một cách linh hoạt và tiện lợi cho độc giả.
Thứ tư, báo chí cần liên tục cập nhật và thích ứng với những thay đổi trong cách độc giả tiêu dùng thông tin, bao gồm việc theo dõi xu hướng truyền thông mới và thích ứng với nhu cầu ngày càng đa dạng của độc giả.
Thứ năm, xây dựng một môi trường tương tác giữa báo chí và độc giả thông qua việc phản hồi, thảo luận và việc phát triển các cộng đồng trực tuyến.
VnEconomy 20/06/2024 16:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2024 phát hành ngày 17/6/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/chat-luong-thong-tin-phai-duoc-dam-bao-chinh-thong.htm