Trong một bữa ăn tối gia đình vào cuối năm vừa rồi, cô con gái 12 tuổi của tôi khiến cả nhà bất ngờ khi hào hứng giải thích về những gì con đã học được ở trường Quốc tế Pháp về “greenwashing” và “greenhushing”.
Chia sẻ của con khơi dậy một cuộc thảo luận sôi nổi, làm chúng tôi ấn tượng với việc trẻ em ở các nước phát triển hiện nay đã được giáo dục về những khái niệm này trong chương trình học, ngay từ khi còn rất nhỏ.
Trong khi Việt Nam và nhiều quốc gia đang phát triển khác vẫn đang nỗ lực để đưa các khái niệm như ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị), kiểm kê khí nhà kính, năng lượng tái tạo, tái chế và kinh tế tuần hoàn vào thực tiễn, thì thế giới phát triển đã tiến xa hơn. Họ không chỉ tập trung vào việc xây dựng nền kinh tế xanh mà còn xem xét đến những mặt trái của nó. Greenwashing và greenhushing chính là hai hiện tượng tiêu biểu cho những thách thức này, định hình nhận thức của người tiêu dùng và trách nhiệm giải trình của các doanh nghiệp.
Greenwashing (Tẩy xanh) được hiểu là hành vi mà các công ty thổi phồng hoặc bịa đặt các cam kết bảo vệ môi trường để tạo ấn tượng họ thân thiện với môi trường. Những tuyên bố sai lệch này nhằm thu hút những người tiêu dùng quan tâm đến vấn đề sinh thái nhưng thường bị vạch trần bởi các cuộc điều tra. Một ví dụ điển hình là vụ bê bối của Volkswagen vào năm 2015, khi hãng xe bị phát hiện cài đặt phần mềm gian lận trong các xe diesel để qua mặt các bài kiểm tra khí thải. Thực tế, các xe này thải ra nhiều chất ô nhiễm hơn so với tiêu chuẩn công bố. Vụ việc không chỉ khiến Volkswagen phải chịu khoản phạt khổng lồ mà còn làm tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của hãng.
H&M cũng gặp phải cáo buộc tương tự khi giới thiệu bộ sưu tập “Conscious” với tuyên bố sử dụng chất liệu tái chế và hữu cơ. Tuy nhiên, các nhà phân tích chỉ ra rằng bộ sưu tập này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng sản lượng của hãng, trong khi mô hình thời trang nhanh của họ vẫn tiếp tục gây hại cho môi trường. Tương tự, tập đoàn dầu khí BP với chiến dịch đổi thương hiệu thành “Beyond Petroleum” đã quảng bá mạnh mẽ về các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo, nhưng phần lớn doanh thu của họ vẫn đến từ nhiên liệu hóa thạch, với tỷ lệ đầu tư vào năng lượng tái tạo rất nhỏ.
Lĩnh vực hàng không cũng không ngoại lệ. Vào tháng 4 năm 2023, 20 hãng hàng không châu Âu bị điều tra vì bị cáo buộc phóng đại các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Lufthansa từng tuyên bố chương trình “Green Fares” của mình giúp cắt giảm khí thải CO2 thông qua việc sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững. Delta Air Lines cũng tuyên bố là hãng hàng không trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, cả hai tuyên bố này đều bị chỉ trích vì thiếu cơ sở khoa học và minh bạch.
Ngược lại với greenwashing, greenhushing (ẩn xanh) là hiện tượng các doanh nghiệp cố tình che giấu hoặc không công bố các sáng kiến xanh mà họ đang thực hiện. Điều này thường nhằm tránh bị giám sát hoặc tránh gây ra các kỳ vọng quá cao từ công chúng. Nestlé và Unilever là hai ví dụ điển hình. Nestlé đã đầu tư vào nông nghiệp tái sinh, còn Unilever đạt được tiến bộ trong việc cung ứng bền vững các nguyên liệu như dầu cọ và trà. Tuy nhiên, cả hai công ty đều không công bố rầm rộ những nỗ lực này vì lo ngại những tranh cãi xoay quanh các vấn đề môi trường rộng hơn. Việc không công khai các sáng kiến xanh như vậy làm mất đi cơ hội tạo dấu ấn và dẫn dắt thị trường của doanh nghiệp.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều chính phủ và tổ chức trên thế giới đã đưa ra các biện pháp nhằm đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các tuyên bố về môi trường. Liên minh châu Âu ban hành Chỉ thị Green Claims, yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh các tuyên bố về môi trường của mình bằng bằng chứng khoa học rõ ràng. Ở Anh, Cơ quan Tiêu chuẩn Quảng cáo kiểm tra và xử lý nghiêm các quảng cáo sai lệch liên quan đến môi trường. Tại Mỹ, Ủy ban Thương mại Liên bang đưa ra hướng dẫn chi tiết để đảm bảo các tuyên bố như “có thể tái chế” hay “thân thiện với môi trường” phải chính xác và minh bạch.
Các nhãn chứng nhận độc lập cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn greenwashing. Các chứng nhận như FSC, Energy Star hay Rainforest Alliance giúp người tiêu dùng xác minh tính bền vững của sản phẩm dựa trên các tiêu chí được kiểm định rõ ràng. Những tổ chức phi lợi nhuận như Greenpeace và WWF cũng không ngừng theo dõi và vạch trần các hành vi lạm dụng, giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp.
Công nghệ cũng đang hỗ trợ mạnh mẽ trong việc minh bạch hóa chuỗi cung ứng, với blockchain là một ví dụ điển hình. Công nghệ này cho phép người tiêu dùng theo dõi nguồn gốc sản phẩm và đảm bảo tính bền vững. Báo cáo ESG cũng ngày càng được yêu cầu ở nhiều quốc gia, góp phần tạo ra sự giám sát độc lập và ngăn chặn gian lận.
Cuộc chiến chống lại greenwashing và greenhushing không chỉ dừng lại ở việc ngăn chặn các tuyên bố sai lệch mà còn hướng tới việc xây dựng một nền văn hóa minh bạch và trách nhiệm. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, các tổ chức phi lợi nhuận, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đặc biệt, việc giáo dục các thế hệ trẻ về những thách thức này, như trong câu chuyện của cô con gái tôi, là một bước tiến quan trọng.
Bằng cách khuyến khích sự trung thực và trách nhiệm, chúng ta có thể đảm bảo rằng tính bền vững không chỉ là một khẩu hiệu mà thực sự trở thành một nguyên tắc sống, góp phần bảo vệ hành tinh cho các thế hệ mai sau.
Đinh Hồng Kỳ
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tay-xanh-va-an-xanh-4842998.html