Tôi xem lại cây kiếm Samurai, có chút không ưng ý vì đó là loại kiếm chế tác thiếu tinh xảo, cho dù đấu được giá hời.
Đó là thành quả của lần đầu tiên tôi tham dự đấu giá tại một phiên gần nơi ở. Tôi biết vài người đấu giá đồ cổ, đồ sứ, tranh, tiền xu, đồng hồ quả lắc cổ, rồi bán lại tại Việt Nam kiếm lời.
Đấu giá tại Vương quốc Anh (UK), với nô lệ, ngựa, hay gia súc đã xuất hiện từ thời cổ đại. Đến thế kỷ 17, hoạt động này có hình thái và cấu trúc chặt chẽ của đấu giá hiện đại, dẫn đến sự ra đời của những tên tuổi như Sotheby’s (1744) và Christie’s (1766).
Ngày nay, đấu giá đã trở thành một nét văn hóa tại UK. Hoạt động này diễn ra mỗi cuối tuần tại các địa phương. Còn đấu giá trực tuyến rất phổ biến trên các sàn thương mại điện tử như eBay. BBC “Antiques Road Show” hay “Bargain Hunt” là các chương trình truyền hình đấu giá yêu thích.
Hầu hết các trường hợp, giao dịch được hoàn tất. Đây là ràng buộc pháp lý. Các điều khoản tham gia đấu giá rất bất lợi nếu người thắng thầu không hoàn tất giao dịch. Tại UK và nhiều nơi trên thế giới, hoàn tất giao dịch còn là hành động của lòng tự trọng và danh dự. Đây cũng là sự kỳ vọng xã hội (social expectation), một tiêu chuẩn ứng xử.
Tại Việt Nam hiện nay, đấu giá đất đã biến tướng, bị lợi dụng làm công cụ để thổi giá. Các phiên đấu giá được tổ chức không chặt chẽ. Giá khởi điểm thường thấp, để tiền đóng cọc thấp. Giá thắng thầu thường cao hơn giá khởi điểm hàng trăm/nghìn lần. Người thắng thầu thường chấp nhận bỏ tiền cọc, không mua, và hầu như không chịu các ràng buộc pháp lý nào. Hệ quả là tạo tâm lý hoang mang. Giao dịch thực tế không có, hoặc rất thấp, nhưng “giá bán” tăng mỗi ngày.
Người hưởng lợi từ việc này chính là những công ty bất động sản và các cán bộ địa phương vì phần lớn họ sở hữu đất tại địa phương diễn ra đấu giá. Giá bất động sản cao còn là công cụ để vay/xoay vốn ngân hàng, đáo nợ hoặc phục vụ công việc lập báo cáo tài chính với lợi nhuận (trên giấy) có lợi cho giá cổ phiếu.
Hành vi gian dối này gây lãng phí tài nguyên, nhiều nhà đất không được sử dụng, bị bỏ hoang. Dòng tiền trong bất động sản thấp, và lạm phát tăng theo giá nhà đất. Hiện nay, rất nhiều người dân không có nhà để ở, giá thuê nhà tăng, nhưng cơ hội có thể mua được nhà xa dần so với đồng lương, góp phần dẫn đến tình trạng “ngại cưới, lười sinh con”. Việc này còn dẫn đến phân hóa xã hội, chênh lệch giàu nghèo và các nguy cơ bất ổn xã hội.
Tại UK và nhiều nơi trên thế giới, đấu giá được tổ chức minh bạch và chặt chẽ, mang về trị giá cao nhất cho người chủ sở hữu. Trước khi diễn ra, món hàng được xác định giá trị bởi các chuyên gia thẩm định. Nhà tổ chức đấu giá đưa ra các điều khoản chặt chẽ về mặt pháp lý mà người tham gia phải ký kết.
Một trong số đó là trách nhiệm thanh toán đầy đủ nếu thắng thầu. Hợp đồng có hiệu lực pháp lý ngay khi tiếng búa gõ xác nhận kết quả. Người thắng phải thanh toán toàn bộ số tiền trong thời gian quy định.
Nếu không, người thắng cuộc ngoài việc mất cọc còn phải bồi hoàn chi phí tổ chức đấu giá lại, và khoản tiền chênh lệch nếu giá thắng lần hai thấp hơn lần đầu. Người thắng còn bị đưa vào danh sách đen và không thể tham gia các hoạt động đấu giá. Nếu là công ty, chắc chắn uy tín và kinh doanh công ty sẽ bị ảnh hưởng. Nếu những quy định nghiêm ngặt trên được áp dụng tại Việt Nam, tôi tin cũng sẽ chặn được tình trạng thắng thầu và bỏ cọc.
Theo tôi, nhà tổ chức đấu giá còn có thể liên hệ người về nhì mua tài sản đồng thời có yêu cầu pháp lý bắt người thắng trả tiền chênh lệch giữa giá thắng và giá bán cho người về nhì. Để chặt chẽ hơn, người tham dự các phiên đấu giá tại phải có thư xác nhận khả năng thanh toán của ngân hàng, hoặc chứng minh tài chính.
Tôi không loại trừ trường hợp giao dịch vẫn được hoàn tất. Người thắng chấp nhận mua giá cao để bơm thổi giá vì diện tích đấu giá nhỏ mang tính tượng trưng. Các hệ quả tiêu cực tiếp tục xảy ra, vượt qua lợi ích mang lại.
Một biện pháp hiệu quả có thể áp dụng là tổ chức nhiều phiên đấu giá liên tiếp, cho nhiều lô đất khác nhau, tại nhiều nơi, cho cả đất sở hữu bởi nhà nước và tư nhân. Đây cũng là cách “thăm dò” giá trị thật của đất. Giá trị thật của tài sản sẽ tin cậy nếu số lượng đấu giá thành công đủ lớn. Những kẻ lũng đoạn không thể đủ nguồn lực để bơm thổi mãi.
Tại nhiều quốc gia, tất cả giao dịch bất động sản đều công khai giá bán, các chỉ số nhà đất hàng tháng được cập nhật thường xuyên dựa trên các giá trị thực. Khi mua một căn nhà, với một cái nhấp chuột, người mua biết rõ căn nhà đó đã được mua bán bao nhiêu lần, tại thời điểm nào và giá bao nhiêu. Điều này cũng giúp người mua ước định được giá trị thật của tài sản.
Để kiểm soát giá nhà và chống bơm thổi, Nhà nước cần can thiệp để thay đổi tương quan cung-cầu. Thông qua việc xây nhà xã hội (social houses) và nhà ở giá phải chăng (affordable houses), Nhà nước cung cấp hoặc cho thuê giá rẻ đủ nhà ở tiêu chuẩn cho nhân dân, đặc biệt là dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Nếu làm được điều này, thì việc bơm thổi giá trở thành “trò hề” không được chú ý.
Ngoài ra, Chính phủ cần sớm thông qua việc đánh thuế nhà và đất thứ hai, thứ ba để giảm tình trạng nhà đất bỏ hoang lãng phí.
Rõ ràng, các quy định pháp lý và các điều khoản chặt chẽ sẽ giúp các phiên đấu giá tại Việt Nam diễn ra hiệu quả, minh bạch, mang lại nhiều giá trị tích cực. Đấu giá sẽ trở thành một nét đẹp văn hóa. Vai trò của Nhà nước trong lập dữ liệu giá bất động sản, điều tiết cung cầu, áp thuế nhà đất thứ hai, và quản lý hoạt động đấu thầu sẽ ngăn chặn các biểu hiện lạm dụng, ổn định thị trường, hướng đến phát triển bền vững.
Bùi Mẫn
Nguồn tin: https://vnexpress.net/pha-bay-thoi-gia-dat-4830780.html