Tôi gọi vui dạng đề thi hoặc bài tập phi thực tế trong môn hóa là “canh chua chiên giòn”.
Chẳng hạn, bài cho trộn lẫn rất nhiều chất rồi tiến hành đốt cháy, sau đó dẫn các sản phẩm cháy đi qua rất nhiều thí nghiệm khác nhau, tạo ra bao nhiêu gam kết tủa và bao nhiêu lít khí ở điều kiện tiêu chuẩn. Cuối cùng, đề bài lại hỏi khối lượng của một chất ban đầu trong hỗn hợp.
Bài tập dạng này có những giá trị lý thuyết nhất định nhưng hầu như không có ý nghĩa thực tiễn. Vì trong phòng thí nghiệm, muốn biết khối lượng của một chất chỉ cần cân chất đó. Thiết lập một quy trình thí nghiệm để tính được khối lượng kết tủa hay đo được thể tích khí ở điều kiện tiêu chuẩn phức tạp hơn rất nhiều lần so với cân một chất. Đề bài đã cho khối lượng kết tủa, nghĩa là đã dùng cân để xác định, vậy tại sao không dùng cân đó để xác định luôn các chất ban đầu. Trong trường hợp hi hữu, chẳng may quên khối lượng của chất ban đầu thì chỉ cần dò lại sổ ghi chép thí nghiệm là được. Đó là chưa kể điều kiện tiêu chuẩn là ở 0 độ C, rất khác so với điều kiện bình thường của một phòng thí nghiệm hóa học. Ngoài ra, việc đốt cháy để xác định công thức hóa học là một thí nghiệm có từ hàng trăm năm trước, khi mà khoa học kỹ thuật hiện đại chưa phát triển, còn với công nghệ tiên tiến hiện nay, chỉ cần một mẫu nhỏ đem phân tích đã cho ra kết quả chính xác của một chất.
Tôi kể câu chuyện này nhân dịp kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) 2024 đang diễn ra. Đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng của lứa học sinh theo chương trình giáo dục cũ 2006. Năm sau sẽ là đợt thi cuối cấp THPT đầu tiên của lứa học sinh theo chương trình giáo dục mới 2018.
Chương trình cũ kéo dài gần 20 năm với việc kiến thức được gói gọn trong một bộ sách giáo khoa duy nhất. Và đề thi cuối năm lớp 12 để tuyển sinh vào Đại học, dù đã được đổi tên và hình thức thi vài lần, tuy nhiên về nội dung vẫn phải bám sát kiến thức được giới thiệu trong bộ giáo khoa này. Điều này dẫn đến tình trạng nội dung đề thi ngày càng trở nên nặng nề, cụ thể là những câu phân loại học sinh giỏi rất khó và đôi khi sai lệch khỏi bản chất môn học.
Đề thi của chương trình cũ vẫn phải có dạng bài tập phi hóa học này, để phân loại học sinh giỏi có nguyện vọng vào các trường đại học tốp đầu. Giáo viên chúng tôi khi gặp những câu hỏi kiểu canh chua chiên giòn như vậy, dù không hào hứng vẫn cố gắng giảng dạy, để đảm bảo quyền lợi thi cử cho các em. Bên cạnh đó, chúng tôi cố gắng lồng ghép thêm những kiến thức đúng về bản chất hóa học cũng như các thao tác trước, trong và sau thí nghiệm, nhằm khơi gợi niềm yêu thích cũng như chỉnh sửa lại những ý niệm sai lầm của học sinh về môn hóa. Suy cho cùng, hóa học vẫn là môn khoa học thực nghiệm.
Chương trình cũ kéo dài với những dạng bài tập phi thực tế, đã gây ít nhiều lãng phí các nguồn lực. Tôi từng làm việc tại một công ty về giáo dục với vai trò tuyển dụng gia sư. Có một ứng viên – từng đạt điểm 10 môn hóa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm trước đó – tham gia phỏng vấn. Sau khi bạn trình bày bài giảng thử với nội dung là phương pháp giải nhanh các bài toán hóa, tôi hỏi thêm một câu nhỏ, là làm thế nào để xác định khối lượng kết tủa trong bài tập mà bạn đã giảng. Bạn không trả lời được.
Khi ấy bạn là sinh viên một trường về kinh tế, quá trình học tập ở Đại học và công việc sau này chắc sẽ không còn liên quan nhiều đến hóa học nữa. Nhưng tôi tự hỏi, liệu có phải môn hóa đã tồn tại như một môn học với những tính toán mưu mẹo, những bài toán đốt cháy. Chúng ta đã tiêu tốn bao nhiêu thời gian, công sức và tiền bạc để giúp các em đạt điểm cao trong kỳ thi, để rồi quên ngay vì đó là những kiến thức không phải thuần khiết nhất của khoa học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhấn mạnh cấu trúc đề thi cuối lớp 12 từ năm 2025 trở về sau là xây dựng các câu hỏi gắn liền với bối cảnh có ý nghĩa, nghĩa là bối cảnh có tác dụng hoặc có giá trị đối với khoa học và thực tế. Việc đổi mới, cải cách các bộ sách giáo khoa với xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay cũng sẽ góp phần hiện thực hóa điều đó. Những thay đổi trong sách giáo khoa mới của lớp 12 năm sau vẫn có thể gây ra một số trở ngại và khó khăn cho các thầy cô vốn đang quen dạy chương trình cũ. Học sinh, vì chưa từng học qua kiến thức của sách giáo khoa cũ, nên sẽ không bị tác động quá nhiều. Miễn là thầy cô chịu khó thay đổi cách tiếp cận và giảng dạy theo chương trình mới, tôi tin chắc các em sẽ đón nhận mọi kiến thức một cách dễ dàng và hào hứng.
Tôi thường ví von nội dung trong sách giáo khoa cũ như là các nguyên liệu đầy ắp trong tủ lạnh. Vậy thì sau gần 20 năm nấu nướng những món cũ kỹ với ngần ấy nguyên liệu, đã đến lúc cần phải dọn dẹp, đi chợ để có được những nguyên liệu mới, tươi ngon hơn, dinh dưỡng hơn, đừng mãi nấu “canh chua chiên giòn” nữa.
Với tư cách là một người dạy học và cũng là người làm khoa học, tôi rất hào hứng với sự đổi mới, cải cách và tiếp cận của chương trình 2018. Dù biết chương trình nào cũng có những ưu và khuyết điểm riêng, tuy nhiên với chúng tôi, chương trình cũ đã hoàn thành sứ mệnh của mình và những năm học sau sẽ đầy mới mẻ và hứa hẹn.
Nguyễn Bình Nguyên
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ky-thi-cuoi-cung-4763321.html