Ai cũng quyến luyến nơi mình sinh ra. Yêu quê hương để rồi yêu đất nước rộng lớn hơn. Người Hà Nội, Người Huế, Người Sài Gòn… cùng nhiều vùng đất địa linh nhân kiệt khác làm nên người Việt Nam thân thương.
Nhưng tôi ngày càng thấy ba chữ “người Hà Nội” có chút nhạt phai. Người đến sống ở Hà Nội ngày một nhiều, nhưng tinh thần “người Hà Nội” xưa đã biến đổi theo thời gian, là điều những người yêu Hà Nội trăn trở.
Khái niệm “Người Hà Nội” hình thành rất lâu sau ngày vua Minh Mạng ra chỉ dụ thành lập tỉnh Hà Nội (1831). Tính cách người Hà Nội kế thừa nét thanh lịch của con người đất kinh kỳ. Thanh lịch là một từ cổ, gồm thanh và lịch. Thanh chỉ sự trong sáng, tự nhiên. Lịch chỉ sự hiểu biết và tuân thủ các quy định, phép tắc.
Nét đặc sắc của người Hà Nội còn do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, nhất là văn hóa Pháp. Qua biến động của thời cuộc, người Hà Nội không quên nỗi đau mất nước nhưng vẫn mở lòng học những cái hay, cái tiến bộ của một nền văn minh mới, làm giàu có thêm cho văn hóa của mình.
Những trái ngọt của tương tác văn minh Đông Tây hầu như diễn ra trên đất Hà Nội: âm nhạc có tân nhạc hay còn gọi là nhạc tiền chiến, văn chương có phong trào Thơ mới, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, hội họa có trường phái Mỹ thuật Đông Dương với các danh họa như Tô Ngọc Vân, Lê Phổ…
Trong đời sống hàng ngày, người Hà Nội cũng thay đổi, Âu hóa hơn. Nữ để tóc bồng, mặc áo dài Lơ mur Cát Tường. Nam biết chơi thể thao, mặc veston, đi giày hay sandal. Nam nữ thanh niên có đời sống tâm hồn lãng mạn, thích đọc thơ, đọc tiểu thuyết tình cảm, biết cắm hoa, thích nghe nhạc, đi tắm biển.
Những năm 1930, khái niệm “Người Hà Nội” mới hình thành. Giới trí thức lúc đó so sánh Hà Nội đẹp và thơ mộng như một Paris thu nhỏ. Pháp có Parisiens (người Paris) thì Hà Nội cũng có Hanoïens (người Hà Nội, tiếng Pháp). Người Hà Nội thanh lịch giờ thêm nét lãng mạn hiện đại, như là một sản phẩm giao hòa của văn hóa Đông Tây.
Đêm 19/12/1946, nhạc sĩ trẻ Nguyễn Đình Thi được lệnh rời Hà Nội. Ra đến ngoại ô thì đèn đường phụt tắt, súng nổ, toàn quốc kháng chiến bắt đầu. Nhiều chiến sĩ tự vệ Hà Nội hy sinh ngay trên hè phố, cách cửa nhà mình chỉ vài bước chân. Dừng chân ở căn cứ ngoại thành, nhìn về Hà Nội cháy đỏ trời, bên chiếc đàn piano mà người dân Hà Nội tản cư bỏ lại, Nguyễn Đình Thi đã cảm xúc gõ những nốt đầu tiên “Bài hát của một người Hà Nội”: “Bùng cháy khắp phố ta ơi! Vùng lên, chiến sĩ ta ơi! Trời Hà Nội đỏ máu!”. Bài hát được hoàn chỉnh năm 1948 và mang tên “Người Hà Nội”.
Ba chữ “Người Hà Nội” đi vào nghệ thuật. Thử thách đã làm bộc lộ chất hào sảng của người Hà Nội, sẵn sàng đứng lên khi Tổ quốc cần. Những năm kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ, tuy gian khổ nhưng khí chất ấy của người Hà Nội vẫn không thay đổi.
Nhưng chiến tranh, cùng một số sai lầm trong chính sách quản lý xã hội, làm cho đô thị Hà Nội có nhiều biến đổi, và chất thanh lịch của con người cũng dần phôi pha. Chính sách xóa bỏ tư sản tư thương cũng xoá sổ luôn tầng lớp trung lưu của Hà Nội. Tầng lớp trung lưu là những người lưu giữ nhiều nhất các di sản văn hóa của một xã hội.
Cơ cấu nhân khẩu học thay đổi, nhiều thành phần dân cư mới về Hà Nội, mang theo nhiều nếp sống vùng miền khác nhau. Mỗi số nhà ngày trước là của một gia đình nay chia cho hàng chục gia đình. Ở thì chật chội ra đụng vào chạm, còn đâu là thanh tao, lịch lãm.
Thời Đổi Mới, xóa bỏ bao cấp, kinh tế phát triển. Đô thị Hà Nội phát triển, cư dân tăng cơ học nhanh, hàng triệu người từ mọi miền nhập cư vào Hà Nội. Bùng nổ xây dựng, các di sản kiến trúc bắt đầu mất mát và ngày càng nguy cấp. Quy hoạch đô thị lúng túng, các vấn nạn của một siêu đô thị xuất hiện và ngày càng trầm trọng: tắc đường, ngập úng, hỏa hoạn cháy nổ, ô nhiễm môi trường sống, thiếu trường học, thiếu bệnh viện…
Những công dân mới đến thất vọng tràn trề, Hà Nội không như người ta nghĩ. Người Hà Nội thanh lịch đâu rồi, mà thấy bún mắng cháo chửi, nói năng chanh chua chỏng lỏn, xả rác bừa bãi, va chạm giao thông một chút là yêng hùng “biết bố mày là ai không”. Tất cả những điều đó như khứa vào trái tim những người yêu Hà Nội.
Tôi hiểu thời gian trôi đi, sự vật cũng thay đổi, không thể còn mãi như xưa. Vì thế khi diện tích và dân cư Hà Nội tăng lên gấp hàng chục lần, nội hàm “người Hà Nội” không thể còn như cũ. Vậy nội hàm mới của “người Hà Nội” là gì? Tôi nghĩ khái niệm “người Hà Nội mới” đang hình thành, các cư dân mới đang trong quá trình kế thừa và xây dựng bản sắc.
Tôi mừng là chính quyền đã có chương trình khôi phục lại nét thanh lịch của Hà Nội xưa. Nếp sống thanh lịch được dần hình thành qua nhiều thế hệ, tự nhiên ngấm vào mỗi gia đình, mỗi con người. Tuy nhiên hoàn toàn có thể diễn giải nếp sống tốt đẹp đó bằng những quy định cụ thể để dễ dàng thực hiện. Thanh lịch trước hết là biết tuân thủ những quy tắc sống đô thị một cách tỉ mỉ.
Việc xây dựng nếp sống thanh lịch có thể cần đến thưởng phạt. Giải thưởng “Công dân Thủ đô tiêu biểu” đã có nhưng còn nặng về thành tích lao động, mà chưa chú ý biểu dương một lối sống. Còn phạt thì phạt như thế nào được?
“Thềm nhà có rác, phạt. Phơi quần áo, tã lót, chiếu trước cửa, phạt. Cống bẩn, phạt. Đánh nhau phạt cả đôi bên”. Những câu vừa rồi không phải là đề xuất của tôi, mà là nhà văn Tô Hoài kể trong cuốn “Chuyện cũ Hà Nội”. Từ một thế kỷ trước, người Pháp đã xây dựng nếp sống đô thị cho Hà Nội như vậy.
Hơn 30 năm trước, đạo diễn Trần Văn Thủy trong tác phẩm “Hà Nội trong mắt ai” đã lo lắng Hà Nội dần trở thành một cái làng lớn. Đánh mất di sản kiến trúc, đánh mất di sản tinh thần, Hà Nội thành một đô thị nhạt nhòa không tên. Đấy là nỗi lo của những người yêu Hà Nội khi chứng kiến đô thị ngày một rộng thêm, người ngày một đông thêm, nhưng xa lạ vô cùng, như là ở đâu chứ không phải là Hà Nội. Nhạc sĩ Phú Quang tha thiết “Tôi muốn mang Hồ Gươm đi trú đông, nhưng làm sao mang nổi cả sông Hồng”.
Hà Nội vẫn là thành phố gây thương nhớ đến lạ lùng. Những người con đi xa sẽ nhớ Hà Nội đến quay quắt, còn những người từng có năm tháng sống ở Hà Nội thì luôn bồi hồi nhớ về những năm tháng của đời người ở đây. Và thật lạ là cả những người chưa một lần đặt chân tới Hà Nội cũng nhớ Hà Nội da diết. Phải chăng đó chính là chiều sâu văn hóa. Qua những khúc quanh của lịch sử, Hà Nội dần hồi sinh và đẹp hơn xưa.
“Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây.
Đây lắng hồn núi sông ngàn năm”.
Hà Nội có sức cảm hóa bí ẩn. Chỉ cần bạn yêu Hà Nội, chung tay xây dựng Hà Nội, bạn sẽ là người Hà Nội.
Quan Thế Dân
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nguoi-ha-noi-4800840.html