Sát Tết, trong chuyến giám sát hoạt động của một dự án hỗ trợ hòa nhập cho người khuyết tật ở các tỉnh miền Trung nhận nguồn từ Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ – USAID, tôi và nhiều đồng nghiệp còn thảo luận về những điều đã làm được và những gì cần làm tốt hơn.
Chúng tôi cùng lên lịch cho các chuyến giám sát tiếp theo trong tháng 2. Nhưng chỉ ba tuần sau, tôi phải nói lời chia tay với hầu hết đồng nghiệp trong số đó.
Ngay sau các động thái đầu tiên mà chính quyền Tổng thống Donald Trump nhắm vào USAID, hàng chục tỷ USD viện trợ nước ngoài lập tức bị đóng băng trên toàn thế giới. Cú sốc về nguồn cung vốn viện trợ này ảnh hưởng sâu rộng đến hiện tại và cả tương lai của rất nhiều chương trình phát triển đa lĩnh vực và cứu trợ nhân đạo tại hơn 100 quốc gia mà USAID đang hoạt động.
Đồng nghiệp của tôi ở nhiều tổ chức khác nhau tại Việt Nam đã tham gia vô số cuộc họp và nhận mỗi ngày một cập nhật về tương lai của tổ chức. Một số đã được thanh lý hợp đồng, một số bắt đầu nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp, số khác đã tìm hiểu những công việc mới ở địa phương. Một đối tác của tôi trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng phải chuẩn bị gấp rút thủ tục chia tay khoảng 80% nhân viên. Nhiều tổ chức nhỏ và ít nguồn tài trợ cầm chắc trong tay kịch bản đóng cửa. Một số tổ chức nằm trong diện miễn trừ nhưng vẫn chịu tác động bởi bối cảnh bất định về nguồn trả lương nhân viên.
USAID đang đối mặt với các cáo buộc nghiêm trọng từ chiến dịch đòi xóa sổ tổ chức này. Tôi không có đủ thông tin để bình luận. Thẳng thắn mà nói, chúng ta đều hiểu rằng không có bữa trưa nào miễn phí. Khoản viện trợ nước ngoài nào cũng có thể có những lợi ích ngầm riêng.
Trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama và ông Biden, USAID được nâng tầm vị thế nhằm vừa củng cố an ninh quốc gia, vừa làm nền tảng chính sách đối ngoại của Mỹ. Vì vậy, thông qua hoạt động cứu trợ nhân đạo và phát triển quốc tế, USAID đã xác lập vị thế dẫn đầu, tăng cường sự hiện diện, nâng cao sức ảnh hưởng và quyền lực mềm của Mỹ đối với các quốc gia nhận viện trợ.
Điều này mang lại gì cho Mỹ? Về quyền lực mềm, đó là cơ hội truyền bá các giá trị Mỹ, xây dựng quan hệ và niềm tin sâu rộng với các bên liên quan, đặc biệt là giới tinh hoa và giới lãnh đạo tương lai của các nước nhận viện trợ. Về chính sách đối ngoại, là cơ hội tăng cường ảnh hưởng tại các quốc gia có địa chính trị quan trọng, gắn viện trợ với các lợi ích kinh tế Mỹ, và luôn để mắt trông chừng sự trỗi dậy của các nguồn viện trợ khác từ các đối thủ của Mỹ.
Thực tế còn cho thấy, viện trợ nhân đạo giúp gia tăng thiện cảm của người dân địa phương với quốc gia viện trợ và nâng cao vị thế quốc tế cho họ. Các chương trình tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, giáo dục và phát triển cộng đồng sẽ giúp phòng ngừa các nguy cơ bất ổn và bất mãn xã hội, từ đó ngăn rủi ro hình thành chủ nghĩa cực đoan hay khủng bố.
Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump có thể không nuôi dưỡng giấc mơ siêu anh hùng trong vũ trụ điện ảnh Marvel nữa. Họ vẫn giàu, nhưng không muốn cứu cả thế giới. Những việc đang xảy ra với USAID là một phần của triết lý quản trị này.
Thông thường, các nhà tài trợ lớn sẽ có lộ trình giảm dần viện trợ và thông báo từ trước, nên việc đường đột xảy ra với USAID quả là cú sốc cho tất cả bên liên quan, đặc biệt là các tổ chức phụ thuộc lớn vào nguồn này để vận hành quản lý, trả lương nhân viên, và triển khai hoạt động.
USAID viện trợ cho Việt Nam dao động 150 triệu USD mỗi năm. Chúng ta còn những nguồn viện trợ nước ngoài khác. Theo một báo cáo tại Hội nghị chia sẻ thông tin về công tác phi chính phủ nước ngoài năm 2024, có khoảng 380 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, với tổng giá trị viện trợ đạt 228,8 triệu USD. Ba lĩnh vực viện trợ lớn nhất là giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển kinh tế – xã hội và y tế, tập trung tại các khu vực khó khăn như Bắc Trung Bộ, Đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc. Hãy thử làm một bài tập nhỏ: Nếu thiếu đi những nguồn tài chính bên ngoài này, các vấn đề xã hội sẽ được giải quyết bằng cách nào với nguồn lực trong nước?
Cách đây 15 năm, khi tôi chân ướt chân ráo vào nghề, do Việt Nam vừa trở thành nước có thu nhập trung bình thấp nên các NGO và tổ chức phát triển cộng đồng cũng đã trải qua giai đoạn bị giảm viện trợ và kết thúc nhiều dự án trên diện rộng. Để thích ứng với tình hình đó, nhiều NGO đã chuyển đổi thành các mô hình khác, ví dụ như doanh nghiệp xã hội để tự có thêm nguồn thu, giảm dần sự phụ thuộc vào nước ngoài. Các dự án bắt đầu được thiết kế lại, quan tâm nhiều hơn đến sự bền vững của cộng đồng khi xây dựng năng lực cho họ tự giải quyết vấn đề của mình.
Nhìn theo hướng tích cực, đây là một cơ hội nữa để chúng ta được thử thách trong bối cảnh đòi hỏi phải dần tự chủ nguồn tài chính. Muốn làm được điều này, tôi cho rằng Việt Nam cần kiến tạo môi trường chính sách đủ cởi mở để khuyến khích sự tham gia, trân trọng các sáng kiến và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức NGO và phát triển cộng đồng vào việc nhận diện và giải quyết các vấn đề phúc lợi xã hội cùng với Nhà nước.
Thứ nhất là cần xây dựng các chương trình tài trợ bằng ngân sách công dành cho sáng kiến từ các tổ chức xã hội khi tham gia chung tay cùng nhà nước giải quyết vấn đề xã hội gắn với giá trị công.
Thứ hai là kiến tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội. Mô hình này về lý thuyết sẽ giúp giải bài toán “Tiền ở đâu để phục vụ cộng đồng?”. Các doanh nghiệp xã hội có nguồn thu qua hoạt động kinh doanh và cam kết tái đầu tư ít nhất 51% lợi nhuận sau thuế để phục vụ cộng đồng. Tuy vậy, trong thực tế, sau 11 năm được công nhận địa vị pháp lý theo Luật Doanh nghiệp 2014, đa phần doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam vẫn gặp nhiều vướng mắc và lúng túng trong quá trình vận hành và tuân thủ các quy định. Muốn thúc đẩy sự tham gia của nhóm này, cần nhiều hơn ưu đãi về thuế cũng như tiếp cận tài chính thay vì yêu cầu họ tuân thủ luật như một doanh nghiệp truyền thống như hiện nay. Thêm vào đó, Nhà nước cũng cần có cơ chế trợ giúp tư vấn cho các doanh nghiệp xã hội về quản trị và pháp lý, nâng cao năng lực về trách nhiệm giải trình hoạt động và quản lý tài chính. Nếu thực hiện được các việc này, các doanh nghiệp xã hội được kỳ vọng đủ điều kiện tham gia các gói thầu cung ứng dịch vụ công.
Một chìa khóa khác mở ra cánh cửa tài trợ hoặc hợp tác dịch vụ cho các tổ chức NGO và doanh nghiệp xã hội, là xu hướng pháp lý hóa của Việt Nam và quốc tế về thực hành kinh doanh có trách nhiệm (RBC) hoặc trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) đối với các nhóm yếu thế mà các doanh nghiệp đang phải tuân thủ trong 10 năm gần đây.
Các doanh nghiệp truyền thống có thể cần đến chuyên môn và cách tiếp cận về phát triển cộng đồng của các tổ chức NGO để thực hiện các trách nhiệm xã hội một cách đúng đắn về phương pháp và hiệu quả về nguồn lực. Tôi muốn lấy ví dụ về câu chuyện của tổ chức DRD với sự hợp tác cung cấp dịch vụ chuyên môn về hòa nhập cho Uniqlo Việt Nam khi tuyển người khuyết tật vào làm việc trong các cửa hàng của họ. Đó là dạng hợp đồng dịch vụ mà thị trường đã mở ra cho các tổ chức có khả năng thích ứng với sự thay đổi mà vẫn tận dụng được chuyên môn và năng lực quản trị của mình.
Một cánh cửa có thể sẽ đóng lại, nhưng nếu các bên liên quan kiên định với các giá trị đã cam kết và nỗ lực để thích ứng trong bối cảnh mới, tôi tin vẫn còn nhiều cánh cửa khác sẽ mở ra.
Nguyễn Hoàng Khánh Tiên
Nguồn tin: https://vnexpress.net/usaid-te-liet-4847465.html