Lần đầu tiên thấy tôi ôm gối và tranh thủ chợp mắt khoảng 15 phút trong giờ nghỉ trưa ngay bàn làm việc, hầu như ai cũng ngạc nhiên.
John, ngồi kế bên, bảo tôi rằng, anh ấy không bao giờ ngủ trưa, và ở Mỹ – quê hương anh, gần như không có văn hóa ngủ trưa. Thông thường, sau khi ăn trưa, John xem YouTube, nghe nhạc trên máy tính hoặc lướt điện thoại.
Tôi giải thích rằng, đây gần như là một phần thói quen của tôi, nhất là trong những ngày nắng nóng. Tôi thường uống một cốc cà phê loãng trước khi ngủ trưa trong khoảng 10-20 phút. Phương pháp kết hợp caffeine và giấc ngủ ngắn như vậy gọi là coffee nap, giúp tôi sảng khoái hơn, tăng sự tỉnh táo và giảm cảm giác mệt mỏi sau khi thức dậy, từ đó nâng cao năng suất làm việc và tập trung.
Chỉ sau một thời gian ngắn, John cũng bắt chước tôi và anh cảm thấy đôi mắt đỡ khô mỏi và thoải mái hơn rất nhiều.
Tìm hiểu về văn hóa ngủ trưa ở các nước trên thế giới, tôi nhận ra nhiều điều thú vị. Ngủ trưa là thói quen phổ biến ở không ít quốc gia, và lý do đằng sau việc này thường liên quan đến các yếu tố văn hóa, lối sống, đặc biệt là khí hậu. Nhiệt độ và độ ẩm không khí cao làm cho cơ thể dễ mệt mỏi hơn. Ngủ trưa giúp phục hồi năng lượng và làm dịu cơ thể trong những ngày nắng nóng.
Ngoài một số nước châu Á, tại châu Âu, cụ thể là khu vực Địa Trung Hải với khí hậu ấm áp, Tây Ban Nha nổi tiếng với văn hóa “siesta”. Người Italy cũng có thói quen ngủ trưa, gọi là “riposo”- cửa hàng và văn phòng tại các thị trấn nhỏ thường đóng cửa vào buổi trưa để mọi người nghỉ ngơi và ăn trưa cùng gia đình. Mexico và Brazil ở Mỹ Latin cũng có văn hóa ngủ trưa tương tự Tây Ban Nha.
Ở phần lớn quốc gia Âu-Mỹ còn lại, ngủ trưa ở công sở không phổ biến, do lịch trình làm việc và quan niệm về sự chuyên nghiệp. Tuy nhiên, xu hướng này đang dần thay đổi khi các nghiên cứu về lợi ích của giấc ngủ ngắn ngày càng được công nhận rộng rãi.
Các công ty công nghệ lớn tại Thung lũng Silicon như Google, Facebook hay Apple bắt đầu chú trọng đến việc cung cấp không gian nghỉ ngơi cho nhân viên, bao gồm cả khu vực ngủ trưa. Trong những năm gần đây, một số doanh nghiệp công nghệ tại Singapore bao gồm SAP, Google và Shopee, đã lắp đặt các ghế ngủ tại văn phòng. Đại học Công nghệ Nanyang NTU còn thiết lập một buồng nghỉ ngơi trong thư viện cho sinh viên vào năm ngoái.
Việc coi trọng giấc ngủ là rất quan trọng. Một nghiên cứu của RAND Corporation vào năm 2018 chỉ ra rằng thiếu ngủ có thể gây mất tới 3% GDP của một quốc gia. Theo nghiên cứu gần đây, hơn một phần tư số lao động thuộc thế hệ Gen Z tìm kiếm các lợi ích tại nơi làm việc giúp họ đối phó với căng thẳng, bao gồm các buồng ngủ ngắn, phòng thiền và ghế massage tự động.
Trên bàn, dưới đất, hay ngay cả trên ghế làm việc chính, là hình ảnh những người công sở Việt Nam chật vật với giấc ngủ trưa. Trong không gian hạn chế, họ thường phải chiến đấu với sự mệt mỏi và cảm giác buồn ngủ sau buổi ăn trưa. Chất lượng giấc ngủ không đảm bảo, mặt khác còn ít nhiều ảnh hưởng đến mỹ quan công sở.
Vì vậy, thiết kế không gian nghỉ trưa ở công sở là vô cùng quan trọng để đảm bảo nhân viên có môi trường nghỉ ngơi hiệu quả, gần với khu vực làm việc nhưng vẫn đảm bảo sự riêng tư.
Về diện tích, mỗi chỗ nghỉ ngơi nên có khoảng từ 1,5 đến 2 mét vuông đủ không gian cho một chỗ nằm. Sức chứa của khu vực cũng nên phù hợp với quy mô công ty, thường khoảng 30-40% tổng số nhân viên, để đảm bảo không gian luôn thoải mái và không quá đông đúc.
Có những tiêu chuẩn nhất định đối với khu vực nghỉ trưa, về nhiệt độ, ánh sáng, vùng phân chia nam nữ. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào ở Việt Nam cũng có điều kiện đáp ứng ngay được, nên theo tôi, có thể trang bị một số tiện nghi cơ bản như ghế nằm, chăn, gối gấp gọn. Điều này khuyến khích nhân viên thực hiện thói quen ngủ trưa lành mạnh, giúp họ cảm thấy sảng khoái và chuẩn bị tinh thần cho các hoạt động làm việc chiều.
Sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp khuyến khích nhân viên kết hợp linh hoạt giữa tới công ty và làm việc từ xa nếu có thể. Vì thế, văn phòng trở nên rộng rãi hơn. Các công ty có thể tận dụng các phòng họp không sử dụng vào giờ nghỉ trưa để chuyển đổi thông mình thành khu vực nghỉ ngơi cho nhân viên.
Quan tâm đến sức khỏe tinh thần và năng suất của nhân viên là mục tiêu quan trọng mà mọi doanh nghiệp đều cân nhắc một cách nghiêm túc, đặc biệt trong bối cảnh áp lực công việc và sự cạnh tranh ngày càng tăng cao.
Trình Phương Quân
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ngu-trua-noi-cong-so-4762162.html