Một thương nhân nước ngoài kinh ngạc khi nghe tôi chia sẻ câu chuyện về 573 loại sữa bột giả vừa bị phát hiện, sau bốn năm âm thầm “bồi bổ” cho trẻ sơ sinh, bà bầu, người già và bệnh nhân.
“Rồi sao? Họ sẽ khởi kiện bồi thường thiệt hại chứ?”.
“Họ” trong câu hỏi của ông là các khách hàng trót uống phải sữa giả. Tôi lắc đầu, chuyển sang đề tài khác, không muốn tiếp tục câu chuyện sẽ rất dài dòng về việc vì sao người tiêu dùng ở Việt Nam chưa có đủ quyền để tự bảo vệ mình.
Cùng với sữa giả, sự việc kẹo rau củ cũng mới xảy ra cho thấy lỗ hổng rất lớn trong quản lý nhà nước tại Việt Nam. Các cơ quan hành chính vẫn giữ khư khư quyền lực, nhưng lại không đủ thực lực, không theo kịp sự phát triển của nền kinh tế.
Trước đây, quản lý thực phẩm tại Việt Nam là “tiền kiểm, hậu buông”. Tức sản phẩm của doanh nghiệp bị kiểm tra hết sức chặt chẽ trước khi đưa ra thị trường. Nhưng khi đã ra thị trường rồi thì gần như buông lỏng, thiếu giám sát.
Nghị định 15 năm 2018 muốn chuyển sang cơ chế “tiền đăng, hậu kiểm”. Tức là trước khi đưa hàng ra, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký chất lượng, rồi được bán hàng luôn. Nhà nước sẽ hậu kiểm để xử lý các trường hợp sai phạm sau đó. Nhưng trên thực tế, dường như chỉ có phần “tiền đăng” được thực hiện, còn “hậu kiểm” hầu như không có, nói cách khác là “tiền đăng, hậu buông”.
Kết quả là người tiêu dùng lãnh đủ.
Vậy giải pháp là gì?
Tôi thấy có ba khả năng.
Một là quay trở lại cơ chế tiền kiểm. Nhưng cách làm này không khác gì “một người đau bụng, bắt cả làng uống thuốc”. Doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng sẽ chịu gánh nặng chi phí thủ tục hành chính. Đây là sự lãng phí, và làm thui chột cơ hội kinh doanh, cuối cùng là chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Khả năng này lại được nhiều người ủng hộ, vì nghe có vẻ chặt chẽ. Nhưng hệ quả sẽ rất xấu cho nền kinh tế. Mục tiêu tăng trưởng 8% hay 10% sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hai là đầu tư thêm cho cơ quan hành chính để họ hậu kiểm tốt hơn. Các đơn vị này sẽ đi lấy mẫu nhiều hơn và có quyền xử phạt nặng hơn các trường hợp vi phạm.
Cách làm này tốt, nhưng sẽ đối mặt với nguy cơ phình to bộ máy nhà nước, tốn kém nguồn lực ngân sách, nhất là trong bối cảnh tinh giản. Thêm vào đó, quyền xử phạt nặng hơn có thể khiến tham nhũng tiêu cực trở nên phổ biến hơn. Và khi có tham nhũng, kẻ vi phạm sẽ hối lộ để tiếp tục bán hàng giả.
Có thể hiện đại hóa công tác hậu kiểm bằng cách đưa dữ liệu vào để quản lý theo rủi ro. Dữ liệu sẽ tính ra trường hợp nào rủi ro cao thì tần suất lấy mẫu cao hơn, rủi ro thấp thì lấy mẫu kiểm tra ít hơn. Đây cũng là một giải pháp tốt nhưng cần có thời gian để xây dựng hệ thống dữ liệu.
Ba là trao quyền cho người tiêu dùng tự bảo vệ mình thông qua hệ thống tư pháp với hai sửa đổi: cho phép khởi kiện tập thể và áp dụng thiệt hại trừng phạt.
Hiện nay, người tiêu dùng hiếm khi đi kiện khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Lý do là vì kiện thì được bồi thường có một tí, mà công theo kiện quá nhiều. Pháp luật dân sự của Việt Nam vẫn xử các vụ kiện đơn lẻ và chỉ cho phép bồi thường thiệt hại thực tế. Để tháo gỡ vấn đề này, cần giảm chi phí kiện cáo và tăng số tiền bồi thường trong các vụ việc để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Giảm chi phí kiện cáo có thể thực hiện bằng cách cho phép khởi kiện tập thể. Tức là cho phép nhiều người tiêu dùng bị thiệt hại từ hàng giả của một công ty được quyền chung tên trên đơn kiện công ty đó. Như vậy, chi phí theo kiện sẽ được chia đều cho nhiều người. Bộ luật Tố tụng dân sự của Việt Nam có quy định về tách nhập vụ án, và quyền làm việc này phụ thuộc vào thẩm phán.
Trong quá trình thảo luận Bộ luật Tố tụng dân sự, nhiều người cũng đề xuất cơ chế khởi kiện tập thể nhưng chưa thành hiện thực do những lo ngại liên quan đến rủi ro về an ninh trật tự. Nếu vẫn chưa sẵn sàng cơ chế khởi kiện tập thể cho tất cả các loại tranh chấp dân sự, theo tôi có thể mở ra dần cho lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là về chất lượng sản phẩm hàng hoá.
Tăng số tiền bồi thường bằng cách áp dụng thiệt hại trừng phạt. Tức là thay vì mức bồi thường bằng thiệt hại thực tế thì có thể cho phép thẩm phán quyết định mức bồi thường cao hơn nhiều, gọi là thiệt hại trừng phạt.
Ví dụ, trong vụ việc kẹo rau củ, người tiêu dùng mang kẹo đi kiểm nghiệm phải tự chịu chi phí này. Nếu khởi kiện và thắng thì được bồi thường số tiền bằng giá trị gói kẹo. Rõ ràng là rất ít người muốn làm vậy và cũng vì thế mà các doanh nghiệp không sợ bị người tiêu dùng kiện.
Nhưng nếu có quy định về thiệt hại trừng phạt, thẩm phán có thể yêu cầu hãng kẹo bồi thường gấp hàng trăm, hàng nghìn lần giá trị gói kẹo. Số tiền này sẽ được tính dựa trên quy mô và tác động xã hội tiềm tàng của hành vi vi phạm.
Ở Mỹ có những vụ kiện người tiêu dùng được bồi thường hàng triệu USD chính là vì thiệt hại trừng phạt này. Số tiền lớn vừa có tác dụng trừng phạt kẻ làm sai, lại khuyến khích người tiêu dùng chủ động phát hiện và khởi kiện.
Tôi hoàn toàn đồng tình với Bộ Y tế khi cho rằng cơ chế quản lý “tự công bố” của Nghị định 15 là rất hiện đại, tương tự cách làm của các nước tiên tiến. Tuy nhiên, ta không thể chỉ học một nửa sự tiên tiến đó, nửa còn lại khó học hơn, nằm ngoài thẩm quyền của Bộ Y tế, nhưng nhất thiết cần được triển khai.
Nguyễn Minh Đức
Nguồn tin: https://vnexpress.net/mua-nham-sua-gia-kien-ai-4874978.html