ADB vừa công bố báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á tháng 7 năm 2023.
Theo ADB, nhu cầu bên ngoài yếu tiếp tục gây áp lực lên sản xuất công nghiệp và chế biến chế tạo của Việt Nam, trong khi các điều kiện trong nước dự kiến sẽ được cải thiện. Lạm phát của Việt Nam được dự báo sẽ chậm lại ở mức 4% trong năm 2023 và 2024.
Trước đó, tại Tọa đàm kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 với chủ đề: “Phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức, các chuyên gia đã chỉ ra những trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế nước ta năm 2023.
Thứ nhất, tổng cầu của các nền kinh tế là đối tác thương mại chính của Việt Nam còn yếu là thách thức không nhỏ đối với các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp tác động bất lợi đến hoạt động kinh tế.
Thứ hai, khu vực doanh nghiệp gặp khó khăn, hoạt động kinh doanh trong bối cảnh đầy khắc nghiệt, thiếu đơn hàng, cạn kiệt vốn, nhiều doanh nghiệp phải bán sản phẩm thấp hơn giá thành để có vốn hoạt động, phải bán rẻ tài sản, bán những gì có thể bán được với giá bằng nửa giá trị thực để tránh khả năng vỡ nợ. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng tăng, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng chững lại.
Bên cạnh đó, đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng chậm lại, khả năng vốn của khu vực ngoài nhà nước suy giảm. Áp lực lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn do chính sách nới lỏng tiền tệ, sức ép tỷ giá hối đoái, tăng lương, sức ép tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục.
Các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần phát triển công cụ tài khóa nghịch, không nên dựa vào chính sách tiền tệ trong giai đoạn cầu yếu.
Đối với các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và Thái Bình Dương, ADB duy trì triển vọng tăng trưởng ở mức 4,8% trong năm nay, do nhu cầu nội địa mạnh mẽ tiếp tục hỗ trợ sự phục hồi của khu vực. Các trường hợp ngoại lệ bao gồm Đông Nam Á, nơi triển vọng được hạ xuống còn 4,6% trong năm nay và 4,9% trong năm tới, so với mức ước tính lần lượt là 4,7% và 5% trong tháng 4.
Lạm phát được dự kiến sẽ tiếp tục giảm, tiến gần về ngưỡng trước đại dịch khi giá nhiên liệu và lương thực giảm, theo nhận định trong báo cáo. Dự báo mức lạm phát ở châu Á đang phát triển là 3,6% trong năm nay, so với mức dự báo 4,2% hồi tháng 4. Trong khi đó, mức lạm phát dự báo của năm 2024 được nâng lên thành 3,4% so với ước tính trước đó là 3,3%.
Việc mở cửa trở lại của Trung Quốc đang thúc đẩy tăng trưởng của khu vực. Dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay, không thay đổi so với mức dự báo hồi tháng 4, giữa bối cảnh nhu cầu nội địa mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ. Tuy nhiên, nhu cầu xuất khẩu hàng điện tử và các hàng hóa chế tạo khác của châu Á đang phát triển đang chậm lại, do chính sách thắt chặt tiền tệ dẫn tới sự trì trệ của hoạt động kinh tế tại các nền kinh tế phát triển chủ đạo. Dự báo tăng trưởng của khu vực năm 2024 được điều chỉnh giảm nhẹ xuống 4,7% so với mức dự báo 4,8% hồi tháng 4.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, nhận định: “Châu Á và Thái Bình Dương tiếp tục phục hồi sau đại dịch với tốc độ ổn định. Nhu cầu trong nước và hoạt động dịch vụ đang tạo đà cho tăng trưởng, trong khi nhiều nền kinh tế cũng đang được hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch. Tuy nhiên, hoạt động công nghiệp và xuất khẩu vẫn còn yếu, dẫn tới triển vọng tăng trưởng và nhu cầu toàn cầu trong năm tới bị suy giảm”.