Năm 2024, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nông sản đạt 62,4 tỷ USD – nằm trong Top 10 nước hàng đầu thế giới. Trong số đó, gạo đứng thứ ba, café đứng thứ hai, chè đứng thứ năm, còn hạt điều và hạt tiêu đứng đầu thế giới.
Cách đây hơn 30 năm, Việt Nam còn đang trong tình cảnh thiếu lương thực. Người dân chưa đủ ăn chứ, đừng nói tới xuất khẩu.
Bước ngoặt tạo nên sự thay đổi đột phá chính là sự ra đời của Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 5/4/1988 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, gọi tắt là “khoán 10” vì nội dung chủ yếu liên quan đến khoán sản phẩm. Văn bản này đã khởi đầu một làn sóng “phá rào” thực tiễn trong nông nghiệp – trao lại quyền tự chủ cho nông dân và giúp cả nền sản xuất bung nở. Chính sách đó thành công không chỉ vì đúng, mà vì dám thay đổi, dám thừa nhận cái cũ đã lỗi thời và cái mới cần được trao quyền.
Hơn ba thập kỷ sau, Nghị quyết 68-NQ/TW ra đời trong bối cảnh tương tự. Khu vực kinh tế tư nhân đã được khẳng định là “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế”, nhưng sự ghi nhận ấy sẽ là chưa đủ nếu thể chế vẫn còn rào cản, thủ tục vẫn trì trệ và niềm tin vẫn mong manh.
Một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xanh mà tôi biết từng mất gần 28 tháng chỉ để xin cấp đất thuê trong khu công nghiệp ở một tỉnh phía Nam. Họ sẵn sàng trả giá thương mại, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, nhưng vẫn không được bố trí mặt bằng vì… “chờ phân bổ từ trên xuống”. Trong khi đó, rất nhiều khu đất sạch vẫn bỏ trống hoặc dành riêng cho “nhà đầu tư chiến lược”.
Nghị quyết 68 đã lần đầu tiên yêu cầu mỗi khu công nghiệp phải dành ít nhất 5% diện tích – hoặc 20 ha – cho doanh nghiệp nhỏ, vừa và khởi nghiệp. Nhưng nếu không có cơ chế tiếp cận công khai, minh bạch, thì 5% ấy vẫn chỉ là một con số đẹp nằm trong bản quy hoạch.
Singapore đã giải bài toán này bằng hệ thống JTC LaunchPad – nơi các doanh nghiệp công nghệ trẻ được thuê mặt bằng linh hoạt, giá rẻ, có kết nối hạ tầng và hỗ trợ đầu tư đổi mới sáng tạo. Nhờ đó, Singapore đã sản sinh ra một thế hệ start-up công nghệ có khả năng toàn cầu hóa. Chúng ta không thiếu đất. Cái thiếu là cách phân bổ minh bạch và niềm tin vào những người khởi nghiệp.
Một điểm khác trong nghị quyết cũng rất đáng hoan nghênh là chủ trương chỉ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp một lần mỗi năm. Nhưng việc này muốn thực sự “đi vào cuộc sống” cần kết hợp cơ chế trao đổi rất chặt chẽ giữa các bộ ngành, tránh tình trạng mỗi cơ quan kiểm tra “một lần riêng”. Một CEO ngành logistics từng chia sẻ, chỉ trong năm 2023, công ty anh trải qua 4 lần kiểm tra: thuế, PCCC, môi trường và lao động – mỗi nơi đều bảo mình “kiểm tra theo quy định”.
Trung Quốc từng rơi vào tình trạng này với các doanh nghiệp công nghệ. Để khắc phục, họ thiết lập hệ thống đánh giá tuân thủ doanh nghiệp: điểm cao thì được miễn kiểm tra. Đó là cách khuyến khích minh bạch, thay vì trừng phạt bừa bãi. Việt Nam hoàn toàn có thể học mô hình này, nếu chúng ta thực sự muốn “chấm dứt xin – cho” trong kiểm tra doanh nghiệp.
Nghị quyết 68 cũng hướng tới mục tiêu “trong năm 2025, hoàn thành việc rà soát… cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh”. Tôi hy vọng, lần này, nhà nước sẽ “đề ra được, thực hiện được”. Vì thực tế, 10 năm gần đây, chính phủ đã nhiều lần tuyên bố “cắt giảm điều kiện kinh doanh” nhưng bao nhiêu điều kiện thực sự được cắt, hay chỉ chuyển từ giấy phép sang “chứng nhận đủ điều kiện”, từ thủ tục A sang thủ tục B? Tại một thành phố miền Trung, một nhóm start-up thiết bị điện tử từng phải dừng dự án gần nửa năm chỉ vì không xác định được cơ quan nào chịu trách nhiệm cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn. Họ gọi quá trình đó là “trò chơi bịt mắt bắt dê giữa các sở”.
Estonia – quốc gia hàng đầu châu Âu về cải cách thủ tục – áp dụng nguyên tắc “once only”: doanh nghiệp chỉ phải cung cấp dữ liệu một lần, mọi cơ quan còn lại sẽ chia sẻ qua hệ thống. Điều đó giúp doanh nghiệp tiết kiệm hơn 80% chi phí tuân thủ. Việt Nam đã có nền tảng dữ liệu quốc gia, đã có căn cước công dân số – nhưng thủ tục vẫn có chỗ đòi bản photo công chứng sổ hộ khẩu thì không thể nói là cải cách. Vấn đề không nằm ở công nghệ – mà nằm ở thể chế và quyết tâm cải cách.
Đặc biệt, nếu muốn kinh tế tư nhân cất cánh, thì cần hoàn thiện thể chế theo hướng thị trường thật sự – trong đó quyền sở hữu, quyền cạnh tranh bình đẳng và quyền được tự do kinh doanh phải được luật hóa rõ ràng. Khi ấy, Việt Nam sẽ hy vọng thuyết phục được các đối tác lớn như Mỹ, EU và OECD công nhận là nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh. Việc được công nhận không chỉ mang ý nghĩa chính trị, mà còn có tác động kinh tế to lớn – giúp Việt Nam tránh rủi ro chiến tranh thương mại, tránh bị áp thuế chống bán phá giá vô lý, và tăng niềm tin cho dòng vốn FDI dài hạn.
Một thể chế thị trường minh bạch, cạnh tranh và ổn định sẽ là nền tảng để doanh nghiệp tư nhân Việt Nam bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu – điều mà các FTA như EVFTA, CPTPP hay RCEP vẫn đang để ngỏ mà chúng ta chưa khai thác hiệu quả.
Cuối cùng, nhưng chưa phải là hết, Nghị quyết cũng tái khẳng định nguyên tắc “không hình sự hóa các hành vi dân sự – kinh tế nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”. Đây là điều quan trọng với mọi doanh nghiệp. Một doanh nhân ngành xây dựng tại một thành phố lớn từng bị khởi tố vì “trốn thuế” chỉ vì không cập nhật kịp quy định khấu trừ VAT mới ban hành. Sau này vụ án được đình chỉ, nhưng uy tín doanh nghiệp thì không thể cứu lại – họ mất nhiều hợp đồng lớn và cả niềm tin trên thị trường. Tại Nhật Bản, nếu doanh nghiệp nhỏ vi phạm hành chính thuế lần đầu, cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn và yêu cầu khắc phục – không quy tội. Tinh thần của cải cách chính là giúp doanh nghiệp tốt lên, chứ không đẩy họ vào rủi ro pháp lý từ những sai sót vô ý.
Chúng ta không thiếu chính sách đúng. Điều thiếu là một bộ máy thực thi có tư duy cải cách và năng lực hành động mạnh mẽ như tinh thần Nghị quyết 10 năm xưa. Phải có cơ chế kiểm đếm tiến độ, công khai bảng điểm giữa các địa phương, cắt quyền nếu cán bộ lạm quyền hoặc trì hoãn. Phải biến các bộ ngành thành kiến trúc sư thể chế, không phải là người soạn nghị quyết rồi giao việc cho cấp dưới làm tùy nghi. Phải coi doanh nhân là người hợp tác, không phải đối tượng bị giám sát mặc định.
Nếu làm được điều đó, Nghị quyết 68 sẽ không chỉ là một cột mốc chính trị, mà sẽ là một “khoán 10” cho nền kinh tế tư nhân. Đây có thể trở thành bước ngoặt để khơi thông năng lượng lớn nhất còn đang bị nén lại trong nền kinh tế: khát vọng làm ăn tử tế và lớn mạnh của khu vực tư nhân Việt Nam.
Đinh Hồng Kỳ
Nguồn tin: https://vnexpress.net/khoan-10-cho-kinh-te-tu-nhan-4882837.html