Bộ Tài chính vừa có công văn trả lời Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về đề nghị tham gia ý kiến dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và đề xuất phương án xử lý nguồn kinh phí còn lại.
Theo Bộ Tài chính, đến giữa tháng 4, ngân sách trung ương cấp bổ sung 4.264,4 tỷ đồng cho 40/61 địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Đồng thời, trên cơ sở báo cáo của 27 địa phương (gồm 26 địa phương báo cáo kết quả thực hiện chính sách và 1 địa phương báo cáo nhu cầu thực hiện chính sách), Bộ Tài chính bổ sung có mục tiêu cho 24 địa phương số tiền 272,6 tỷ đồng gồm: bổ sung 236,3 tỷ đồng trong niên độ ngân sách năm 2022 từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021, bổ sung 36,3 tỷ đồng trong niên độ ngân sách năm 2023 từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính thu hồi số kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ còn dư của 4 địa phương là 132,7 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay, qua rà soát vẫn còn 35/61 địa phương chưa có báo cáo kết quả chi ngân sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động gửi Bộ Tài chính để làm cơ sở bổ sung hoặc thu hồi kinh phí theo quy định tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Vì vậy, Bộ Tài chính vẫn chưa có cơ sở xác định chính xác nguồn kinh phí thừa, thiếu thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Liên quan đến đề xuất chuyển nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư sang cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, dự kiến nhu cầu vốn chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội trong 2 năm 2022 và 2023 là 43.140 tỷ đồng.
Trong năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội được bố trí bổ sung 15.949 tỷ đồng để cho vay chương trình giải quyết việc làm.
Còn năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội bố trí 5.600 tỷ đồng trong nhiệm vụ tăng trưởng tín dụng thông thường hàng năm do Thủ tướng Chính phủ giao để cho vay.
Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đang trình Bộ Kế hoạch & Đầu tư để trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chuyển 16.865 tỷ đồng vốn không giải ngân hết của các chương trình tín dụng khác trong chương trình phục hồi để chuyển sang cho vay chương trình giải quyết việc làm.
Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua như đề xuất của Ngân hàng Chính sách xã hội, trong năm 2023, chương trình cho vay giải quyết việc làm sẽ được bố trí 38.414 tỷ đồng, cơ bản đáp ứng nhu cầu vay vốn của người lao động.
Do đó, việc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất chuyển khoảng 2.800 tỷ đồng sang cấp bù lãi suất và phí quản lý để Ngân hàng Chính sách xã hội huy động thêm 30.000 tỷ đồng cho vay chương trình giải quyết việc làm không phù hợp và thừa so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Do căn cứ trên thực tế báo cáo của Ngân hàng này, dự kiến chỉ thiếu so với nhu cầu cho vay giải quyết việc làm khoảng 4.726 tỷ đồng.
Mặt khác, giai đoạn 2022-2023, Ngân hàng Chính sách xã hội được bố trí 3.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất và phí quản lý cho chương trình phục hồi nhưng cơ bản cũng không sử dụng hết số cấp bù lãi suất và phí quản lý.
Căn cứ tình hình nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ không chuyển nguồn kinh phí còn dư của chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động sang cấp bù lãi suất và phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay chương trình giải quyết việc làm.
Đồng thời, đề xuất giao Bộ Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền cho phép chuyển nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 được Quốc hội cho phép sử dụng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 sang năm 2023 để tiếp tục hỗ trợ các địa phương thực hiện chính sách này do thực tế tiếp tục phát sinh và còn nhiều địa phương chưa báo cáo.
Hết năm 2023, trường hợp còn dư nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động sẽ được tổng hợp phương án tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2023 trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động được thực hiện căn cứ theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Kinh phí dự kiến ban đầu là 6.600 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021.
So với số kinh phí dự kiến 6.600 tỷ đồng thì sẽ còn dư khoảng 2.800 tỷ đồng. Theo đánh giá, việc triển khai thực hiện thời gian đầu chưa kịp thời, đầy đủ dẫn đến việc lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động chậm. Mặt khác, thị trường lao động hiện nay cơ bản ổn định. Theo báo cáo của các địa phương, mặc dù một số ngành như: may mặc, giày da, chế biến gỗ…. vẫn còn gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, nguồn cung nguyên vật liệu, các yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu nên phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động nhưng hiện tượng này chỉ mang tính cục bộ.