Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào ngày thứ Năm tuần này vì lạm phát ở Mỹ đang tiếp tục tiến trình giảm về mục tiêu 2% mà các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đề ra. Nhưng giảm lãi suất với tốc độ như thế nào trong thời gian tới đang là một câu hỏi khiến Fed “đau đầu”.
Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9, với mức giảm lớn 0,5 điểm phần trăm. Từ đó đến nay, điều khiến ngân hàng trung ương này trăn trở không phải là có tiếp tục giảm lãi suất hay không mà là giảm lãi suất tới đâu khi cuộc chiến chống lạm phát đang đi dần tới hồi kết.
“Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới: chính sách tiền tệ sẽ bớt thắt chặt hơn theo thời gian, bởi Fed tin tưởng hơn vào đường đi của lạm phát, tin rằng lạm phát sẽ giảm về 2%”, bà Lorretta Mester – người từng có 10 năm giữ cương vị Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland – nhận định với tờ Wall Street Journal.
Lần họp này của Fed – bắt đầu vào ngày thứ Tư và kết thúc vào ngày thứ Năm – được nhận định sẽ không có sự bất ngờ như lần họp trước, cuộc họp mà trước đó, thị trường đã ra sức đồn đoán về lượng giảm lãi suất của lần giảm đầu tiên sau 4 năm. Lần này, giới chức Fed sẽ tránh gây sự chú ý, bởi cuộc họp của họ kết thúc chỉ hai ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và Fed muốn giữ vững lập trường phi chính trị của mình.
Các cuộc họp kéo dài hai ngày của Fed thường kết thúc vào ngày thứ Tư, nhưng cuộc họp lần này sẽ được lùi lại một ngày do bầu cử. Bởi vậy, quyết định lãi suất của Fed sẽ được đưa ra vào ngày thứ Năm.
Dù không “kịch tính” như lần họp trước, tại lần họp này, giới chức Fed sẽ phải đối mặt với những vấn đề gai góc của những tháng tới. Vấn đề thứ nhất là lãi suất nên giảm tới đâu, và vấn đề thứ hai là chính sách của vị tổng thống tiếp theo sẽ ảnh hưởng như thế nào tới triển vọng kinh tế Mỹ và triển vọng lãi suất Fed.
SỰ TRÁI CHIỀU VÀ BẤP BÊNH CỦA DỮ LIỆU
Fed đang đứng trước một bài toán hóc búa về nên tăng hay giảm tốc độ giảm lãi suất trong những tháng tới. Sự hóc búa này xuất phát từ việc thị trường việc làm của Mỹ tiếp tục cho thấy những dấu hiệu của giảm tốc, nhưng tiêu dùng vẫn vững vàng.
Dữ liệu kinh tế Mỹ công bố tuần trước đã cho thấy một bức tranh thiếu đồng nhất. Nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ ổn định 2,8% hàng năm trong quý 3, nhờ tiêu dùng duy trì ở mức cao – trái ngược kỳ vọng về sự suy giảm trong năm qua. Một số nhà kinh tế đã chỉ ra rằng nhịp tăng trưởng vững vàng như vậy của nền kinh tế là một dấu hiệu cho thấy mức lãi suất của Fed không đến mức thắt chặt như đánh giá của nhiều quan chức Fed.
Tuy nhiên, nhu cầu lao động đang dần hạ nhiệt. Tính trung bình, khu vực kinh tế tư nhân của Mỹ chỉ tạo thêm 67.000 việc làm mới mỗi tháng trong kỳ 3 tháng tính đến tháng 10, mức thấp nhất kể từ khi đại dịch xảy ra vào năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp giữ ổn định ở mức 4,1% trong tháng 10, nhưng tỷ lệ người lao động bị sa thải vĩnh viễn tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm, một trong nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu nhân công ít hơn.
Không ai dám chắc những xu hướng này – tiêu dùng ổn định và thị trường việc làm tăng trưởng chậm lại – có thể duy trì trong bao lâu.
Trong một kịch bản lạc quan, tiêu dùng mạnh sẽ tiếp tục giúp ổn định thị trường việc làm thông qua việc duy trì nhu cầu nhân công ở mức cao. Kịch bản này cũng xem sự hạ nhiệt gần đây trên thị trường việc làm là một sự phản ánh quá trình bình thường hóa sau đại dịch và Fed sẽ có thể cắt giảm lãi suất với lượng giảm ít hơn.
Trái lại, trong một kịch bản xấu, tốc độ tăng trưởng thu nhập suy yếu có thể đè nặng lên hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng trong những tháng tới, khiến nền kinh tế dễ sụt tốc và đòi hỏi Fed phải cắt giảm nhiều hơn.
Việc các số liệu kinh tế mới tháng trước được công bố tháng sau lại được điều chỉnh với mức độ thay đổi đáng kể đang làm khó giới chức Fed.
Một số quan chức Fed cho rằng việc cắt giảm lãi suất mạnh tay vào tháng 9 là phù hợp vì lạm phát trước đó đã giảm đáng kể. Trước cuộc họp đó của Fed, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã tăng lên mức 4,3% trong tháng 7 và tốc độ tăng trưởng tiền lương cũng chậm lại. Vào thời điểm đó, người tiêu dùng dường như gần như đã tiêu gần hết tiền tiết kiệm.
Nhưng số liệu điều chỉnh công bố cuộc họp cho thấy mức tăng trưởng thu nhập cao hơn số liệu công bố lần đầu. Kết quả là tỷ lệ tiết kiệm cá nhân đã được điều chỉnh tăng lên, có nghĩa là người tiêu dùng có thể không chưa đến mức cạn tiền. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết tại một hội nghị vào ngày 30/9 rằng số liệu sau điều chỉnh đã “loại bỏ rủi ro suy thoái đối với nền kinh tế” và “đó là những điều chỉnh rất lớn và lành mạnh”.
Ông Powell nói rằng những số liệu khả quan về hoạt động kinh tế có thể khiến các nhà hoạch định chính sách tiền tệ cảm thấy tin tưởng hơn về việc nền kinh tế không suy thoái. Tuy nhiên, ông cũng nói lịch sử cho thấy rằng dữ liệu thị trường lao động phản ánh “bức tranh thời gian thực tốt hơn” về nền kinh tế so với dữ liệu về tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo ông Powell, dữ liệu GDP khả quan “sẽ không khiến chúng tôi bỏ qua việc xem xét kỹ lưỡng dữ liệu thị trường lao động”.
Từ sau cuộc họp tháng 9 của Fed đến nay, đã có thêm 2 báo cáo việc làm được công bố. Trong báo cáo đưa ra vào đầu tháng 10, Bộ Lao động Mỹ cho biết tăng trưởng việc làm của tháng 7 và tháng 8 sau điều chỉnh là mạnh hơn dự báo, đồng thời tăng trưởng của tháng 9 đặc biệt mạnh. Những số liệu này dẫn đến suy đoán rằng Fed có thể phải giảm bớt tốc độ hạ lãi suất trong tương lai.
Nhưng trong báo cáo công bố vào đầu tháng 11, số liệu việc làm của tháng 8 và tháng 9 đã được điều chỉnh giảm. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng tiền lương của tháng 10 yếu hơn nhiều so với dự báo, với nguyên nhân có thể là các cuộc đình công và bão.
FED PHỤ THUỘC VÀO DỮ LIỆU NHƯ THẾ NÀO?
Trước cuộc họp tuần này, giới chức Fed đã cảnh báo rằng không nên điều chỉnh triển vọng lãi suất một cách quá mức dựa trên bất kỳ báo cáo hàng tháng nào. Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn: “Tôi đã nói rằng chúng ta nên kỳ vọng dữ liệu sẽ có sự dao động một chút. Chúng ta có thể nhận được những báo cáo ‘không ổn định’ và câu hỏi sẽ là ‘liệu những số liệu đó báo hiệu một xu hướng mới không?’”
Fed nhiều khả năng sẽ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong tuần này, một phần dựa trên dự báo lạm phát sẽ tiếp tục giảm. Tốc độ lạm phát ở Mỹ đang trên đà chậm lại do giá năng lượng và hàng hóa cơ bản đi xuống. Nhiều quan chức Fed cũng không còn coi thị trường lao động là nguồn gây lạm phát vì tăng trưởng tiền lương đang yếu đi.
Giới chức Fed thường nhấn mạnh rằng các quyết định của họ “phụ thuộc vào dữ liệu”, nghĩa là họ sẽ cập nhật triển vọng lãi suất khi dự báo kinh tế có sự thay đổi. Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước: “Phụ thuộc vào dữ liệu không có nghĩa là phản ứng với dữ liệu. Dữ liệu thị trường việc làm được điều chỉnh tăng hoặc giảm chính là một bài học hay về việc tại sao không thể phụ thuộc vào các điểm dữ liệu riêng lẻ”.
Ông Bostic nói cách tiếp cận phù hợp trong môi trường như vậy là phải “kiên nhẫn và đón nhận những biến động để xây dựng chiến lược và xác định mọi thứ sẽ đi đến đâu”.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/bai-toan-hoc-bua-cua-fed.htm