Tuần trước, tôi vừa nhập những điểm cuối cùng trong năm học của sinh viên để trình hội đồng đánh giá. David liên hệ với tôi, thắc mắc lý do bài thi của cậu không đạt.
Điểm cuối cùng này sẽ ảnh hưởng khá nhiều tới đánh giá tổng kết chung nên David có phần hoảng sợ, dẫn đến cư xử thiếu chừng mực. Mẹ cậu cũng đến trường yêu cầu lời giải thích nhưng chúng tôi từ chối cung cấp thêm thông tin cho gia đình vì David đã đủ tuổi trưởng thành. Sau đó, bằng những email chung cho cả khóa học cũng như email riêng cho David, giảng viên chúng tôi đã trả lời đầy đủ thắc mắc của David.
Những sự cố này không xảy ra thường xuyên nhưng cũng không hi hữu. Tiếp nhận và giải quyết khiếu nại về điểm số là một phần công việc của giảng viên chúng tôi. Một chuyện thông thường có trở nên đặc biệt hay không phụ thuộc vào việc liệu nó có được giải quyết thỏa đáng bởi các bên liên quan.
Không may mắn và suôn sẻ như tôi, một nữ giảng viên ở TP HCM vừa bị nhà trường ngừng hợp đồng sau phản ứng của gia đình sinh viên, và rồi được nhận lại sau phản ứng mạnh mẽ của dư luận cũng như động thái kiểm tra của nhà chức trách. Các quyết định của trường chủ yếu gắn liền với sự kiện điểm 0 (được đánh giá bởi giảng viên) và điểm 5 (bởi hội đồng phúc khảo sau đó) kèm theo những trao đổi qua lại giữa giảng viên và sinh viên trong một nhóm chat chung.
Vấn đề là, nếu có cuộc “khủng hoảng” tương tự xảy ra ở một trường học khác tại Việt Nam, tôi e là sự lúng túng có thể lặp lại. Các nhóm chat trên Zalo hay Messenger vẫn thường xuyên được dùng để trao đổi thông tin, trong khi nhà trường không có khả năng giám sát và điều chỉnh hành vi của những người tham gia trên các kênh đó. Việc đánh giá bài làm vẫn phụ thuộc nhiều vào cảm tính chủ quan của người chấm mà thiếu sự thống nhất chi tiết và các quy định chung từ nhà trường.
Vậy đâu là một quy trình chuyên nghiệp nên được áp dụng trong nhà trường nhằm có cách xử lý phù hợp và ngăn ngừa tổn hại đến các bên liên quan khi xảy ra khiếu nại về đánh giá, chấm điểm?
Trong khuôn khổ nơi làm việc, chúng tôi chỉ được phép trao đổi thông tin bằng hệ thống email hoặc các kênh trò chuyện nội bộ. Việc sử dụng hệ thống của tổ chức khiến mỗi người phải ý thức tự kiềm chế bản thân trong mọi giao tiếp liên quan công việc – giữa giảng viên với đồng nghiệp, với sinh viên, và giữa sinh viên với nhau. Từng có những nhóm sinh viên sử dụng các hệ thống thông tin bên ngoài để giao tiếp trong việc học và sinh hoạt, rồi để xảy ra những sự cố nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà trường. Những lúc đó, quy định pháp luật chung sẽ được sử dụng để điều chỉnh các hành vi thay cho sự quản lý của trường – điều mà cả nhà trường và sinh viên đều không mong muốn.
Đối với việc đánh giá bài làm của sinh viên, trước hết nhà trường có những quy định chung về các chuẩn bài làm nói chung. Thông thường, những quy định chung này liên quan tới các vấn đề về đạo đức cũng như về tác phong chuẩn mực. Kế tiếp, giảng viên phụ trách sẽ có những yêu cầu riêng để vừa bảo đảm sự nghiêm túc của thầy và trò cũng như linh hoạt theo tình hình lớp học, nhưng không xung đột với quy định của trường. Cuối cùng, để đánh giá về chuyên môn, nhà trường có bảng chấm điểm với các tiêu chí chi tiết được chuẩn bị trước. Giảng viên chúng tôi nhận thức được rằng mỗi bài làm của sinh viên là một sản phẩm trí tuệ của chính sinh viên đó và chúng tôi có nghĩa vụ phải bảo vệ thông tin về sản phẩm ấy.
Việc sinh viên thắc mắc, khiếu nại kết quả bài thi là chuyện hết sức bình thường và cũng là quyền lợi, trách nhiệm của cả sinh viên lẫn giảng viên nhằm góp phần xây dựng trường học minh bạch. Vì vậy, những quy định về đánh giá bài làm nêu trên là căn cứ để giảng viên tự chất vấn lại bản thân cũng như để trả lời thắc mắc của sinh viên. Với những thắc mắc mang tính hệ thống liên quan nhiều sinh viên cũng như các quy định hay tiêu chí chung, tôi thường gửi email cho tất cả. Với những chi tiết liên quan tới bài làm của cá nhân, tôi sẽ chỉ trao đổi riêng với chính sinh viên đó.
Trong trường hợp của David, tôi gửi một email chung cho cả khóa để nhắc lại các yêu cầu về bài thi (hình thức, thời gian) cũng như quy định của nhà trường về việc xem xét kỷ luật khi vắng thi hoặc trễ hạn nộp bài mà không có lý do phù hợp. Tôi cũng gửi một email riêng cho David với bằng chứng cho thấy cậu đã không tuân thủ các quy định, và giải thích vì sao bài làm của cậu được ấn định ở mức điểm đó. Kết quả này của David đã được tôi ghi vào hồ sơ kèm những dẫn chứng như trên khi trình lên hội đồng chuẩn y kết quả đánh giá cuối năm. Hội đồng căn cứ theo những đề xuất và bằng chứng tôi cung cấp để phê duyệt.
Nếu các nhóm chat công cộng được sử dụng, và ở đó giảng viên cũng như sinh viên không có đủ ý thức giữ mình trong phạm vi công việc, sẽ dẫn đến một hệ lụy khác: chi tiết bài làm của một sinh viên được cung cấp trong một nhóm nhiều sinh viên khác khiến sản phẩm trí tuệ của cá nhân này không được bảo vệ. Khi sản phẩm rò rỉ ra ngoài, lên internet chẳng hạn, nó sẽ được đánh giá bởi một “hội đồng online” rộng lớn, bao gồm cả những người cảm tính, thiếu chuyên môn. Lúc bấy giờ, giảng viên và hội đồng trường, thay vì là người đánh giá, lại chịu sức ép bởi những phán xét của đám đông. Các quyết định chưa được suy xét kỹ của trường học trên có thể bắt nguồn từ sức ép này.
Cuối cùng, mong muốn làm hài lòng khách hàng là điều chính đáng với mọi trường học, nhưng chỉ có thể dựa trên việc cung cấp dịch vụ dạy học công bằng và chất lượng, thay vì chạy theo những yêu sách (trong nhiều trường hợp là phi lý) của học sinh và phụ huynh.
Các nhà trường có chuyên nghiệp mới hy vọng sản phẩm của họ – sinh viên – được chuyên nghiệp, nhằm góp phần nâng cao chất lượng lao động của nước nhà.
Võ Nhật Vinh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/neu-giang-vien-bi-kien-4789551.html