Tuần vừa rồi, giá vàng thế giới đã sụt giảm sau khi lập kỷ lục mọi thời đại. Nguyên nhân khiến giá vàng chưa thể chinh phục thành công mốc 2.800 USD/oz là áp lực chốt lời ở vùng đỉnh và sức ép từ xu hướng tăng của tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ.
Tuần này có hai sự kiện lớn có thể tác động mạnh tới diễn biến giá của các kim loại quý như vàng và bạc, gồm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày thứ Ba (5/11) và cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kết thúc vào ngày thứ Tư (6/11).
Giá vàng khởi động tuần giao dịch mới vào đầu giờ sáng nay (4/11) tại thị trường châu Á trong xu thế tăng nhẹ. Lúc hơn 7h theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 1,2 USD/oz so với chốt phiên ngày thứ Sáu tại New York, tương đương tăng 0,04%, giao dịch ở mức 2.737,7 USD/oz – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương xấp xỉ 84 triệu đồng/lượng.
THẾ CÂN BẰNG MONG MANH CỦA GIÁ VÀNG
Giới phân tích cho rằng trước khi bầu cử ở Mỹ có kết quả, giá vàng sẽ tiếp tục giằng co do tâm lý bấp bênh của nhà đầu tư: một mặt muốn chốt lời ở vùng giá còn đang cao, mặt khác lo ngại giá vàng có thể tăng cao hơn sau bầu cử – tâm lý lo sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) đã góp phần “tiếp lửa” cho cơn sốt giá vàng thời gian gần đây. Tuy nhiên, kết quả bầu cử Mỹ có thể dẫn tới một bước ngoặt lớn đối với giá vàng.
Trao đổi với trang MarketWatch, ông Adam Koos – Chủ tịch công ty Libertas Wealth Management Group – nhận định cú giảm mạnh của giá vàng hôm thứ Năm vừa rồi là “một lời nhắc nhở về thế cân bằng mong manh mà giá vàng đang cố gắng duy trì”.
“Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn đang tăng, gây sức ép giảm giá lên vàng, nhất là khi những tài sản có độ rủi ro cao hơn như cổ phiếu bị bán mạnh”, ông Koos nhận định. Vị chuyên gia nói rằng giá vàng đang đương đầu với những yếu tố “kéo – đẩy điển hình” vì nhà đầu tư cần thanh khoản khi đối mặt thua lỗ ở danh mục cổ phiếu, dẫn tới việc ngay cả vàng “cũng không đủ an toàn khi tâm lý ham thích rủi ro của thị trường suy giảm”.
Chủ tịch Peter Spina của trang GoldSeek.com nhấn mạnh việc giá vàng đã tăng liên tục và bền bỉ trong nhiều tháng qua. Ông cho rằng rất khó để xác định liệu cú giảm của giá vàng vào tuần trước sẽ nhanh chóng đảo ngược trong vài ngày tới, hay sẽ dẫn tới một thời kỳ điều chỉnh sâu hơn kéo dài vài tuần.
Theo ông Spina, cuộc bầu cử ở Mỹ có khả năng sẽ gây biến động giá vàng trong tuần này, nhưng đến hiện tại, hiệu ứng của sự kiện này đối với giá vàng là tích cực bởi sự bất định đã làm gia tăng nhu cầu nắm giữ vàng để phòng ngừa rủi ro. Không một ứng cử viên nào đưa ra phương án để xử lý mức độ thâm hụt ngân sách hàng nghìn tỷ USD của Chính phủ liên bang, và điều này sẽ dẫn tới việc tiền lãi nợ công của Mỹ ngày càng tăng và thâm hụt ngày càng lớn.
Với sự gia tăng của nợ nần, vàng sẽ phát huy tốt vai trò hầm trú ẩn. Ông Spina dự báo cho dù ông Donald Trump hay bà Kamala Harris đắc cử, giá vàng sẽ tìm được cơ hội tăng sau bầu cử ở Mỹ.
Phân tích sâu hơn, ông Koos cho rằng cuộc bầu cử ở Mỹ có thể tạo ra một bước ngoặt lớn cho giá vàng, nhưng hướng đi của giá vàng trong trường hợp ứng viên này thắng sẽ không hoàn toàn giống với trường hợp ứng viên kia thắng.
BIẾN ĐỘNG SẼ GIA TĂNG
Nếu ông Trump thắng, “thị trường có thể đánh giá cao các chính sách về nới lỏng quy chế giám sát và thân thiện với doanh nghiệp. Ban đầu, điều này có thể đẩy tỷ giá đồng USD tăng và gây áp lực mất giá lên vàng”, ông Koos nhấn mạnh. Tuy nhiên, “nếu những chính sách đó làm gia tăng mối lo lạm phát và đẩy cao căng thẳng trong quan hệ thương mại quốc tế, giá vàng có thể tìm được sự hỗ trợ bởi nhà đầu tư tìm kiếm sự phòng ngừa rủi ro”.
Trong trường hợp bà Harris thắng, kết quả đó có thể “khuấy đảo các kỳ vọng về tăng chi tiêu chính phủ, có thể đặt ra sức ép mất giá lớn hơn đối với đồng USD và đưa giá vàng tăng”.
Xét tới những khác biệt trong chính sách thương mại, chi tiêu và quy chế giám sát, mỗi ứng cử viên có thể dễ dàng ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư và tác động tới sức hấp dẫn của giá vàng với tư cách một tài sản an toàn. “Tóm lại, cuộc bầu cử này có thể là một chất xúc tác lớn cho bước đi tiếp theo của giá vàng”, ông Koos nói.
Một vấn đề khác liên quan tới giá vàng mà nhiều chuyên gia nói tới trong thời gian gần đây là giá vàng vẫn lập đỉnh mới bất chấp lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD không ngừng tăng. Điều này trái ngược với quy luật thường thấy, bởi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá USD tăng thường là những yếu tố khiến vàng giảm giá.
Nhưng tuần vừa rồi, quy luật đó đã đúng trở lại, ít nhất trong hai phiên ngày thứ Năm và thứ Sáu, khi giá vàng trượt giảm vì các yếu tố trên. Ông Koos nhận định những diễn biến đó phản ánh rằng nhà đầu tư đang bị thu hút bởi lợi suất tăng.
Nhìn lại lịch sử, ông Koos nói rằng sự phá vỡ quy luật giữa lợi suất, tỷ giá và giá vàng đã xuất hiện không ít lần trước đây, nhất là trong những giai đoạn bất ổn địa chính trị gia tăng hay tình hình kinh tế vĩ mô có sự dịch chuyển. Trong một bối cảnh như vậy, cả lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, tỷ giá USD và giá vàng đều có thể tăng, như đã xảy ra trong tháng 10 vừa qua hay trong cuộc khủng hoảng dầu lửa vào thập niên 1970.
“Sự dịch chuyển bức tranh địa chính trị hiện nay và xu hướng phi đôla hóa có thể dẫn tới một giai đoạn trái quy luật, nhưng chắc chắn sự trái quy luật đó chỉ là tạm thời”, vị chuyên gia nhấn mạnh. Bởi vậy, nếu dựa vào lịch sử để dự đoán, việc cả lợi suất, tỷ giá và giá vàng cùng tăng thời gian qua sẽ dẫn tới mức độ biến động gia tăng trong thời gian tới – ông nói.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/bau-cu-tong-thong-my-se-tac-dong-toi-gia-vang-theo-huong-nao.htm