Hoa ở trọ nhà tôi 10 năm nay, từ khi cô tầm 20 tuổi. Hoa chưa lấy chồng, dù có vẻ bề ngoài ưa nhìn và gia đình hối thúc triền miên.
Hoa làm cho một công ty dệt may của nước ngoài. Cô thường đi làm theo hai ca cố định, ca một hoặc ca ba, mỗi ca 12 giờ đồng hồ, tính cả bốn giờ tăng ca. Nhờ có việc đều, tăng ca thường xuyên, thu nhập của cô khá tốt.
Nhưng Hoa gặp phải một vấn đề cá nhân, ngoài công việc, nhưng là hệ lụy trực tiếp từ tính chất của công việc, tôi gọi là bệnh nghề nghiệp: lúc nào cô cũng cảm thấy mệt, buồn ngủ và gần như không có thời gian gặp gỡ bạn bè, đi chơi đây đó. Chủ nhật và tất cả thời gian rảnh rỗi khác nếu có, cô đều muốn được ngủ, hoặc ít nhất nằm nghỉ ngơi trong căn phòng nhỏ cùng hai người bạn khác của mình.
Sáng sớm, 5h30, Hoa đã thức dậy để có mặt ở công ty lúc 5h55. Tối, 18h30 cô mới về đến nhà, tranh thủ tắm rửa, giặt giũ, nấu ăn cho buổi sáng mai. Thi thoảng Hoa cũng đi cà phê, ăn uống với bạn bè nhưng rất chốc lát. Đi chơi đâu đó xa một chút như Vũng Tàu, Phan Thiết là điều xa xỉ, không phải vì điều kiện tài chính mà là vấn đề thời gian. Một ngày nghỉ qua nhanh lắm, chưa đi đã phải về, rất cập rập. Số ngày nghỉ phép năm cô để dành, phòng khi bản thân, gia đình có việc mới dùng đến.
Vợ chồng tôi nhắc chuyện chồng con, Hoa nói: tối ngày ở công ty, có quen được ai đâu anh chị. Tuổi xuân của cô cứ trôi dần sau cánh cửa nhà máy. Tôi tin Hoa là một trong những người khiến tình trạng kết hôn muộn, sinh con muộn đang có xu hướng tăng ở Việt Nam.
Hoa nói với tôi, giá như mỗi tháng có thêm chỉ một ngày nghỉ, cô sẽ giải quyết được bao nhiêu việc. Cô có thời gian đi chơi cho biết đó biết đây, dù chỉ loanh quanh các tỉnh lân cận, rồi có thời gian tìm hiểu, hẹn hò… Nếu có thời gian dài hơn để nghỉ ngơi, nạp năng lượng, Hoa tin là cô và các đồng nghiệp sẽ làm việc hiệu quả hơn.
Luật lao động hiện hành quy định, mỗi tuần người lao động làm không quá 48 giờ. Nghĩa là người sử dụng lao động có thể yêu cầu người lao động làm ít nhất 6 ngày mỗi tuần, 8 giờ mỗi ngày. Đây là thời gian làm việc dành cho người lao động không phải công viên chức nhà nước.
Theo dữ liệu Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố, Việt Nam thuộc nhóm các nước có thời gian làm việc cao nhất thế giới và khu vực. Năm 2023, người Đông Nam Á làm việc trung bình 40,1 giờ/tuần. Tổng thời gian làm việc trong năm ở Việt Nam (đã trừ thời gian nghỉ lễ) là 2.320 giờ, cao hơn Indonesia 440 giờ, hơn Campuchia 184 giờ, hơn Singapore 176 giờ…
Cũng theo ILO, chỉ có hai nước có số giờ làm việc trên 48 giờ/tuần, một phần ba số quốc gia áp dụng làm 48 giờ giống Việt Nam và khoảng hai phần ba các nước có 48 giờ/tuần trở xuống.
Số ngày nghỉ lễ, tết của Việt Nam, 11 ngày, ở nhóm nước trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực: Campuchia (là 28), Brunei (15), Indonesia (16), Malaysia (13), Myanmar (14), Philippines (19), Thái Lan (16), Lào (12), Trung Quốc (21), Nhật Bản (16).
Chỉ tính riêng trong nước, giờ làm của người lao động ở các tổ chức hoạt động theo luật doanh nghiệp cũng đã tụt hậu gần 30 năm so với khối công viên chức. Bởi từ 1999, công viên chức Nhà nước đã làm việc 5 ngày/tuần.
Với những người lao động văn phòng như chúng tôi, một trong những tiêu chí rất quan trọng khi tìm việc là công ty có ngày nghỉ thứ bảy được hưởng lương trong tháng. Chỉ một hai ngày trong tháng thôi cũng được. Như vậy chúng tôi sẽ được nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình, mua sắm, du lịch và đặc biệt là để hồi phục năng lượng, sức khỏe nhằm làm việc tốt và năng suất hơn cho những ngày tiếp theo.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây đề xuất giảm giờ làm việc bình thường của người lao động xuống thấp hơn 48 giờ/tuần. Đây không phải lần đầu tiên vấn đề này được nêu ra. Việt Nam vẫn phải nhấc lên đặt xuống khi xem xét điều chỉnh, giảm bớt thời gian cho người lao động, vì đây là một chính sách có tác động lớn đến khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Cộng đồng doanh nghiệp lo ngại rằng, trong khi năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, việc giảm giờ làm xuống dưới 48 giờ/ tuần sẽ khiến chi phí lao động tăng lên, ảnh hưởng đến sự phát triển của cả nền kinh tế. Xung đột lớn nằm ở chỗ: không dễ gì để vừa giảm giờ làm vừa tăng lương, hoặc thậm chí giữ nguyên lương cho người lao động.
Tuy nhiên, năng suất không phụ thuộc vào thời gian lao động. Năng suất lao động của một quốc gia phụ thuộc trước hết vào hiệu quả sử dụng lao động kết hợp với các yếu tố sản xuất khác, như máy móc và công nghệ. Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn Kinh tế và Kinh doanh (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho thấy năng suất lao động của một quốc gia, đặc biệt là quốc gia đang phát triển như Việt Nam, chủ yếu bị ảnh hưởng bởi các yếu tố: Quy mô nền kinh tế; Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Chất lượng nguồn nhân lực; Trình độ kỹ thuật và khoa học công nghệ; Trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực.
Những yếu tố này đều cần thời gian và nhiều nguồn lực để cải thiện, nhưng về lâu dài, chắc chắn không thể dựa mãi vào việc “bào mòn sức người” như một lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư nước ngoài.
Đặng Quỳnh Giang
Nguồn tin: https://vnexpress.net/lam-viec-12-tieng-moi-ngay-4785933.html