Hôm nay các con tôi sẽ bắt tay vào giai đoạn chuẩn bị để hiện thực hóa “dự định ăn chơi” vào dịp nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới.
Kế hoạch đã được các con háo hức lên lịch từ lâu, với lộ trình cụ thể về công đoạn phải chuẩn bị. Giáng sinh – năm mới luôn là dịp lễ được mong đợi nhất của lũ trẻ.
Điểm thuận lợi để lên kế hoạch dài hơi là các con nắm được lịch nghỉ từ lâu mà không cần phải đợi bất kỳ thông báo chính thức nào, một điều hơi khác với bạn bè đồng trang lứa của các cháu tại TP HCM – cũng như nhiều tỉnh thành khác ở Việt Nam – vẫn chờ đợi những công bố và điều chỉnh về lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 của các Sở Giáo dục địa phương. Lịch nghỉ Tết của người lao động mới vừa được Thủ tướng chốt và nhiều phụ huynh lại đang đợi chốt lịch của trẻ con để điều chỉnh kế hoạch của gia đình. Nhiều nhà rơi vào thế bị động thậm chí vỡ kế hoạch vì lịch thay đổi nhiều lần.
Chiều 5/12, Sở Giáo dục TP HCM cho biết đang tính toán đề xuất điều chỉnh lịch nghỉ Tết của học sinh trên địa bàn. Một tuần trước đó, kế hoạch ban đầu đưa ra gặp nhiều phản ứng của phụ huynh vì thời gian nghỉ quá ít, đặc biệt là so với những năm trước đây. Năm học của TP HCM kéo dài từ ngày 5/9 đến 31/5. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, một năm học phải có 35 tuần thực học và hai tuần cho việc nghỉ lễ và các hoạt động khác. Thế nên, kéo dài ngày nghỉ Tết sẽ không đủ thời gian đảm bảo thời lượng quy định của Bộ. Nhưng, nếu kỳ nghỉ quá ngắn, học sinh TP HCM – địa bàn vốn có nhiều lao động nhập cư đến từ mọi miền đất nước – sẽ rất khó khăn trong việc di chuyển đoàn tụ gia đình.
Khoản 1 Điều 112 Bộ Luật Lao động 2019 quy định chi tiết danh sách các ngày nghỉ lễ trong năm của Việt Nam, trong đó có năm ngày nghỉ Tết âm lịch. Khoản 3 của điều luật này cũng quy định tùy theo tình hình mỗi năm, Thủ tướng sẽ quyết định ngày nghỉ cụ thể đối với dịp Tết Nguyên đán. Về mặt nguyên tắc, điều khoản này tạo sự linh hoạt nhằm mang lại lợi ích cho người dân khi kết hợp các ngày nghỉ chính thức với những ngày nghỉ cuối tuần. Tuy nhiên, sự linh hoạt này lại vô tình đẩy người dân và cả hệ thống kinh tế vào thế bị động hàng năm mỗi dịp gần Tết hay các lễ lớn.
Tại Pháp, dịp nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới với học sinh được quy định là hai tuần. Trong đó, 25/12 và 1/1 là những ngày lễ chính thức và hai tuần nghỉ của học sinh phải bao trọn hai ngày này. Do đó, học sinh sẽ học buổi cuối cùng vào thứ sáu trước ngày 25/12 và trở lại trường vào thứ hai sau ngày 1/1. Như vậy các em có hai tuần nghỉ trọn vẹn với hai cuối tuần, đầu và cuối kỳ nghỉ.
Quy tắc này được áp dụng từ năm này sang năm khác, thống nhất trên toàn quốc và mọi người có thể biết trước lịch nghỉ một cách chủ động. Phụ huynh, vì đã biết trước lịch, có thể sử dụng ngày phép của mình hoặc tự thu xếp cho con cái các hoạt động phù hợp dịp này. Ngoài ra, các kỳ nghỉ khác trong năm học (thường học sinh phổ thông ở Pháp cứ học hơn tháng rưỡi lại được nghỉ hai tuần), tuy có sự bố trí lệch vùng nhằm giảm tải hệ thống, cũng được ấn định dựa trên quy tắc tương tự kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới. Mỗi kỳ nghỉ có những ngày lễ hoặc cột mốc nào đó được dùng để đánh dấu chính và thời gian nghỉ sẽ được tính dựa trên cơ sở ngày thứ sáu và thứ hai. Nói cách khác, nếu không có những sự thay đổi về luật hay sự kiện bất khả kháng (ví dụ như dịch Covid-19 vào năm 2020), tất cả gia đình đều dễ dàng biết trước lịch nghỉ của học sinh trong những năm sắp đến.
Ngày nghỉ Tết ở Việt Nam là câu chuyện năm nào cũng có và năm nào cũng phát sinh tranh cãi dù những người làm kế hoạch cũng rất mệt mỏi để tính toán. Người làm kế hoạch tại các Sở Giáo dục địa phương gặp khó với việc vừa bảo đảm kỳ nghỉ đủ dài, vừa bảo đảm số tuần thực học và vừa kết thúc đúng ngày 31/5. Nếu thời gian thực học là một điều kiện cứng vì thay đổi nó sẽ dẫn đến thay đổi toàn bộ chương trình học, thì việc bắt đầu hay kết thúc năm học lúc nào là những điều kiện có thể nới giãn.
Dẫu biết Bộ Luật Lao động hiện hành và các quy định của ngành giáo dục đang cho phép nhiều điều chỉnh nhằm mang lợi ích cho người dân, nhưng sự linh hoạt (đôi lúc tùy tiện) đó lại đang khiến mọi thứ trì trệ tới giờ phút cuối.
Vì thế, nếu nhà làm luật dành phần khó về mình bằng những tính toán khoa học hơn thì các cơ quan quản lý sẽ bớt đi đầu việc mỗi năm, còn các gia đình sẽ chủ động hơn. Hãy để phần linh hoạt cho mỗi người dân tự tính trong phạm vi số ngày phép họ được hưởng.
Võ Nhật Vinh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nhon-nhao-lich-nghi-tet-4825136.html