TẦM QUAN TRỌNG CỦA ESG TRONG NÂNG CAO VỊ THẾ DOANH NGHIỆP
Vài năm trở lại đây, cụm từ ESG (Environmental, Social, and Governance, tức là Môi trường, Xã hội và Quản trị) được cộng đồng nhà đầu tư, khách hàng và công chúng ngày càng chú trọng. Theo đó, ESG đóng vai trò kim chỉ nam giúp các bên liên quan hiểu rõ cách thức doanh nghiệp quản lý các rủi ro cũng như cơ hội ở ba khía cạnh này, hướng đến tăng trưởng bền vững và đóng góp tích cực cho môi trường, xã hội và kinh tế. Do đó, việc một doanh nghiệp phát hành báo cáo ESG ngày càng nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính và các bên hữu quan.
Cam kết thực hiện các chuẩn mực ESG theo tiêu chuẩn quốc tế giúp nâng cao thương hiệu, nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn vốn quốc tế và giảm rủi ro hoạt động. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai thực hiện báo cáo ESG chưa thực sự được các doanh nghiệp Việt Nam chú trọng. Một khảo sát của EY mới đây đã chỉ ra rằng, chưa đến 1/3 công ty Việt Nam thực hiện báo cáo ESG một cách kỹ lưỡng và toàn diện.
Đối với ngành tài chính ngân hàng, vốn là một ngành tiên phong trong các hoạt động ESG cũng như tuân thủ sớm các quy chuẩn quốc tế, song số lượng các ngân hàng công bố Báo cáo ESG còn hạn chế. Hiện tại, LPBank là một trong số ít ngân hàng phát hành công bố Báo cáo riêng ESG năm 2023 sớm nhất tại Việt Nam.
BÁO CÁO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA LPBANK CÓ GÌ?
Theo thông tin từ LPBank, ngân hàng này chính thức công bố Báo cáo Phát triển bền vững (Báo cáo ESG) năm 2023 vào ngày 28/6/2024. Với chủ đề “Bền bỉ với môi trường”, Báo cáo cho thấy rõ tầm nhìn, chiến lược trong thực thi ESG của LPBank, hướng đến mục tiêu ngân hàng phát thải ròng bằng 0, thúc đẩy tài chính xanh, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Các chỉ số phát triển bền vững được LPBank lựa chọn và trình bày dựa trên trên các quy định, tiêu chuẩn và hướng dẫn của Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GRI), các khuyến nghị của Nhóm Nhiệm vụ về Công bố Tài chính liên quan đến Khí hậu (TCFD) và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Theo báo cáo, LPBank tích hợp yếu tố môi trường và xã hội vào cơ cấu doanh nghiệp thông qua 3 trụ cột bền vững: Môi trường – Chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững và trung hòa Các -bon; Xã hội – Xây dựng xã hội thịnh vượng; Quản trị – Hành động có trách nhiệm.
Về yếu tố môi trường: LPBank đẩy mạnh các chính sách và chương trình tín dụng xanh, đưa tổng dư nợ từ 2.565 tỷ đồng năm 2020 lên 4.883 tỷ đồng năm 2023. Điều này giúp tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiểu thương, ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo và năng lượng sạch. Đối với nội bộ, LPBank tích cực thực hiện văn hóa tiết kiệm về; xăng, điện, nước, giảm phát thải, rác thải nhựa…
Trong năm 2023, LPBank ghi nhận kết quả khả quan trong một số chỉ số như; lượng xăng tiêu thụ từ các phương tiện di chuyển giảm từ 328TJ (năm 2022) xuống còn 272 TJ (năm 2023), tương đương với mức giảm khoảng 17%; tổng mức tiêu thụ nước sinh hoạt của Ngân hàng năm 2023 giảm 4% so với năm 2022; tổng lượng phát khí nhà kính trong năm 2023 là 32.976 tấn CO₂, giảm khoảng 7% so với năm 2022 là 35.633 tấn CO₂.
Về yếu tố xã hội: LPBank luôn nhận được sự đồng lòng của hơn 12.000 cán bộ nhân viên trong thực hiện “Gắn trách nhiệm xã hội trong kinh doanh”, tập trung vào 5 trụ cột chính: Giáo dục và Đào tạo – Y tế – Văn hóa, Thể thao – An sinh xã hội – Hỗ trợ địa phương nghèo phát triển… LPBank cũng chú trọng xây dựng môi trường làm việc bình đẳng, chính sách lương, thưởng, phúc lợi được đảm bảo. 100% cán bộ, nhân viên được bảo vệ theo thỏa ước lao động tập thể. Đây cũng là một trong những giá trị góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tinh thần nhân văn để LPBank hướng tới trở thành Nơi làm việc tốt nhất châu Á.
Về yếu tố quản trị: LPBank luôn thực hiện theo các nguyên tắc chuẩn mực quản trị quốc tế bao gồm: công khai minh bạch, trách nhiệm, công bằng và quản trị rủi ro toàn diện. LPBank xây dựng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, khuyến khích sự sáng tạo, phát triển toàn diện của cá nhân. Ngân hàng đã chuyển đổi mô hình ngân hàng theo ngành dọc để quản trị và phát triển kinh doanh hiệu quả và bền vững. LPBank chú trọng đào tạo cán bộ, nhân viên về bảo mật dữ liệu, nâng cấp hệ thống bảo mật, quản trị dữ liệu an toàn cùng những biện pháp phòng ngừa và phát hiện tham nhũng.
LPBANK CAM KẾT VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA CỘNG ĐỒNG VÀ XÃ HỘI
Chính phủ Việt Nam cũng đã triển khai thực hiện các cam kết quốc tế của mình về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Xác định phát triển bền vững không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là yếu tố quan trọng giúp duy trì các thành tựu của LPBank một cách lâu dài, bền vững trong tương lai. Báo cáo ESG cũng cho thấy những nỗ lực không ngừng của LPBank trong việc hướng tới nền kinh tế trung hòa cacbon, đồng thời thể hiện cam kết của Ngân hàng đối với sự phát triển bền vững của cộng đồng và xã hội.
Ông Hồ Nam Tiến – Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc LPBank cho biết: “LPBank mong muốn chung tay cùng Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải ròng vào năm 2050. Trong việc hỗ trợ mục tiêu này, Ngân hàng xác định vai trò và trách nhiệm của mình về hoạt động kinh doanh, song hành cùng kiến tạo giá trị cho xã hội, bảo vệ môi trường, đóng góp cho sự phát triển của một nền kinh tế xanh, xây dựng một tương lai bền vững cho thế hệ tiếp nối”.
Thông qua báo cáo với các chỉ số minh bạch và có trách nhiệm sẽ giúp LPBank khẳng định bằng những con số thực tế trong tăng cường lòng tin với các bên liên quan, hướng tới hình ảnh và vị thế của Ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam, Ngân hàng của mọi người.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/bao-cao-phat-trien-ben-vung-cua-lpbank-co-gi.htm