Một lần tôi đi uống với bạn. Sau khi đã uống khá nhiều, chúng tôi bắt đầu học tiếng Việt.
Tôi nhớ bạn nói đại ý: khác với tiếng Anh, trong tiếng Việt, tính từ theo sau danh từ, ví dụ “ếch xanh” chứ không phải “green frog”. Tôi lúc bấy giờ mới sang Việt Nam được một thời gian, tiếng Việt chưa tốt, nên chỉ ậm à ậm ừ, nhưng đã cảm thấy lo lắng “thế thì mình sẽ không bao giờ hiểu được suy nghĩ của người Việt Nam”.
Quả thật, sau này trong một lần nhìn thấy chú ếch trước nhà, não tôi lập tức bật chế độ ôn tập từ vựng, nhưng cố lắm, tôi vẫn không thể xác định nổi, rốt cuộc là ếch xanh hay xanh ếch.
Bạn bè hay sinh viên nước ngoài của tôi cũng gặp vô số tình huống oái oăm. Chẳng hạn thế này: David chân đang xoắn quẩy lên, vừa đi vừa chạy cho kịp, thì bị một người bạn Việt Nam gọi giật lại “David, đi đâu đấy?”.
Thế là David mặt đỏ lựng lên, ấp úng: “Không trả lời được, chuyện cá nhân riêng tư”.
David lúc đó đâu có hiểu được, để chào nhau, người Việt có thể hỏi “đi đâu đấy?”, “đang làm gì đấy”… Nhưng cái bụng đang sôi sục lên, thì mình hoàn toàn có thể vẫy tay một cái, cười duyên rồi nhanh chóng chạy đi giải quyết chuyện gấp, có nhất thiết phải trả lời chi tiết đâu.
Tôi từng nhiều lần nản lòng trong thời gian vật lộn học tiếng Việt trong sách vở và trên các lớp học, đặc biệt là khi mọi người còn hù dọa “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Có thật là đáng sợ hơn cả bão táp không, tôi hỏi lại, và mọi người luôn khẳng định chắc nịch “đúng thế”.
Nhưng sau khi va chạm với những tình huống khó ngờ về ngôn ngữ khi sống ở đất nước này, tôi cảm thấy điều mà tôi thực sự gọi là “The Great Language Wall of Vietnam” (Vạn lý trường thành trong tiếng Việt) đối với người nước ngoài, hơn cả ngữ pháp, là phát âm. Nhiều người ngoại quốc am tường tiếng Việt, viết đúng ngữ pháp nhưng không phải ai cũng vượt qua được bức tường thành này. Và điểm yếu sẽ lộ rõ khi bạn tiếp xúc với thứ tiếng Việt đa dạng, sống động và vô cùng biến hóa của đời thường. Nói tiếng Việt rõ ràng dễ nghe dễ hiểu, tránh bị người ta chọc quê “hiểu chết liền” tức là bạn đã đạt “cấp độ thượng thừa” về ngôn ngữ này (với một người nước ngoài).
Tương tự, khi phát âm đủ tốt, bạn mới đủ khả năng để hiểu đầy đủ sắc thái ý nghĩa của người nói, có thể ẩn kín đằng sau bề mặt từ ngữ. Cho tới khi thấy bạn bè người Việt dặn nhau “đừng nói xấu Jesse, ổng hiểu hết đấy”, tôi bắt đầu tự tin “À, tiếng Việt của mình cũng ổn đấy”. Tất cả là nhờ tôi đã không giữ khư khư nỗi sợ và sự ám ảnh về thứ tiếng Việt sách vở, mà dần dà thả lỏng bản thân, để trí óc và tâm hồn thoải mái biểu đạt trong dòng chảy ngôn từ này.
Tôi trình bày phần đầu hơi dài dòng, vì tôi tin rằng nó có liên quan đến chuyện chính tôi sắp nói tới: cách người Việt học tiếng Anh.
Trung tâm tiếng Anh mọc lên như nấm dày đặc khắp mọi nơi ở Việt Nam. Trong bán kính 2 km từ nhà tôi ở Nhà Bè, tôi có thể đi bộ dưới năm phút tới được hai trung tâm tiếng Anh. Người Việt học tiếng Anh từ bé, học tới ngoài tuổi 40, học hoài, mà phần lớn không thực sự sử dụng được ngôn ngữ này.
Khoảng 10 năm trước, mẹ từng đến Việt Nam thăm tôi. Những người hàng xóm thân thiện tới hỏi thăm mẹ bằng những câu đơn giản như “How are you?” nhưng mẹ nghe không thể hiểu nổi, chưa nói tới những câu phức tạp hơn.
Vì nhiều lý do, người Việt quá chú tâm vào ngữ pháp.
Phương pháp dạy tiếng Anh tại Việt Nam cũng lấy “ngữ pháp” và “từ vựng” làm gốc, trong khi nền tảng cho việc sử dụng tiếng Anh hiệu quả lại nằm ở phần “phát âm” và nghe nói.
Tôi hoàn toàn không phủ nhận tầm quan trọng của việc học ngữ pháp, nhưng bạn đừng coi đó là tất cả, trừ khi bạn định trở thành nhà văn hoặc nhà thơ sáng tác bằng tiếng Anh. Học sinh, sinh viên Việt Nam có thể đạt điểm số rất cao trong các kỳ thi tiếng Anh, nhưng khi cần giao tiếp trong công việc hoặc ra nước ngoài du học, họ vẫn lúng túng, thiếu tự tin như gà mắc tóc khi sử dụng tiếng Anh.
Một số trung tâm dạy tiếng Anh góp phần khiến cho tình trạng này trở nên trầm trọng, khó sửa chữa hơn, vì họ không chú trọng đến cách làm thế nào để dạy và học tiếng Anh hiệu quả.
Trước khi tới Việt Nam, tôi từng dạy tiếng Anh ở Nhật. Ở đó, chúng tôi có môi trường làm việc tuyệt vời giữa các giáo viên Nhật Bản và phương Tây. Giáo viên người Nhật tập trung vào ngữ pháp và viết, giáo viên người nước ngoài chịu trách nhiệm về phát âm và nói.
Nhưng ở Việt Nam không được như vậy. Tôi từng dạy tiếng Anh ở các trung tâm và cuối cùng đã phải bỏ cuộc. Một số đồng nghiệp của tôi ví von, công việc dạy tiếng Anh ở Việt Nam có thể “soul crushing” (nghiền nát tâm hồn) bạn.
Một số trung tâm hầu như không phân định rõ, chẳng hạn người nước ngoài nên dạy cái này, người Việt dạy cái kia.
Sau một thời gian dạy học, nhận thấy học sinh không thể nói được bốn câu tiếng Anh liên tục, tôi bèn thiết kế giáo trình riêng rất công phu, mục đích để học sinh có thể “nói tiếng Anh được”. Bọn trẻ thích và cải thiện khả năng nói, phát âm rõ rệt. Nhưng rồi tôi bị khiển trách, bị phạt tiền, chỉ vì không theo giáo trình của họ.
Những chuyện như thế làm khô cạn tâm huyết và đam mê dạy học của tôi. Tôi có thể làm gì hơn cho những học sinh sợ nói, nếu thất bại trong việc kích thích tình yêu ngôn ngữ của họ.
Ngày nay, với sự phát triển của AI, robot dạy và dịch tiếng Anh sẽ trở nên phổ biến. Không cần học, bạn cũng có thể dễ dàng đọc hiểu ngoại ngữ, nhưng bạn chỉ có thể làm chủ một ngôn ngữ, nếu thực sự đắm mình vào lời ăn tiếng nói của nó.
Là người từng dạy tiếng Anh và đã học tiếng Việt bằng tất cả sự say mê, bất chấp độ khó phong ba bão táo của ngôn ngữ này, tôi muốn nhấn mạnh tới sự độc hại của việc quá xem trọng, thiên vị ngữ pháp khi học một ngoại ngữ.
Ngôn ngữ là một thực thể sống, không phải tử ngữ trên giấy tờ. Nếu chỉ dạy và học vì mục tiêu điểm số hay bằng cấp trước mắt, tôi thực sự lấy làm tiếc cho thời gian và tiền bạc của bạn.
Jesse Peterson
(Nguyên tác tiếng Việt)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/vat-lon-voi-tieng-anh-4779392.html