Mùng 5 Tết, tôi đi xem “Bộ tứ báo thủ” và đến một cảnh hài nhảm ồn ào, có khán giả đằng sau thốt lên: “Đúng là phim Việt Nam”.
Tôi nghe câu đó lần đầu khi xem Gái nhảy của đạo diễn Lê Hoàng ở rạp Tháng Tám (Hà Nội) vào Tết Nguyên đán 2003. Gái nhảy sau đó đạt doanh thu kỷ lục 13 tỷ đồng, suất chúng tôi xem cũng kín cả hàng ghế đầu tiên – nơi khán giả phải ngửa cổ lên nhìn màn hình. Nhưng xem xong, nhiều người vừa lững thững đi ra vừa thở dài: “Đúng là phim Việt Nam”, như một sự than phiền trong bất lực.
Từ mốc Gái nhảy, sau hơn 20 năm, điện ảnh Việt Nam đã sản sinh ra nhiều “ông hoàng”, thiết lập những kỷ lục doanh thu vượt xa phim Hollywood ở thị trường chiếu rạp trong nước. Mùa phim Tết từng là thời của Lê Hoàng, Nguyễn Quang Dũng, Hoài Linh, Victor Vũ, Trường Giang… và giờ đang thuộc về Trấn Thành – xuất thân là người dẫn chương trình, diễn viên hài rẽ ngang sang làm đạo diễn.
Trấn Thành thực sự là một nhân vật giải trí có sức hút lớn và có công thiết lập những kỷ lục doanh thu không tưởng cho phim Việt, biến điện ảnh trở thành ngành công nghiệp nghìn tỷ. Trấn Thành thống trị phòng vé đã 3-4 mùa Tết. Ba phim trước của anh – Bố già (đồng đạo diễn với Vũ Ngọc Đãng), Nhà bà Nữ, Mai – dù gây tranh cãi về chất lượng và phân luồng khán giả khen – chê, vẫn liên tục phá các kỷ lục doanh thu. Một bộ phận khán giả đặt tên cho loại phim anh tạo ra là “phim đạo lý”, và kiểu phim này bắt đầu được các đạo diễn khác học theo.
Năm nay, anh vẫn dễ dàng khiến khán giả đến rạp với Bộ tứ báo thủ, phim kết hợp giữa hài và tâm lý. Trấn Thành khẳng định anh đầu tư tất tay cho Bộ tứ báo thủ chỉ để có được “phép thử” phim hài. Còn tôi xem xong chợt nghĩ, bộ phim quả là một phép thử của Trấn Thành để xem khán giả đại chúng dễ dãi đến mức nào.
Nhưng nói đến sự dễ dãi của người xem mà chỉ đề cập đến Trấn Thành là thiếu công bằng với anh và Bộ tứ báo thủ. Phim Việt mùa Tết này còn có Nụ hôn bạc tỷ của diễn viên Thu Trang – lần đầu lấn sân làm đạo diễn – và Yêu nhầm bạn thân, do Nguyễn Quang Dũng – Diệp Thế Vinh đồng đạo diễn, làm lại từ tác phẩm ăn khách Friendzone của Thái Lan.
Yêu nhầm bạn thân, cũng do Trấn Thành góp phần đầu tư sản xuất, là tác phẩm remake an toàn và nhạt hơn nhiều bản chính, doanh thu chỉ loanh quanh 20 tỷ đồng, theo số liệu từ Box Office Vietnam.
Nụ hôn bạc tỷ tăng tốc doanh thu những ngày cuối kỳ nghỉ và có ý kiến nhận xét đây là “phim tốt nhất, gây bất ngờ nhất Tết 2025”. Nhưng tôi thấy nó cũng “một chín một mười” với Bộ tứ báo thủ về độ dở. Câu chuyện với các tình tiết phi lý, hài quá lố, đạo lý quá đà và mảng miếng hài “nhai đi nhai lại” nhiều lần thành vô duyên.
Làm phim giải trí không có lỗi, nhưng dễ dãi là một vấn đề. Không ai đòi hỏi phim giải trí Tết phải mang tầm vóc tư tưởng hoặc đột phá về nghệ thuật nhưng việc chỉ với một câu chuyện nhàn nhạt, vài gương mặt hot, thêm mấy câu thoại bắt trend là đủ thành phim Tết cho thấy điện ảnh Việt Nam có thể lại bước vào giai đoạn “mỳ ăn liền” kiểu mới.
Một bộ phim giải trí đúng nghĩa vẫn cần kịch bản chặt chẽ, nhân vật có màu sắc rõ ràng, và quan trọng là tiếng cười không chỉ dừng lại ở việc nhân vật ngã sấp mặt hay la hét vô tội vạ.
Cũng mùng 5 Tết, tôi đi ăn ở một quán phở nổi tiếng Hà Nội và là quán “ruột” của tôi. Quán đông gấp đôi ngày thường. Tôi chờ nửa tiếng với tất cả sự háo hức sau những ngày ngán ngấy bánh chưng. Nhưng nước dùng mặn chát, bánh phở bở, miếng thịt vô vị. Tôi tặc lưỡi chấp nhận, vì không có nhiều lựa chọn như ngày thường, và cũng sợ bị đáp trả: “Tết nhất có phở ăn là tốt rồi, giỏi thì tự nấu lấy”. Giống như khi chê một bộ phim, bạn sẽ bị phe ủng hộ phản bác: “Đã làm được như thế chưa, mà chê?”.
Phim Tết hay phở Tết ở khía cạnh nào đó phản ánh thực tế: khi cầu vượt quá cung, chất lượng trở thành thứ yếu. Đó là tâm lý chung của thị trường tiêu dùng – nơi người ta chấp nhận trả tiền (nhiều khi là cao hơn) cho một trải nghiệm kém hơn vì không có nhiều lựa chọn.
Thực tế này có thể thay đổi hay không phụ thuộc trước hết vào người tiêu dùng. Khi khách hàng dễ dãi hạ thấp tiêu chuẩn của mình để chấp nhận những sản phẩm kém chất lượng, nhà cung cấp sẽ không có động lực cải thiện.
Tuy nhiên, khán giả không mãi dễ dãi. Thị hiếu thẩm mỹ của người xem đại chúng sẽ vận động, dù chậm. Khi sự tò mò qua đi, khi những “phép thử” trở thành công thức lặp lại, thì ngay cả những thương hiệu bảo chứng doanh thu cũng mất dần sức hút.
Bài học từ các thời kỳ phim ảnh “mỳ ăn liền” Việt Nam cũng như lịch sử phát triển của điện ảnh thế giới cho thấy nếu chỉ bám vào lối mòn an toàn và khai thác sự dễ dãi của người xem, sớm hay muộn, “canh bạc tiền tỷ” cũng đến lúc thất thế, “thời” cũng sẽ qua.
Tết năm nay, những bộ phim thắng doanh thu nhưng thua lòng tin và một vài ý niệm cũ về phim hài vẫn lặp lại. Nghịch lý về “đáy chất lượng” và “đỉnh doanh thu” của các phim Tết vẫn tồn tại cùng lời cảm thán cũ kỹ và có phần đánh đồng – “Đúng là phim Việt Nam” – dù điện ảnh nước nhà đã đi xa hơn rất nhiều so với mốc Gái nhảy cách đây hơn hai thập kỷ.
Mai Như Ngọc
Nguồn tin: https://vnexpress.net/phep-thu-cua-tran-thanh-4846789.html