Hàng trăm người dân đã chen chúc đợi lên tàu Bình Chuẩn tại Cửa Cấm, Hải Phòng khi con tàu do người Việt thiết kế, đóng mới và vận hành hạ thủy vào tháng 9/1920.
Những câu chuyện về Bình Chuẩn và người chủ của nó – “Vua tàu thủy” Việt Nam Bạch Thái Bưởi – được ghi lại trong rất nhiều sách báo, tài liệu còn đến ngày nay.
Hơn một thế kỷ trước, trong khi phần lớn thương mại đường thủy bị các hãng tàu Pháp thao túng, doanh nhân Bạch Thái Bưởi đã dám khởi nghiệp bằng tinh thần “người Việt dùng hàng Việt”, cạnh tranh sòng phẳng với chính quyền thực dân, và giành được lòng tin của đồng bào bằng chính chất lượng dịch vụ.
Trong một thời đại mà biến động toàn cầu không ngừng ảnh hưởng tới từng nền kinh tế, tinh thần yêu nước của doanh nhân không chỉ là phẩm chất đạo đức đáng quý, mà còn là động lực cốt lõi giúp một quốc gia vượt qua thử thách và khẳng định vị thế. Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới, đất nước tròn 50 năm thống nhất. Đây là thời điểm cần thiết để khơi dậy một nguồn lực đặc biệt: lòng yêu nước của giới doanh nhân.
Lịch sử thế giới hiện đại đã nhiều lần chứng minh rằng, trong những giai đoạn khó khăn nhất, giới doanh nhân ở nhiều quốc gia đã hợp lực cùng nhà nước, góp phần thay đổi vận mệnh đất nước họ.
Hàn Quốc sau chiến tranh Triều Tiên từng là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Trong hoàn cảnh đó, Lee Byung-chul, người sáng lập Samsung, đã không chọn con đường nhập khẩu tiêu dùng hay chạy trốn khó khăn, mà đầu tư mạnh mẽ vào công nghiệp và công nghệ. Với triết lý “nếu không có công nghiệp, đất nước này sẽ mãi là kẻ đi sau”, ông cùng tập đoàn của mình đặt nền móng cho sự phục hưng thần kỳ của kinh tế Hàn Quốc.
Năm 1998, trong bối cảnh Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng tài chính nghiêm trọng và buộc phải vay IMF gần 60 tỷ USD, chính phủ Hàn Quốc đã phát động chiến dịch quyên góp vàng từ người dân để trả nợ quốc gia. Kết quả, hơn 3,5 triệu người Hàn Quốc đã tham gia, đóng góp khoảng 227 tấn vàng (ước tính trị giá hơn 2 tỷ USD thời điểm đó). Trong số đó có rất nhiều doanh nhân, người dân thường, cả người già và trẻ nhỏ – nhiều người tự nguyện tháo nhẫn cưới, vòng cổ, kỷ vật gia đình bằng vàng để nộp cho Nhà nước. Đây được xem là một biểu tượng chói sáng về lòng yêu nước và tinh thần cộng đồng của người Hàn trong giai đoạn khốn khó.
Sau Thế chiến thứ hai, nước Nhật bị tàn phá nghiêm trọng. Trong đống đổ nát, Morita Akio đã sáng lập Sony với khát vọng khôi phục danh dự dân tộc thông qua chất lượng và đổi mới. Ông từng nói: “Chúng tôi không chỉ sản xuất sản phẩm. Chúng tôi đang giành lại sự tôn trọng cho nước Nhật”. Sony trở thành biểu tượng không chỉ của công nghệ mà còn của tinh thần quật cường Nhật Bản.
Ở Mỹ, Elon Musk – một doanh nhân toàn cầu – chọn cách đặt các nhà máy sản xuất xe điện Tesla và tên lửa SpaceX ngay tại đất Mỹ, bất chấp chi phí cao. Với ông, sản xuất trong nước không chỉ là chiến lược kinh doanh mà còn là trách nhiệm quốc gia: “Nếu chúng ta không sản xuất ở Mỹ, chúng ta sẽ mất khả năng tự chủ”.
Ở Trung Quốc, chính quyền Đặng Tiểu Bình từng có chủ trương kêu gọi các doanh nhân thành đạt ở nước ngoài trở về xây dựng đất nước. Những người như Nhậm Chính Phi (Huawei), Mã Vân (Alibaba), dù từng chịu nhiều áp lực từ cả thị trường lẫn chính trị, vẫn luôn đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, hướng đến việc làm chủ công nghệ, bảo vệ chủ quyền số.
Trong lịch sử Việt Nam, khi đất nước còn chìm trong bóng tối thực dân, nhiều doanh nhân đã chọn con đường gian nan để gây dựng cơ nghiệp không chỉ cho bản thân mà còn cho dân tộc.
Đó là Bạch Thái Bưởi, người được mệnh danh là “ông vua tàu thủy” của Việt Nam đầu thế kỷ 20. Ông không chỉ khởi nghiệp thành công trong ngành vận tải mà còn dấn thân cạnh tranh với các hãng tàu Pháp ngay trên sông nước Việt Nam bằng tinh thần “người Việt dùng hàng Việt”. Bạch Thái Bưởi từng treo khẩu hiệu trên mỗi con tàu của mình: “Người ta thì đi tàu của ta” – một lời kêu gọi đầy tự hào và tỉnh thức lòng yêu nước trong nhân dân.
Hay như Trịnh Văn Bô – một nhà tư sản Hà Nội – đã đóng góp gần 5.000 lượng vàng cho Chính phủ Hồ Chí Minh trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, góp phần quan trọng giúp chính quyền non trẻ vượt qua khủng hoảng tài chính. Ông không chỉ coi doanh nghiệp là công cụ làm giàu, mà còn là phương tiện phụng sự Tổ quốc.
Những doanh nhân yêu nước như vậy đã trở thành tấm gương truyền cảm hứng cho các thế hệ tiếp theo. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến lớp doanh nhân Việt từng bươn chải trên đất Nga, Ba Lan, Czech, Đức… cuối thế kỷ 20. Họ là những người tay trắng khởi nghiệp trong thời kỳ bao cấp, từng đứng chợ trời, khuân vác, làm thuê ở xứ người, tích cóp từng đồng ngoại tệ với khát vọng trở về xây dựng quê hương. Không ít người trong số họ sau này trở thành những người tiên phong mở nhà máy, tạo việc làm, đưa công nghệ về nước và đóng góp vào công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam trong những năm đầu Đổi mới. Họ không chỉ mang theo vốn liếng, mà còn mang theo ý chí và tinh thần dân tộc tôi luyện từ nơi đất khách. Họ làm kinh doanh không chỉ vì thuần túy lợi nhuận, mà xem đó là con đường để đất nước thoát nghèo, để khẳng định bản lĩnh dân tộc và để đồng hành cùng vận mệnh quốc gia.
Trách nhiệm với đất nước của doanh nhân không chỉ nằm ở những tuyên bố hùng hồn, mà thể hiện trong từng hành động cụ thể: đầu tư vào sản xuất trong nước, cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài, xây dựng thương hiệu Việt trên trường quốc tế, tạo việc làm cho người dân, và đóng góp cho sự phát triển bền vững.
Trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nâng cao năng suất và chuỗi giá trị là những mục tiêu sống còn. Để làm được điều đó, đất nước cần đến một thế hệ doanh nhân không chỉ giỏi giang mà còn giàu tinh thần dân tộc.
Đại lễ 50 năm thống nhất đất nước là thời điểm để nhắc nhớ rằng, lòng yêu nước không chỉ tồn tại trong chiến hào, mà còn hiện diện ở nhà máy, trên thương trường, trong từng thương hiệu Việt vươn ra thế giới.
Đinh Hồng Kỳ
Nguồn tin: https://vnexpress.net/yeu-nuoc-tren-thuong-truong-4881231.html