Quyết định miễn học phí trường công là tin vui làm nức lòng phụ huynh, thầy cô giáo và những người quan tâm đến giáo dục.
Đã lâu lắm mới có một thế hệ học sinh được “tay không đến trường”, không lo học phí. Nhưng khi ý tưởng về việc hỗ trợ học phí cho cả học sinh dân lập, tư thục được đưa ra, câu hỏi về tính khả thi và mục tiêu của chính sách cũng cần được đặt ra để tính toán lợi ích tối ưu của lựa chọn này.
Theo lý giải cơ quan đề xuất – Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc hỗ trợ học phí cho cả trẻ mầm non và học sinh phổ thông tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục nhằm đảm bảo sự thống nhất và công bằng cho tất cả người học.
Quan điểm này có khía cạnh hợp lý nhất định, xuất phát từ thực tế, một số nơi – chủ yếu là những đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM – đang thiếu trường công lập. Tuy nhiên, Luật Giáo dục 2019 có quy định “ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định” (khoản 3, Điều 99). Nay quy mô miễn học phí mở ra đến cấp THPT, Điều 99 có thể sửa đổi mức hỗ trợ đến cấp học tương đương.
Giải pháp hoàn hảo hơn, theo tôi, là trường thiếu thì xây thêm, bằng cách giải phóng quỹ đất ở các khu vực có mật độ dân cư cao, đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục công bằng cho trẻ.
Tóm lại, hỗ trợ học phí trường tư chỉ nên áp dụng trong tình huống không có trường công và trường tư là lựa chọn duy nhất trong vùng.
Học trường tư thường là lựa chọn tự nguyện của cha mẹ học sinh. Quyết định này dựa trên những cân nhắc kỹ lưỡng về cả khả năng chi trả và môi trường học tập, triết lý giáo dục… theo mong đợi của gia đình.
Hơn nữa, đa số trường tư thục ở Việt Nam hoạt động vì lợi nhuận, chỉ một số ít đăng ký hoạt động hoặc cam kết hoạt động phi lợi nhuận. Với các trường vì lợi nhuận, mục tiêu là cung cấp dịch vụ giáo dục theo nhu cầu và tuân theo quy luật cung cầu của thị trường. Có những trường tư tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM… có mức học phí hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Việc trợ phí cho học sinh các trường này không có nhiều ý nghĩa như với học sinh trường công.
Ngoài ra, trong khi trường công thu học phí theo quy định rõ ràng (có mức trần), học phí trường tư là sự thỏa thuận riêng giữa người học và trường học, không có “trần”. Nếu khoản hỗ trợ của Nhà nước cho học sinh trường tư được vài trăm nghìn hay vài triệu đồng mỗi năm, nhưng (vì biết thế), các trường lại nâng học phí lên thì học sinh cũng như không được giảm. Do vậy, việc hỗ trợ từ ngân sách trở nên ít ý nghĩa, chưa kể cách thức triển khai sẽ khá phức tạp: học sinh nhận trợ cấp từ Nhà nước rồi trả cho trường tư, hay trường tư báo cáo số lượng học sinh của trường mình rồi trực tiếp nhận trợ cấp của nhà nước.
Ở cả Anh và Mỹ, chính phủ có thể hỗ trợ cho trường ngoài công lập nếu các trường này hỗ trợ giảm tải cho trường công, và trường ngoài công lập thường nhận được hỗ trợ tài chính dựa trên số lượng học sinh ghi danh.
Miễn học phí trường công là một nỗ lực vượt bậc của Nhà nước. Tôi cho rằng, phụ huynh cũng sẽ không đòi hỏi gì nhiều hơn trong bối cảnh đất nước còn bộn bề khó khăn.
Đề xuất hỗ trợ học phí ngoài công lập là một mong muốn tốt đẹp khác, hướng tới sự công bằng cho những học sinh không thụ hưởng nền giáo dục công. Tuy vậy chi ngân sách cần xét đến lợi ích và hiệu quả tổng thể mang lại cho toàn xã hội.
Vì thế, nếu có thêm ngân sách cho giáo dục, tôi có đề xuất khác.
Học sinh Việt Nam còn rất nhiều thứ cần được hỗ trợ để đảm bảo việc học hiệu quả và an toàn. Trước hết, các em cần xe buýt miễn phí hoặc trợ phí để đi học hàng ngày thay vì ngồi trên lưng xe máy theo cha mẹ đến trường, vốn nguy hiểm hơn nhiều vì dễ xảy ra tai nạn. Chúng ta đã và đang gặp khó khăn khi bàn về trường học một hoặc hai buổi mỗi ngày, vì cần có sự sắp xếp phù hợp với cả nhà trường và gia đình. Nếu bắt học hai buổi mà trường không có bữa ăn bán trú, thì các em sẽ đi lại như thế nào? Một ngày đưa đi, đón về tổng cộng bốn lần sẽ làm gián đoạn công việc của cha mẹ, người lớn, đồng thời làm tăng rủi ro tai nạn giao thông vì các em phải dành rất nhiều thời gian di chuyển trên đường.
Kế tiếp, các em rất cần được hỗ trợ bữa ăn đủ dinh dưỡng ngay tại trường, lý tưởng nhất là hoàn toàn miễn phí. Bữa ăn nóng ở trường học có ý nghĩa rất quan trọng với việc phát triển thể lực của học sinh, và ảnh hưởng lâu dài đối với cả đời người. Trong rất nhiều trường hợp, bữa ăn là sự trợ giúp to lớn với các học sinh nghèo. Nếu bữa ăn của trường học được cung cấp miễn phí, chất lượng không bị bớt xén, được thiết kế với chuẩn dinh dưỡng tốt hơn bữa ăn ở nhà của nhiều gia đình thiếu điều kiện, nó sẽ làm cho trường học trở thành ngôi nhà thứ hai của học sinh, và trực tiếp hỗ trợ được cho các gia đình khó khăn nhất.
Nhật Bản đã thực hiện bữa ăn học đường 7 thập kỷ qua và góp phần tạo nên những kỳ tích về biến đổi thể chất con người nơi đây. Còn xe buýt chở học sinh tại Mỹ đã bền bỉ phục vụ suốt hơn 8 thập kỷ.
Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển xã hội công nghiệp, cũng sẽ cần dịch vụ trường học được tổ chức theo hướng hiện đại để phục vụ người dân và học sinh, để cha mẹ có thể yên tâm với việc học của con ở trường, chuyên tâm vào công việc.
Bùi Khánh Nguyên
Nguồn tin: https://vnexpress.net/xe-buyt-va-bua-an-mien-phi-4873280.html