Tôi từng hai lần bị tai nạn vì gặp người say rượu ở Việt Nam.
Một lần là vào khoảng tháng 5/2019. Tôi bị một ông lái xe say xỉn tông trúng. Kết quả là gương chiếu hậu xe tôi vỡ tan tành. Ông ta còn chẳng thèm nói câu xin lỗi, cứ thế tiếp tục lảo đảo lái đi, mang cái say xỉn tới chỗ khác.
Lần khác là vào đợt tôi đi phượt từ Hà Nội về lại TP HCM, mồng hai Tết năm 2015.
Nhớ lại khoảnh khắc đó, tôi vẫn rùng mình. Khi đang lái xe với tốc độ khá cao, tôi bị một gã say rượu lao xe máy vào. Tôi đã bay vọt ra khỏi xe, rơi phịch xuống đường, rồi kỳ lạ thay lại đứng lên được, không một vết trầy xước. Đến giờ tôi vẫn chưa hiểu vì sao mình không chết.
Sau khi mất khoảng một giờ để sửa xe, tôi tiếp tục hành trình. Về tới TP HCM, tôi đọc báo thấy có 66 người tử vong vì tai nạn giao thông vào mồng hai Tết.
Đường sá ở Việt Nam rất đông đúc, lộn xộn. Bạn sẽ thường thấy một chiếc xe buýt đang lao về phía mình. Lúc đó, nếu không nhanh chóng ra khỏi làn đường đang chạy, bạn sẽ trông như một đấu sĩ liều mình xông vào con bò tót.
Ngoài những chuyện như thế, tôi muốn giải thích thêm vì sao tôi cảm thấy khó chịu với giao thông ở Việt Nam.
Ông ngoại tôi là mục sư trong một nhà thờ mà tôi bị ép phải dự lễ suốt nhiều năm. Tôi thường ngồi trên băng ghế dài và nghe ông nói: “Mọi thứ phải được thực hiện theo cách phù hợp và có trật tự”.
Ông đón tôi đến nhà thờ trên một chuyến đi trật tự. Ông nói, tôi có thể an toàn đến nhà thờ mà không gặp bất kỳ sự cố ngoài ý muốn nào là nhờ luật lệ và hệ thống giao thông của Canada được tổ chức tốt. Ông ngoại coi tôi là kẻ không có nề nếp, nên ông gợi ý tôi nên đi lính để rèn tính kỷ luật. Tôi đã phản kháng một thời gian dài cho đến khi tự thấy mình quá là vô trật tự, thì mới quyết định làm theo lời ông.
Trong quân đội, người lính được yêu cầu tuân thủ nhiều quy tắc nghiêm ngặt. Tôi rèn được tính kỷ luật, nhưng cũng “học” được cả cách phá luật, nhiễm cả thói hành xử vô quy tắc.
Kết thúc kỳ đi lính, tôi đến sống ở Nhật Bản, chứng kiến sự tiện lợi của tàu điện ngầm, tính trật tự của người dân. Tôi thấy những người đi xe đạp di chuyển trong im lặng, như một đàn cá. Tại nhà ga, họ đặt xe đạp vào đúng chỗ rồi lên tàu điện ngầm, đi bộ đến nơi làm việc qua những vỉa hè an toàn. Tôi nghĩ ông ngoại sẽ rất vui nếu được chứng kiến. Hẳn ông sẽ lại lấy Nhật Bản làm ví dụ, để giảng giải cho tôi về sự cần thiết của việc thực hiện mọi thứ “theo cách phù hợp và có trật tự”.
Khi đến Việt Nam, tôi thấy giao thông trông giống như đường dây điện ở quận 5, phức tạp tại mọi vị trí và tôi không thể nào nắm bắt được dòng chảy của nó. Thời gian đầu, tôi quá sợ sệt nên đã chọn cách đi bộ cho lành. Nhưng ngay cả khi đang vừa đi vừa ngắm cảnh trên vỉa hè, tôi vẫn giật bắn người vì tiếng còi xe thình lình bóp vào lưng.
Một trong những điều khó hiểu nhất là cách phản ứng của những người phạm luật giao thông khi bị cảnh sát bắt. Người Việt rất đặc biệt ở chỗ, họ sẽ tranh thủ cãi trước rồi mới tính đến chuyện nộp phạt sau. Chuyện nộp phạt này cũng đặc biệt, đôi khi không vào ngân sách nhà nước, mà vào túi của những người thực thi pháp luật. Khoản tiền này chắc không nhiều vì tôi thấy bạn bè hay gọi đó là tiền café.
Nhưng nghịch lý của việc chấp nhận “giải pháp tiền café” là nó khuyến khích, hoặc ít nhất không thể ngăn chặn tình trạng phạm luật. Nó khiến bộ mặt giao thông đô thị ngày một hỗn loạn hơn.
Bây giờ tôi sẽ kể tiếp câu chuyện bằng một thái độ “nhún nhường” hơn. Một vài tuần sau sự kiện tông xe vào tháng 5/2019, tôi lái xe ở Nhà Bè và bị công an bắt, vì xe máy không có gương chiếu hậu.
Tôi được “tha bổng” với lời cảnh cáo phải mua một chiếc gương mới. Tôi lơ đễnh bỏ qua và ít ngày sau lại bị họ bắt.
Tôi vẫn nghĩ mình là người chính trực, ở phe chính nghĩa cho đến lần thứ hai bị bắt. Tôi bị giằng xé bởi một cảm giác tồi tệ. Trong khi tôi luôn muốn giao thông tốt hơn thì chính tôi lại phạm luật, không chỉ một lần.
Cảm giác của tôi có thể miêu tả bằng thuật ngữ tạm gọi là bất hòa nhận thức (cognitive dissonance) – là trạng thái tâm lý xảy ra khi niềm tin, giá trị của một người xung đột với hành vi của họ. Điều này có thể gây ra sự khó chịu, thúc đẩy họ tìm cách khôi phục lại sự nhất quán cho mình.
Lúc đó, tôi khó chịu cả về thể chất lẫn tinh thần. Tôi bảo họ cứ giữ xe máy của tôi. Cuối cùng, xe của tôi bị đưa đi, đến giờ tôi không biết cách và cũng không muốn lấy nó về nữa. Tôi thất vọng vì đã buông thả bản thân. Lý do có thể bởi mầm mống vô kỷ luật trong tôi lại trỗi dậy, bởi tôi nhiễm thói đi đường cẩu thả của một vài người Việt xung quanh, hoặc bởi tôi ỷ lại vào thái độ đôi lúc dễ dãi hơn của cảnh sát Việt Nam với người nước ngoài. Câu trả lời cũng có thể là “tất cả đáp án trên”.
Gần đây, tôi thấy xung quanh mình, người ta liên tục bàn tán về một nghị định mới, đã tăng mức phạt hành chính đối với các vi phạm giao thông lên rất cao. Có người phản đối, có người lo sợ rằng món mất đi sắp tới không chỉ nho nhỏ cỡ tiền café nữa.
Tôi hiểu rằng cần phải làm rất nhiều việc, kết hợp nhiều yếu tố mới có thể khiến hệ thống giao thông đi vào trật tự và quy củ. Mức phạt cao mà Nhà nước đặt ra là một cách thúc đẩy người dân tuân thủ luật pháp tốt hơn. Đây là khía cạnh được kỳ vọng tạo ra những thay đổi tích cực.
Nhưng áp lực càng lớn, những điểm yếu trong hệ thống sẽ càng bị phơi bày. Nhiệm vụ của cả người dân và chính quyền là phải thật tâm nhìn nhận và cùng nhau vá lại những điểm yếu đó.
Người vi phạm sẽ vì mức phạt cao mà thấy sợ, dần dà luyện tập được thói quen tốt hơn khi ra đường. Cảnh sát giao thông cũng cần kiên quyết không nhận tiền café nữa. Khi những lỗ hổng cũ được cả hai phía chung tay vá lại, trật tự mới sẽ được thiết lập.
Và Việt Nam tươi đẹp sẽ phát triển, để tôi có thể một ngày nào đó thong dong tản bộ huýt sáo trên vỉa hè.
Jesse Peterson
(Nguyên tác tiếng Việt)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/pham-luat-o-viet-nam-4839557.html