Trao đổi với VnEconomy, chuyên gia chứng khoán Huy Nam cho rằng con số 27 ngân hàng đang niêm yết và đăng ký giao dịch trên 3 sàn (HOSE, HNX, UPCoM) nếu so sánh về tỷ lệ doanh nghiệp niêm yết theo ngành thì đây là con số không ít, thậm chí là tương đối nhiều. Tuy nhiên, về mong muốn thì càng nhiều ngân hàng lên sàn niêm yết càng tốt.
“Điều quan trọng đầu tiên là tính minh bạch. Minh bạch giúp ngân hàng phát triển và hướng hoạt động của họ theo sự vận động của nền kinh tế cũng như đáp ứng mong đợi của cổ đông và người gửi tiền. Qua đó, hoạt động của họ sẽ phải đáp ứng ở mức độ cao đối với việc tuân thủ hệ thống pháp luật, quy định riêng của ngành. Nhờ vậy, người dân gửi tiền tin tưởng hơn, ngân hàng sẽ ngày càng củng cố và nâng cao năng lực tài chính, vị thế, hoạt động hiệu quả hơn, bền vững hơn so với lúc chưa niêm yết”.
Thưa ông, trong số 13 ngân hàng chưa niêm yết chính thức có 8 đơn vị niêm yết trên UPCoM, sự khác biệt của nhóm UPCoM so với nhóm niêm yết chính thức trên HOSE và HNX là gì?
Nó có những điểm giống nhau và những điểm khác biệt. Điểm giống nhau đó là những ngân hàng đại chúng, hướng tới sự minh bạch đối với các cổ đông, người gửi tiền và khách hàng.
Còn sự khác biệt là trên thị trường UPCoM thì tiêu chuẩn tham gia thị trường thấp hơn. Do đó, đánh giá của các nhà đầu tư với các đơn vị trên UPCoM về yêu cầu báo cáo cũng như chuẩn mực hoạt động không cao như các ngân hàng đã niêm yết trên sàn chính thức. Dĩ nhiên, cũng có những doanh nghiệp ban đầu họ tham gia sàn UPCoM nhưng tính minh bạch và chuẩn mực quản trị rất tốt, ví dụ như FPT thời kỳ đầu. Cũng có những đơn vị ban đầu họ coi sàn UPCoM như bước tập dượt trong lộ trình bước ra ánh sáng minh bạch trước khi lên sàn chính thức. Phải thấy là những đơn vị dám bước lên sàn HOSE hay HNX giống như “lái xe trên cao tốc”. Ở đó, họ chứng tỏ được khả năng “cầm lái”, tầm nhìn hoạt động, khả năng phát triển năng lực, bứt tốc với công suất tối đa ở một sân chơi tầm cỡ hơn.
Một điểm khác biệt nữa, khi lên sàn chính thức, các nhà đầu tư cũng gửi gắm niềm tin vào đó cao hơn so với UPCoM. Lý do là yêu cầu chuẩn mực minh bạch và quản trị cao, buộc các ngân hàng niêm yết phải tôn trọng và tuân thủ.
Thưa ông, vẫn còn khoảng 5 ngân hàng đến nay chưa có động thái rõ ràng để lên sàn, dù là lên sàn UPCoM hay niêm yết chính thức, ông bình luận gì về các trường hợp này?
Thực tế, không ai ép buộc lên sàn hay không lên sàn, dù là UPCoM hay niêm yết, đó là lựa chọn của mỗi ngân hàng. Khi muốn niêm yết thì phải phụ thuộc vào đồng thuận của cổ đông. Như chúng ta đã thấy, khi niêm yết thì ngân hàng được lợi và cái lợi rõ nhất là xác lập được niềm tin với thị trường nên việc huy động tốt hơn, thanh khoản theo đó sẽ tốt thêm. Ngược lại, ngân hàng đó bị thiệt. Không ai trong số các cổ đông và người gửi tiền lại không mong muốn ngân hàng mình gửi gắm niềm tin lại có tình hình thanh khoản yếu kém. Bởi lẽ, khi muốn bán cổ phiếu được giá, muốn rút tiền thì ngân hàng phải có tiềm lực tài chính tốt.
Do đó, tôi cho rằng khi thành lập doanh nghiệp nói chung, ngân hàng nói riêng cần phải chốt ngay trong điều lệ về kế hoạch lên sàn niêm yết. Đã lập một doanh nghiệp, ngân hàng cổ phần mà không có kế hoạch niêm yết thì lập làm gì? Những người lỡ mua cổ phần cổ phiếu ở một nơi bị kẹt vốn, thiếu thanh khoản thì làm sao để họ có thể giải quyết bài toán tài chính cá nhân?
Khi một doanh nghiệp đã niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán thì tính minh bạch càng cao. Điều này làm cho doanh nghiệp/ngân hàng bắt buộc phải đáp ứng yêu cầu tuân thủ trong hoạt động và khi đó, lợi ích của khách hàng, người gửi tiền và nền kinh tế sẽ rất lớn.
Ngân hàng niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE)
- Ngân hàng TMCP Á Châu – ACB (mã chứng khoán: ACB)
- Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV (mã chứng khoán: BID)
- Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – VietinBank (mã chứng khoán: CTG)
- Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam – Eximbank(mã chứng khoán: EIB)
- Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM – HDBank (mã chứng khoán: HDB)
- Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt – LienvietPostBank (mã chứng khoán: LPB)
- Ngân hàng TMCP Quân Đội – MBBank (mã chứng khoán: MBB)
- Ngân hàng TMCP Hàng Hải – MaritimeBank (mã chứng khoán: MSB)
- Ngân hàng TMCP Phương Đông – OCB (mã chứng khoán: OCB)
- Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội – SHB (mã chứng khoán: SHB)
- Ngân hàng TMCP Đông Nam Á – Seabank (mã chứng khoán: SSB)
- Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank (mã chứng khoán: STB)
- Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam – Techcombank (mã chứng khoán: TCB)
- Ngân hàng TMCP Tiên Phong – TPBank (mã chứng khoán: TPB)
- Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank (mã chứng khoán: VCB)
- Ngân hàng TMCP Quốc tế – VIB (mã chứng khoán: VIB)
- Ngân hàng TMCP VPBank (mã chứng khoán: VPB)
Ngân hàng niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX)
- Ngân hàng TMCP Bắc Á – BacABank (mã chứng khoán: BAB)
- Ngân hàng TMCP Quốc Dân – NCB (mã chứng khoán: NVB)
Các ngân hàng niêm yết trên sàn UPCoM:
- Ngân hàng TMCP An Bình – ABBank (mã chứng khoán: ABB)
- Ngân hàng TMCP Bản Việt – Vietcapitalbank (mã chứng khoán: BVB)
- Ngân hàng TMCP Kiên Long – Kienlongbank (mã chứng khoán: KLB)
- Ngân hàng TMCP Nam Á – NamABank (mã chứng khoán: NAB)
- Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex – PGBank (mã chứng khoán: PGB)
- Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương – SaigonBank (mã chứng khoán: SGB)
- Ngân hàng TMCP Việt Á – VietABank (mã chứng khoán: VAB)
- Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín – Vietbank (mã chứng khoán: VBB)
Các ngân hàng chưa niêm yết
- Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Agribank
- Ngân hàng TMCP Bảo Việt – Baovietbank
- Ngân hàng Xây Dựng – CBBank
- Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam – PVcomBank
- Ngân hàng TMCP Sài Gòn – SCB