Thông là tên khai sinh của cậu, nhưng người làng và họ hàng quen gọi cậu là Thông “May”, với “ba phần khen, bảy phần ghen tỵ”, ngụ ý người đâu mà may mắn hết phần thiên hạ.
Thông thừa hưởng trí thông minh và lấy hết mọi nét đẹp hình hài của cả bố và mẹ, nên nổi bật hơn hẳn đám trẻ cùng trang lứa. Cậu lại còn rất may mắn trong đường học hành thi cử, từ khi vào lớp một cho tới lúc tốt nghiệp cử nhân. Việc trở thành học sinh chuyên của Thông như thể là tất yếu và chuyện cậu trúng tuyển vào khoa hot nhất của trường đại học danh tiếng cũng không khiến mấy ai ngạc nhiên.
Nhưng khi gặp lại tôi sau hai năm tốt nghiệp cử nhân ngành Khoa học máy tính, Thông thất thần khi được hỏi thăm về công việc. Cậu nói đã gửi hàng chục bộ CV và cũng từng đi làm chỗ này chỗ nọ, nhưng chưa trụ lại được ở nơi nào, tóm lại là vẫn đang thất nghiệp.
Cậu nói rằng tại Mỹ, quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin, nơi được coi là “cái thùng không đáy” hút nhân lực IT, rất nhiều bạn cùng nghề cậu đã bị giãn việc, hồi hương. Cậu còn dẫn số liệu của Layoffs, trong năm 2023 có hơn 238.000 chuyên gia công nghệ thông tin bị sa thải. Năm 2024, sự bùng nổ của AI trong lòng các tập đoàn khổng lồ như Meta, Amazon, Microsoft, Google tiếp tục khiến hàng chục nghìn nhân viên mất việc.
Thông vì thế không chỉ phải cạnh tranh với người cùng lứa được đào tạo trong nước mà còn phải giành việc với đội ngũ nhân lực hồi hương cũng như đồng nghiệp trong khu vực, ở một thời đại mà ngồi ở nước này hoàn toàn có thể làm việc cho nước khác.
“Nếu chú là người tuyển dụng, chú sẽ không một giây cân nhắc giữa ứng viên chưa ‘bóc tem’ như cháu với một nhân viên được đào tạo ở Mỹ và có vài năm kinh nghiệm tại Google”, cậu nói với vẻ mặt buồn thiu, trước khi chốt: “Bằng cử nhân giờ chả biết để làm gì chú ạ”.
Với tôi, PC chỉ như chiếc máy chữ cắm điện, còn những Chat GPT, Gemini… tôi cùng lắm chỉ dám mon men để giải trí đầu óc, thì những vấn đề của giới IT tôi có muốn quan tâm, cũng khó lòng biết gì mà khuyên nhủ. Nhưng câu chuyện của Thông không khỏi khiến tôi nghĩ ngợi về chuyện: phải làm gì trước một thế giới biến động nhanh hơn ta kịp trở tay?
Tôi nhìn lại thế hệ mình và những năm tháng chúng tôi đã đi qua. Chúng tôi cũng có những lúc chìm trong khó khăn vì chiến tranh, cấm vận kinh tế, nhưng vẫn phải lựa thời, thuận thế, tìm kế sinh nhai. Biết bao người không chỉ cứu được mình mà còn cứu cả nhà bằng những nghề mà ngày nay nếu nhắc lại, lớp trẻ khó có thể hình dung.
Chẳng hạn, giai đoạn những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, mọi người đều biết công nghệ làm mới áo sơ mi bằng cách “lộn cổ”. Lúc bấy giờ, mỗi người có một vài cái áo sơ mi thôi, mặc đến độ cổ áo sờn rách, nảy sinh nhu cầu “làm mới” cái áo, trông cho nó đàng hoàng bằng cách lộn cổ sơ mi. Đơn giản như vậy, nhưng chỉ cần làm mới 10 cái cổ áo mỗi ngày, một người không hộ khẩu, không tem phiếu, không cửa hàng có thể đổi được 13 kg lương thực – mức cấp hàng tháng cho cán bộ, nuôi sống được cả gia đình.
Sau này, khi nguồn cung vải vóc thừa đáp ứng nhu cầu của xã hội, nghề vá, chữa quần áo dần biến mất. Nhưng nhiều người thợ lộn cổ sơ mi mà tôi biết đã không để mình rơi vào khủng hoảng. Họ, hoặc đã tích lũy đủ tài chính để mở cửa hàng buôn bán vải vóc; hoặc tự nâng cấp bản thân, trở thành thợ may đúng nghĩa, chứ không chỉ còn là người sửa cổ áo. Ở Hà Nội, giới sành điệu đều biết những tiệm quần áo nổi tiếng ở phố Thợ Nhuộm.
Cũng thời bao cấp thiếu thốn, người Việt sáng tạo đến độ tạo ra những nghề độc nhất vô nhị như lộn xích, cân vành xe đạp… khiến trong điều kiện cấm vận khó khăn, những chiếc xe đạp vẫn có thể “lăn bánh” trên đường phố. Thế hệ chúng tôi đã quá quen thuộc với hình ảnh những người thợ – chỉ với chiếc bơm, cái cờ lê, hộp nhựa vá, chậu đựng nước để khám vết thủng săm xe và một gốc cây râm mát – là đã có thể kiếm tiền.
Giống như thợ lộn cổ sơ mi, sau này, khi việc cung ứng phụ tùng xe đã đủ nhu cầu và xe máy trở nên phổ biến, nhiều người trong số thợ chữa xe đạp ngày ấy cũng phải giải nghệ hoặc trải qua một cuộc chuyển đổi nghề nghiệp. Những người tháo vát, thức thời có thể thành chủ các gara sửa chữa lớn hơn.
So sánh bao giờ cũng gây nên cảm giác khập khiễng, nhưng khi nhìn lại, tôi thấy rằng, thế giới này không bao giờ ngừng biến động và cái mới liên tục sinh ra, xóa sổ cái cũ. Công việc, nghề nghiệp cũng vậy. Các nghiên cứu đã dự báo khoảng một nửa số việc đang có hiện nay sẽ bị cắt giảm trong dăm bảy năm tới do sự đổi mới của công nghệ. Nhưng bối cảnh đó cũng sẽ tạo ra nhiều công việc mới chưa từng có, bao nhiêu cơ hội nghề nghiệp nếu ta đủ tháo vát để nhìn thấy. Con người, không có cách nào khác, là phải sáng tạo và nâng cấp bản thân để thích ứng với những thăng trầm của sinh kế.
Thông – cậu bạn trẻ của tôi – sẽ không thể chỉ dựa vào may mắn, mà còn cần thông thạo công việc, và thông tuệ trước các cơ hội nghề nghiệp. Trong một thời đại khó xác định đâu là nghề hot, việc thời thượng, khái niệm “người học cả đời” (long life learner) cần trở thành tâm thế quan trọng nhất với những người trẻ sắp bước chân vào thị trường lao động.
Tô Ngọc Doanh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/lon-co-so-mi-can-vanh-xe-dap-4786973.html