Người phụ nữ 35 tuổi đến viện trong tình trạng mũi viêm nhiễm, biến dạng. Cô đã sửa mũi 9 lần, trong đó 5 lần ở beauty spa (dịch vụ chăm sóc sắc đẹp) thay vì bệnh viện hoặc các trung tâm thẩm mỹ uy tín.
Tôi hỏi vì sao phải sửa đi sửa lại, cô nói, cũng có lần vì chưa đẹp như ý, nhưng chủ yếu là bởi viêm nhiễm. Tôi gắng sửa cho cô nhưng chiếc mũi chẳng thể nào quay về hình dáng ban đầu.
Nhiều người nghĩ phẫu thuật thẩm mỹ chắc chắn sẽ giúp mình xinh đẹp hơn. Tôi thấy các bà, các cô ít dự phòng cho trường hợp ngược lại, tức là càng sửa càng tệ. Nhưng thực tế này vẫn đang diễn ra, ngày một nhiều. Nguyên nhân khá đa dạng. Có những người không quan tâm đến tổng thể, bất chấp lời khuyên của bác sĩ, khăng khăng đòi có chiếc mũi y hệt diễn viên Jang Nara (dù khuôn mặt to gấp rưỡi người ta) hoặc đôi môi dầy như Angelina Jolie (dù để “gắn” vào dưới chiếc mũi đã sửa cho nhỏ xíu). Kết quả là làm xong, chụp góc nghiêng, chụp riêng cái mũi, cái môi thì rất đẹp, nhưng nhìn từ chính diện, gương mặt bỗng trở nên thiếu hài hòa.
Đáng ngại hơn là tình trạng sửa đi sửa lại do tai biến thẩm mỹ, xảy ra khá thường xuyên; nhẹ thì mưng mủ, áp xe, viêm nhiễm, biến dạng khuôn mặt; nặng hơn, có người phải trả giá bằng cả tính mạng.
Mới đây, chỉ trong bốn ngày đầu tháng 6, TP HCM liên tiếp ghi nhận ba sự cố y khoa tại các phòng khám thẩm mỹ y tế tư nhân, trong đó có một ca tử vong.
Tôi tự hỏi, đâu là giải pháp để ngăn ngừa các tai biến này?
Phẫu thuật thẩm mỹ, thuộc lĩnh vực giải phẫu, là một ngành của Y đa khoa. Bác sĩ sẽ phải mất sáu năm học đại học, sau đó thực hành 12 tháng tại các bệnh viện đa khoa. Trong thời gian thực hành, họ có thể thực hiện thủ thuật nhưng phải có bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn, chịu trách nhiệm. Và khi đã có chứng chỉ hành nghề đa khoa, bác sĩ cũng chưa được can thiệp thẩm mỹ mà tiếp tục phải học chuyên khoa về thẩm mỹ. Bên cạnh đó, để được cấp phép hành nghề tư nhân, ngoài chứng chỉ chuyên khoa, bác sĩ phải có thêm 36 tháng thực hành liên tục.
Quy định là vậy, nhưng thực tế hiện nay, chỉ sau khóa học tại một thẩm mỹ viện nào đó, các nhân viên, vốn là thợ làm tóc, làm nail, đã thực hiện các kỹ thuật như cắt mí, cắt môi, thậm chí nâng ngực, căng da mặt cho khách hàng.
Tôi cũng không ít lần bắt gặp những thông báo tuyển sinh đào tạo tiêm filler, botox trong ba tháng, thậm chí 1-2 tháng đã có chứng chỉ. Đầu vào của các khóa học này cũng không yêu cầu trình độ, bằng cấp hoặc kinh nghiệm cụ thể. Trong khi quy định hiện nay không cho phép đào tạo thẩm mỹ tiêm filler, botox, căng chỉ… cho người không phải nhân viên y tế.
Hàng loạt cơ sở còn bị phát hiện lấn sân sang phẫu thuật thẩm mỹ dù chỉ đăng ký kinh doanh chung chung trong lĩnh vực y tế. Đây cũng là một biểu hiện khập khiễng giữa quy định trên giấy tờ và thực tế giám sát quản lý.
Để hình thành một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ hoặc da liễu thẩm mỹ, cần xin cấp phép mở phòng khám; thành lập hộ kinh doanh cá thể hoặc công ty. Nhân sự phòng khám có ít nhất một bác sĩ đủ chứng chỉ hành nghề chuyên khoa, giấy xác nhận thực hành 36 tháng (nếu đang làm tại bệnh viện được phép hành nghề ngoài giờ), cần hai điều dưỡng có chứng chỉ hành nghề, đều yêu cầu lý lịch tư pháp…
Bên cạnh đó, sơ đồ thiết kế bố trí các phòng khám, phòng hậu phẫu, phòng thủ thuật, khu xử lý nước, xử lý dụng cụ (hấp sấy), hệ thống phòng cháy chữa cháy… phải đảm bảo đúng phê duyệt được cấp phép. Các cơ sở này được Sở Y tế các tỉnh thanh tra, kiểm tra định kỳ. Dù vậy, tình trạng phẫu thuật thẩm mỹ “chui” vẫn tồn tại, chỉ đến khi tai biến xảy ra, các cơ sở mới bị sờ tới.
Có phải chỉ Việt Nam mới rơi vào tình trạng này. Câu trả lời là “không”. Hầu hết quốc gia đều trải qua những thời điểm bùng phát dịch vụ thẩm mỹ. Không ít nước phải ra luật riêng để kiểm soát ngành dịch vụ ngày càng “hot” này.
Tại Hàn Quốc, luật liên quan đến lĩnh vực thẩm mỹ rất chặt chẽ. Bác sĩ và nhân viên y tế phải đảm bảo đúng là người được phép phẫu thuật cho khách hàng. Có những nơi yêu cầu lắp camera tại phòng mổ, tránh phẫu thuật “ma”. Một số loại can thiệp cần phải được thông qua bởi Hiệp hội Phẫu thuật thẩm mỹ. Nếu người thực hiện phẫu thuật bị phát hiện không phải là bác sĩ, nhân viên y tế thì có thể bị truy tố nhiều tội danh như xâm hại thân thể, lừa đảo chiếm đoạt tài sản khách hàng.
Việt Nam đã có nhiều quy định, nhưng theo tôi sẽ vẫn phải bổ sung thêm theo hướng siết chặt điều kiện hành nghề và tăng nặng chế tài xử phạt, nhằm đảm bảo an toàn, quyền lợi cho khách hàng.
Khi quy định chưa hoàn thiện, và quy trình quản lý giám sát chưa đủ chặt chẽ, khách hàng tốt nhất phải biết cách bảo vệ mình.
Trước tiên là lựa chọn bác sĩ, nhân viên y tế uy tín, có giấy phép hành nghề. Thông tin này có thể tra cứu trên website qlhanhnghekcb của Bộ Y tế. Ngoài ra mỗi cơ sở đều có trang web công bố đầy đủ giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề, nhân sự, địa chỉ, thông tin liên hệ, hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế và lĩnh vực hoạt động. Các thông tin này có thể sử dụng để tham khảo, kiểm tra.
Buổi tư vấn trực tiếp là cơ hội để quan sát xem cơ sở mình chọn có đầy đủ trang thiết bị điều trị và cấp cứu không. Khi biết bác sĩ, nhân viên y tế nào sẽ can thiệp lên cơ thể mình, khách hàng có thể đưa ra những câu hỏi, yêu cầu được giải thích thỏa đáng.
Chất liệu dùng để tiêm, bơm vào cơ thể cũng là yếu tố cần lựa chọn kỹ. Khách hàng có quyền yêu cầu cơ sở cho biết tên sản phẩm, logo thương hiệu, thành phần chính, tá dược, tác dụng chính, hướng dẫn sử dụng, nơi sản xuất, ngày sản xuất và hạn dùng, mã vạch QR, tiêu chuẩn ISO của sản phẩm (được FDA chứng nhận lưu hành tại Mỹ, Bộ Y tế chứng nhận sử dụng tại Việt Nam)…
Khuyến cáo khác của tôi là với các dịch vụ đại phẫu như nâng ngực, hút mỡ, gọt hàm… tốt hơn hết là tới các bệnh viện uy tín. Phần lớn các phòng khám, thẩm mỹ viện chỉ được thực hiện tiểu phẫu và tiêm truyền các chất làm đầy…
Làm đẹp là nhu cầu chính đáng, nhưng không đáng để đánh đổi bằng rủi ro sức khỏe hoặc cả tính mạng bản thân.
Tống Hải
Nguồn tin: https://vnexpress.net/sua-lanh-thanh-que-4759455.html