Ngày 13/12, Bộ Tài chính phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2023.
DOANH NGHIỆP THAN KHÓ
Trên 600 doanh nghiệp đã tham gia hội nghị và mang theo rất nhiều những vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng và hoá đơn, chứng từ mà doanh nghiệp gặp phải trong thời gian qua.
Công ty cổ phần Cơ – Điện – Môi trường Lilama nêu thực tế nhiều hoá đơn đầu vào kê khai chậm trong kỳ do các bộ phận liên quan chậm trễ tập hợp về phòng kế toán để kê khai, thanh toán dẫn đến nhiều hoá đơn bị bỏ sót kỳ, từ đó, kéo theo chênh lệch giữa tờ khai thuế và số liệu sổ sách.
Về vấn đề này, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, khi doanh nghiệp phát hiện số thuế giá trị gia tăng đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì người nộp thuế được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế. Trong trường hợp kê khai bổ sung sau thời điểm công bố quyết định thanh tra, kiểm tra thì sẽ không được khấu trừ thuế.
Công ty TNHH công nghệ Pin Shine Việt Nam phản ánh vướng mắc về hoàn thuế giai đoạn đầu tư do kê khai muộn. Về vấn đề công tác phí, khi người lao động đi công tác nhưng không xin được xác nhận, đóng dấu của khách hàng, hay của khách sạn, nhà khách nơi lưu trú gây khó khăn khi kê khai vào các chi phí được trừ để tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tại hội nghị, lãnh đạo Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu toàn cầu An Phát nói rằng đã rất chật vật xin hoàn thuế giá trị gia tăng với mặt hàng tinh bột sắn suốt nhiều năm nay do mặt hàng kinh doanh bị quy vào lĩnh vực rủi ro gần đây.
Nhiều vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng với dự án đầu tư, kê khai hoá đơn điện tử có ngày lập khác ngày ký, khai bổ sung cho hồ sơ khai thuế có sai sót, thời điểm xuất hóa đơn điện tử hàng hóa xuất khẩu, hay những bất cập về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu… cũng được doanh nghiệp chia sẻ thẳng thắn. Những vấn đề này được cơ quan quản lý tiếp nhận ngay tại hội nghị và khẳng định sẽ hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam, cho rằng việc triển khai hoá đơn điện tử và kê khai qua cổng thông tin điện tử là hai điểm nổi bật nhất của cải cách thuế, hải quan trong thời đại số hóa nhưng cũng nhiều vướng mắc nhất.
Theo bà Cúc, nhiều doanh nghiệp phản ánh vướng mắc về việc xác định trách nhiệm của doanh nghiệp khi mua hóa đơn đầu vào. Cụ thể, doanh nghiệp sản xuất cố tình mua hóa đơn của doanh nghiệp mất tích, bỏ trốn hoặc cố tình khai gian, gian lận rõ ràng là sai phạm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp mua phải hàng hoá của doanh nghiệp đang hoạt động nhưng lại có gian lận về thuế như lấy hàng hoá của doanh nghiệp khác hay mua hóa đơn của đơn vị khác.
Rất oái oăm, hoá đơn vẫn hợp pháp, đủ điều kiện, thanh toán qua ngân hàng, người mua là doanh nghiệp sản xuất cũng như người kiểm tra là cơ quan thuế kiểm tra đầu vào, kiểm tra hoàn thuế đều không hề biết có gian lận.
Mãi sau này khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra mới phát hiện, chắc chắn sẽ loại trừ toàn bộ hoá đơn, chứng từ đó ra, không tính chi phí hợp lý cho doanh nghiệp. Hơn nữa, các cơ quan khác có chức năng thanh, kiểm tra cũng kết luận cơ quan thuế không làm đủ chức năng, nhiệm vụ, thậm chí bị cho là “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Do đó, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế đề nghị phải quy đúng trách nhiệm, chứ không thể đẩy trách nhiệm cho doanh nghiệp và cơ quan thuế, trong trường hợp cơ quan chức năng nhận thấy doanh nghiệp không cố tình mua hoá đơn của đơn vị mất tích, bỏ trốn hoặc gian lận; hóa đơn đó đủ điều kiện, có giao dịch thật và thanh toán qua ngân hàng.
Về vướng mắc khi xuất hoá đơn với các cơ sở kinh doanh bán lẻ, theo bà Cúc, nhiều trường hợp người mua không lấy hóa đơn nên không có thông tin về người mua, không có căn cước công dân, không có mã định danh nhưng doanh nghiệp vẫn kê khai, nộp thuế đầy đủ. Doanh nghiệp cũng lo ngại vì bị coi là vi phạm pháp luật về thuế, tiếp tay cho những người trốn thuế.
THÁO GỠ VƯỚNG MẮC, GIẢM GÁNH NẶNG CHO DOANH NGHIỆP
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực cải cách của Bộ Tài chính, ngành thuế và ngành hải quan trong việc đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh các hoạt động kinh tế khó khăn khi có quá nhiều biến động của thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt sau đại dịch Covid-19.
Những nỗ lực của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, kiểm soát có hiệu quả các quy trình, tạo cơ sở để doanh nghiệp giảm chi phí và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Nhiều hoạt động của các cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính đã lấy mức độ hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo đánh giá năng lực, hiệu lực hiệu quả của cơ quan.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo VCCI, trong lĩnh vực thuế, nhiều doanh nghiệp phản ánh khá nhiều vướng mắc về thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng, hóa đơn điện tử, quy định nộp thuế tại địa phương đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nhiều tỉnh, vấn đề đảm bảo uy tín cho doanh nghiệp khi xử lý chậm nộp thuế, một số quy định mới về nợ đọng thuế tính gộp cho doanh nghiệp, không theo từng công trình…
Trong lĩnh vực hải quan, nhiều doanh nghiệp phản ánh về thời gian giải quyết thủ tục điện tử, việc cấp giấy phép nhập khẩu tiền chất, việc hoàn thuế xuất nhập khẩu, về cơ chế hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp chế xuất, kiến nghị giảm thời gian hoàn thuế nhập khẩu, kiến nghị về quy định rõ số lần soi chiếu hàng hóa…
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có một số đề xuất chung khác liên quan đến việc rà soát, đảm bảo công bằng trong áp dụng chính sách thuế giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, việc kiểm tra theo các hình thức khác nhau gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đồng thời, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Bộ Tài chính xem xét kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí cho đến hết 2024; xem xét phương thức hỗ trợ giải quyết thủ tục hoàn thuế mới; tăng cường các biện pháp phi thuế quan; về cơ chế liên thông giữa ngành thuế – hải quan với các cơ quan hành chính.
Thông qua hội nghị, những giải đáp của cơ quan thuế, hải quan sẽ tháo gỡ phần nào khó khăn cho doanh nghiệp, với mục tiêu chung là tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, trong bối cảnh những yếu tố bất lợi của thị trường nước ngoài, gây ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, Bộ Tài chính chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, cùng nhiều khoản phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế, với quy mô khoảng 196 nghìn tỷ đồng trong năm 2023.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính trong đó có ngành thuế, ngành hải quan tiếp tục tích cực triển khai nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, trong thời gian tới, bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức từ những tác động bất lợi chung của kinh tế thế giới, ảnh hưởng tới quá trình hồi phục và phát triển của nền kinh tế.
Do đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp về giảm phí, lệ phí, cân nhắc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu… Trước mắt sẽ tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã và sắp được ban hành.
Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu việc đánh giá, rà soát và sửa đổi, bổ sung các luật về thuế theo đúng Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế.
Với sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và sự triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ của các cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết kết quả thu ngân sách nhà nước đạt những kết quả tích cực. Tính đến hết ngày 12/12, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 1,586 triệu tỷ đồng, bằng 97,65% dự toán.