Sau buổi làm việc cuối cùng của năm, tôi chào đồng nghiệp để lên xe về nhà.
Lái xe chỉ một quãng đường ngắn, qua sông Mã là tôi đã thấy nhớ bệnh viện, nơi tôi làm việc nhiều năm qua. Mảnh đất này đã từng ngày chinh phục tâm hồn tôi, đủ khiến tôi cảm thấy “đi thì nhớ, ở thì thương”.
Hai bên đường các thửa ruộng đã cấy xong, lúa bắt đầu phủ xanh. Trời rét cắt da cắt thịt, người nông dân vẫn ra đồng cấy cho xong trước Tết. Qua các cánh đồng là những con đường được mở rộng, trải nhựa mới. Các thị tứ ven đường đang chỉnh trang, lát đá vỉa hè, ra dáng phố thị. Những ngôi nhà mái Thái mang dáng dấp biệt thự vườn mọc lên ngày một nhiều.
Đất này xưa kia là một vùng quê nghèo, người dân thường bỏ xứ đi làm ăn khắp nơi: ra Hà Nội, vào TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Hầu như gia đình nào cũng có người đi làm ăn xa. Nhiều nhà chỉ còn người già và trẻ em. Trong khoa nhi tôi làm, trẻ em nằm viện toàn ông bà đi trông, bố mẹ chúng đi làm ăn xa.
Miền đất này rộng lớn – có biển, có đồng bằng, có cả núi cao, một vùng địa linh nhân kiệt, vùng đất phát tích của người Việt cổ, nơi sinh ra bốn triều đại – hẳn phải là một vùng đất quý, sao con cháu cứ bỏ xứ ra đi.
Dù chậm, cuối cùng vùng đất này cũng chuyển mình.
Nhiều người con đi làm ăn xa nay lục tục mang tiền về xây dựng quê hương. Đầu tiên là xây lại ngôi nhà. Nhiều ngôi nhà mới mọc lên, không kém những biệt thự ở các thành phố lớn; có cả khoảng sân vườn xanh mát vây quanh.
Các khu công nghiệp cũng hình thành. Sáng chiều, công nhân đi làm đông nghịt đường. Trong bệnh viện các ông bà đi trông cháu bây giờ khuôn mặt đã giãn ra, không còn đăm chiêu như trước. Hỏi bố mẹ của trẻ đâu, ông bà hãnh diện khoe, “bố mẹ cháu đi làm công ty”.
Ở miền quê này được đi làm công ty là một niềm tự hào. Thu nhập của công nhân ngoài lương chính còn có tiền tăng ca, tiền chuyên cần… tổng cộng một tháng cũng gần chục triệu, là cả một khoản lớn so với làm ruộng trước kia.
Đời sống của một vùng quê đi lên cuối cùng cũng phả vào nơi tôi đang làm việc. Trước kia mỗi lần bệnh nhân ra viện là một lần tôi khổ tâm, khi nhìn những khuôn mặt người nông dân đăm chiêu, chậm rãi lần dò từng dòng trên hóa đơn thanh toán, xem chữa gì mà đắt thế. Bây giờ thì khác hẳn. Các ông bà bế cháu vào viện đều phóng khoáng, bảo “ông cứ chữa thuốc nào tốt nhất cho cháu”. Nhiều nhà còn hỏi phòng VIP, nằm lâu không chịu ra viện.
Chuyến xe về nhà cuối năm của tôi chạy chầm chậm, giữa đường phố đông đúc. Càng về gần tới Hà Nội đường càng đông, phố càng tắc. Sự thư thái, nhẹ nhõm ban đầu của tôi dần bị chen lấn bởi những lo âu, nỗi buồn không nhỏ.
Đất thủ đô thu hút cả nhân tài hội tụ lẫn người tứ xứ về kiếm kế sinh nhai. Hà Nội vì thế ngày càng quá tải. Khói bụi ô nhiễm tăng dần lên từng năm, tắc đường kẹt xe cũng ngày một nghiêm trọng, sông Tô Lịch và các sông nội đô hoá thành cống thải lộ thiên từ bao giờ không ai còn nhớ. Chủ trương di dời trường đại học bệnh viện ra ngoại ô đã có bao nhiêu năm nay mà hiếm thấy ai đi, thậm chí còn xây to thêm. Nhà máy nào di dời được ra ngoại thành thì thay vào đó là các khu nhà cao tầng mọc lên, chất thêm tải vào hạ tầng đô thị vốn đã quá ọp ẹp.
Người xưa có câu “vật cùng tắc biến”, nghĩa là sự vật khi phát triển đến đỉnh điểm thì sẽ phải biến đổi. Thời gian không đợi con người. Tôi tự an ủi rằng thành phố đang bắt đầu chuyển mình, từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn hơn.
Đầu tiên là nhiều đường phố được phun nước rửa đường hàng ngày, một việc mà mấy chục năm nay giờ mới thấy lại.
Sông Tô Lịch sau bao năm ô nhiễm giờ đang đứng trước cơ hội tái sinh. Hệ thống cống thu gom nước thải và nhà máy xử lý nước thải đang hoàn thành, việc lấy nước sông Hồng vào cấp nước cho sông Tô đang được lên kế hoạch triển khai quyết liệt.
Nhà máy đốt rác thải công nghệ cao 5.000 tấn một ngày của Hà Nội, là nhà máy lớn nhất cả nước, đang được kỳ vọng giải quyết thách thức cho Hà Nội về rác thải. Giờ là lúc thành phố phải có chế tài cứng rắn với việc đốt rác thải tự phát ở ngại thành, gây khói mù mịt mỗi buổi chiều.
Thành phố đang thành lập vùng phát thải thấp, khuyến khích chuyển sang các phương tiện giao thông xanh. Nhiều đường mới, cầu vượt, hầm chui, khu dân cư đang được triển khai, trong năm nay đưa vào sử dụng sẽ mang lại diện mạo mới cho Hà Nội.
Dù vậy, trên truyền thông cuối năm còn ngổn ngang ý kiến khác nhau về quốc kế dân sinh lẫn chuyện đạo đức xã hội. Kinh tế tăng trưởng tốt, số thu rất ấn tượng nhưng xét ra phần đóng góp của doanh nghiệp trong nước chưa cao. Tư nhân kinh doanh vẫn khó khăn, cửa hàng trên các mặt phố lớn bị trả nhiều, những biện pháp cải cách làm một số người mất việc đang tâm tư, sức mua xã hội chưa cao, gần Tết rồi mà đào quất còn ế nhiều… Gần Tết, cái chết của một người giao hàng ở Đà Nẵng cũng đặt ra nhiều câu hỏi về đạo đức xã hội.
Nếu nhìn vào từng câu chuyện trăn trở trên thì khó mà vui nổi. Nhưng Tết đến, ta vẫn thấy len lỏi trong tâm tư một niềm vui nhẹ nhàng. Niềm vui của hy vọng. Năm nay tôi nghĩ sẽ khác với những năm trước, tôi có cơ sở để tin rằng nhiều chuyện vui sẽ đến, bởi những quyết sách táo bạo, những cách làm quyết liệt như tôi chứng kiến thời gian gần đây, từ thành thị cho tới nông thôn.
Quan Thế Dân
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ve-nha-cuoi-nam-4843854.html