Lần đầu đến Mỹ năm 2015, tôi đã rất ấn tượng với những chiếc xe buýt đưa đón học sinh màu vàng rực rỡ.
Tôi được chứng kiến ngoài đời thực những chiếc xe sống động mình từng nhìn thấy trên báo chí và phim ảnh. Cảm nhận đầu tiên là chúng thật nổi bật và dễ nhận diện từ xa, trong môi trường giao thông sầm uất.
Khi tìm hiểu thêm về lịch sử màu vàng của xe buýt trường học tại Mỹ, tôi mới biết vào tháng 4/1939, Tiến sĩ Frank W. Cyr, giáo sư tại Đại học Columbia, đã tổ chức hội nghị để thiết lập các tiêu chuẩn thiết kế xe đưa đón trường học. Màu vàng cam được chọn vì sự nổi bật của nó trong điều kiện ánh sáng yếu và khả năng giúp chữ đen trên thân xe dễ đọc. Màu vàng này, được gọi là “National School Bus Glossy Yellow” với mã màu RGB 245, 165, 0, trở thành màu tiêu chuẩn cho xe buýt trường học tại Mỹ.
Gần đây, Nghị định số 151 của Chính phủ Việt Nam quy định ôtô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non và học sinh phải sơn màu vàng đậm và có biển báo nhận diện rõ ràng, đánh dấu bước tiến trong việc tăng cường tiêu chuẩn an toàn. Quy định này, có hiệu lực từ 1/1/2025, sẽ cải thiện đáng kể khả năng nhận diện xe chuyên dụng, góp phần giúp bảo vệ học sinh khỏi các mối nguy hiểm giao thông. Tuy nhiên, ngoài quy định màu sơn và yêu cầu lắp đặt các thiết bị cùng biển báo nhận diện, tôi cho rằng việc phát triển hạ tầng giao thông xung quanh trường học, đặc biệt là thiết kế khu vực đón trả học sinh, là những yếu tố không thể thiếu để đảm bảo sự đồng bộ và hiệu quả.
Như hình minh họa trên, khu vực quanh trường học cần được thiết kế thành “school zone” để giảm thiểu rủi ro tai nạn giao thông. Việc sử dụng vạch kẻ đường và biển báo giới hạn tốc độ rõ ràng giúp cảnh báo và điều tiết giao thông, nhất là ở các khu vực đông trẻ em. Mũi tên kẻ đường chỉ dẫn vào và ra khu vực đón trả học sinh (Pick Up, Drop Off – PUDO) không chỉ giúp tổ chức giao thông trật tự mà còn giảm thiểu ùn tắc và tránh va chạm. Bên cạnh đó, hệ thống tín hiệu đèn nhấp nháy khi xe buýt dừng lại đóng vai trò quan trọng trong việc cảnh báo các phương tiện khác.
Khu vực đón trả tại trường học cần được thiết kế hợp lý để đảm bảo an toàn và sự thuận tiện cho cả học sinh lẫn phụ huynh. Việc phân chia rõ ràng giữa các phương tiện như xe buýt và xe cá nhân là rất quan trọng để tránh xung đột giao thông trong giờ cao điểm. Lối vào – ra theo kiểu Right-in Right-out (RIRO), tức là phương tiện vào từ phía bên phải và rời đi từ phía bên phải, không chỉ giúp giao thông trở nên thông suốt mà còn giảm thiểu nguy cơ va chạm.
Việc lắp đặt các cột bollard (cột chắn) là giải pháp hiệu quả để bảo vệ khu vực đứng chờ của học sinh. Cột bollard thường được làm từ các vật liệu bền như thép hoặc bê tông và có móng vững chắc. Chúng được bố trí dọc lối đi để tạo ranh giới an toàn, ngăn ngừa xe cộ xâm phạm.
Mái che trong khu vực đón trả nên có chiều cao tối thiểu 2,4 m và rộng 2-3 m để tạo không gian đủ thoải mái cho học sinh. Đồng thời, mái che cần được thiết kế dốc về phía sau, tránh nước mưa đổ lên các em khi xe đậu để đón trả. Việc này cũng giúp giữ khu vực xung quanh luôn khô ráo và dễ tiếp cận.
Trang bị hàng rào xung quanh khu vực đón trả là một biện pháp an toàn quan trọng để đảm bảo học sinh không bị lạc hoặc va chạm với phương tiện giao thông trong lúc lên xuống xe. Trẻ nhỏ thường hiếu động và hay chạy nhảy đùa giỡn khi đợi xe. Hàng rào sẽ giúp giảm nguy cơ xảy ra tai nạn khi các em đùa nghịch hoặc bất ngờ lao ra ngoài khu vực an toàn.
Ramp dốc là hạng mục đảm bảo sự linh hoạt và an toàn giao thông cho học sinh, đặc biệt học sinh khuyết tật. Nhiều trường tại Việt Nam chưa có lối dốc cho đối tượng này. Độ dốc tối đa của ramp thông thường là 1:12. Ngoài ra, cần bố trí lối đi ưu tiên cho xe lăn và người sử dụng nạng, đồng thời có nhân viên hỗ trợ học sinh có nhu cầu đặc biệt, để đảm bảo sự an toàn khi di chuyển.
Luật hóa các quy định về an toàn giao thông và thiết kế hạ tầng theo tôi là bước cần thiết để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả trong việc áp dụng. Đầu tiên, các trường học lớn hoặc các trung tâm đô thị nên triển khai các quy định này một cách nghiêm ngặt để làm mẫu cho các khu vực khác. Sau đó, cần có kế hoạch phân kỳ nhân rộng ra ngoại ô và các tỉnh thành.
Phát triển một ứng dụng điện thoại giúp phụ huynh và học sinh dễ dàng kiểm tra và theo dõi các chuyến xe bus đưa đón là một giải pháp hiện đại và tiện ích. Bên cạnh đó, tính năng tra cứu lộ trình và định vị vị trí xe sẽ giúp mọi người biết rõ xe đang ở đâu, tăng cường sự an tâm và giảm thiểu tình trạng chờ đợi.
Trong tương lai, việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng như metro và xe bus sẽ ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt trong các đô thị phát triển. Để đáp ứng nhu cầu di chuyển của học sinh một cách hiệu quả và an toàn, cần nghiên cứu các giải pháp tích hợp, ví dụ như kết nối các tuyến xe buýt chở học sinh với hệ thống giao thông công cộng hiện có.
Quy định về sơn màu vàng cho xe buýt đưa đón học sinh là một bước tiến quan trọng của Việt Nam, nhưng như thế chưa đủ. Những điều tôi đề cập trên đây khá xa xỉ với bối cảnh hiện tại của các đô thị lớn, nhưng nếu luật không đi trước một bước, tạo ra các tiêu chuẩn bản lề, thế hệ trẻ sẽ khó hy vọng được hưởng những tiêu chuẩn an toàn đáng có.
Trình Phương Quân
Nguồn tin: https://vnexpress.net/son-vang-xe-don-tre-4831433.html